Khó khăn về kinh phí
Báo cáo tại hội nghị sơ kết công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày 18.5, do Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay của Bắc Giang là dịch Covid-19 đang phát triển và diễn biến rất phức tạp”.
Theo ông Dương, tới thời điểm ông báo cáo, Bắc Giang đã phải cho dừng hoạt động 4 khu công nghiệp lớn, cách ly xã hội H.Việt Yên với 200.000 dân và trên 100.000 công nhân đang lưu trú trên địa bàn, cùng 3 xã có đông công nhân cư trú của H.Yên Dũng. Ngoài ra, còn 28 thôn, tổ dân phố ở 3 huyện khác cũng đang phải cách ly; 3 huyện phải giãn cách xã hội gồm: Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam.
Dù vậy, theo ông Dương, Bắc Giang đã bàn rất kỹ phương án tổ chức bầu cử trong tình trạng phòng, chống dịch, kể cả tổ chức bầu cử trong 4 bệnh viện dã chiến khác nhau, khi khả năng số bệnh nhân Covid-19 của tỉnh này sẽ tăng lên 500-600 người trong những ngày tới.
“Do bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh nên tất cả chi phí tăng lên lớn, có tổ bầu cử 1 hòm phiếu chính nhưng có tới 5 hòm phiếu phụ và anh em rất vất vả. Chúng tôi đang có khó khăn về vấn đề kinh phí. Những nội dung khác tỉnh cũng tự khắc phục được”, ông Dương nói.
Kiến nghị cho bầu cử sớm ở khu vực cách ly, phong tỏa
Cũng là địa phương ở tâm dịch, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, Bắc Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng cho bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh.
Bà Lan kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia có hướng dẫn cho phép các địa phương có các địa điểm cách ly tập trung, hoặc khu vực bị phong tỏa, có thể bỏ phiếu sớm trước 1-2 ngày, vì đây là những khu vực hết sức đặc biệt; đồng thời tổ chức ngày khai mạc bầu cử trọng thể, nghiêm trang nhưng rất gọn nhẹ để phù hợp với tình hình chống dịch.
Đề xuất này của bà Lan được Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đồng tình và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý khi kết luận hội nghị.
Đối với những khu vực có nhu cầu bầu cử sớm hơn, nhất là những khu vực cách ly, thì các địa phương có văn bản cụ thể để Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ trả lời và hướng dẫn ngay.
“Việc này các địa phương đề xuất chúng tôi thấy hoàn toàn đồng tình, cũng rất linh động, rất sáng tạo chỗ này. Luật người ta cũng cho phép để chúng ta làm”, ông Huệ nói.
“Khai mạc bầu cử cũng rất linh hoạt, thống nhất với kiến nghị của các địa phương, chỗ nào thấy nó an toàn, chưa có dịch bệnh thì có thể có đông người hơn một chút, chỗ nào điều kiện phức tạp, khó khăn về phòng, chống dịch thì làm trọng thể, nghiêm trang nhưng rất gọn nhẹ. Chúng ta tập trung cho công tác bầu cử một cách thực chất nhất”, ông Huệ lưu ý thêm.
Tính toán phương án bầu cử trong mùa mưa lũ
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, ông vừa đi giám sát tổ chức bầu cử ở Bắc Kạn về. “Hôm sau tôi lên thì hôm trước Bắc Kạn bị bão lũ, lũ ống, lũ quét, hơn 400 ngôi nhà bị sạt, hỏng phải sửa chữa, người chết có, người bị thương cũng có”.
Bộ trưởng Quốc phòng cho hay, hiện nay các tỉnh miền núi phía Bắc đã bước vào mùa mưa lũ, và đề nghị Hội đồng Bầu cử tính toán phương án thời tiết không thuận lợi ở các địa phương để ủy quyền cho địa phương tổ chức bầu cử cho phù hợp tình hình.
"Các tỉnh biên giới phía Bắc, nếu mưa lũ thì giao thông bị ngăn cách rất nhanh, có thể chia cắt cả làng... Hôm đó (ngày bầu cử 23.5), cũng phải tính chưa chắc đến 7 giờ tối hòm phiếu đưa được ra để kiểm phiếu đâu”, ông Giang nói.
Bộ trưởng Quốc phòng cũng thông tin, ông đã huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch Covid-19, nhất là xét nghiệm Covid-19.
“Nếu địa phương nào cần thì thông báo cho Bộ Quốc phòng, bất cứ thời điểm nào cũng sẵn sàng”, ông Giang nói.
Bình luận (0)