Có thể dự báo nhu cầu nhân lực chính xác cho 5 năm, 10 năm tới không?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
11/11/2021 17:28 GMT+7

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay 11.11, nhiều đại biểu quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH về vấn đề lao động, việc làm và dự báo nhu cầu nhân lực trong thời kỳ có nhiều biến động bởi dịch Covid-19 .

Dự báo nhu cầu nhân lực còn yếu?

Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng dự báo nhu cầu nhân lực của Việt Nam còn yếu, sự gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động chưa đạt yêu cầu, vậy giải pháp là gì?

Bạn trẻ tham gia ngày hội việc làm trong thời điểm chưa có dịch Covid-19

Đ.N.T

Nhiều đại biểu khác đặt vấn đề về sự tác động của dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với việc làm, người lao động, và đưa ra câu hỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh dịch vụ, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước?

Trả lời chất vấn, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận, hiện có 2 vấn đề lớn cần giải quyết, đó là đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường lao động và chất lượng lao động còn thấp dẫn đến năng suất thấp.

Theo ông Dung, nguyên nhân là vì dự báo cung cầu của chúng ta rất hạn chế. “Nếu không sớm xây dựng đề án dự báo cung cầu lao động cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thì thị trường lao động sẽ tiếp tục phát triển không đồng bộ. Kinh nghiệm cho thấy, vào cuối năm 2014, tôi đã đặt hàng TP.HCM dự báo cung cầu ngắn hạn trong 4 tháng ở một số ngành, lĩnh vực, sau đó giao cho Viện Khoa học lao động xã hội và Tổng cục thống kê đưa ra cung cầu trong 3 tháng. Kết quả là người tham gia thị trường lao động ở những ngành được dự báo lập tức thay đổi”, ông Dung lưu ý.

Nguyên nhân thứ 2, ông Dung cho rằng liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn lỏng lẻo vì nhiều nguyên nhân. “Ở các nước phát triển, doanh nghiệp coi việc đào tạo nghề cho người lao động là bắt buộc, nếu không đào tạo mà sử dụng thì doanh nghiệp phải trả tiền cho nhà nước đào tạo. Gần đây nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu quan tâm vấn đề này, nhưng đa số còn chưa có sự gắn kết với trường ĐH, CĐ. Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng đề án gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp với nhà nước để đẩy mạnh việc này”, ông Dung cho biết.

Doanh nghiệp nói khó dự báo nhu cầu trung và dài hạn

Trước đòi hỏi về việc dự báo nhu cầu nhân lực trung và dài hạn để đào tạo không bị chênh so với thực tế, đại diện Bộ LĐ-TB-XH khẳng định sẽ xây dựng đề án, nhưng đại diện các doanh nghiệp lại cho rằng sẽ không thể có được dự báo chính xác vì nền kinh tế có quá nhiều biến động do tác động của dịch bệnh.

Nghề liên quan đến nhà hàng khách sạn từng rất hot nhưng khi dịch Covid-19 diễn ra, nhiều người lao động thất nghiệp

H.C

Ông Mai Văn Thiên, Phó Ban Quản lý nguồn nhân lực Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhìn nhận: “Ngay cả khi tình hình kinh tế ổn định, không có biến động bởi các yếu tố khách quan như dịch Covid-19, thì cũng không có doanh nghiệp nào có thể dự báo được nhu cầu lao động của mình trong vòng 5 năm, 10 năm sau, mà chỉ có thể dự báo ngắn hạn trong vòng 3 tháng, 6 tháng, cùng lắm một năm. Tuy nhiên việc dự báo này cũng chỉ là tương đối, vì đến thời điểm đó có thể còn thay đổi bởi các yếu tổ chủ quan lẫn khách quan. Vì vậy, các trường nếu đào tạo ngành nghề nào, chỉ tiêu bao nhiêu, vẫn chỉ có thể căn cứ vào xu hướng ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng”.

Bà Nguyễn Thị Yến Phi, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Thương mại sản xuất Vạn Sự Lợi cũng cho rằng thị trường ngày nay có quá nhiều biến động, doanh nghiệp chỉ có thể định hướng và đưa ra kế hoạch về nhân sự cho từng thời điểm nhưng cũng không thể đưa ra dự báo chính xác mình cần tuyển bao nhiêu.

“Nhu cầu tuyển dụng biến động theo từng thời điểm. Chẳng hạn trước giãn cách khác với sau giãn cách và 3 tháng, 6 tháng sau có thể cũng khác rất nhiều. Ngành nghề này có thể trong một thời điểm là rất cần nhưng năm sau có khi nó lại thành dư thừa hoặc thậm chí tạm thời biến mất rồi sau đó lại được khôi phục, hướng dẫn viên và một ví dụ. Vì thế, trường học đào tạo số lượng bao nhiêu, ngành nghề nào, cần dựa vào nhiều yếu tố chứ không chỉ căn cứ vào con số dự báo từ doanh nghiệp”, bà Yến Phi nói.

Đào tạo gắn với nhu cầu thực tế cần dựa trên nhiều yếu tố chứ không chỉ căn cứ vào số lượng dự báo nhân lực

Đ.N.T

Vậy làm thế nào để đào tạo không khác quá xa so với thực tế? Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, nêu quan điểm: “Chúng ta không hy vọng dự báo nhu cầu nhân lực trung hạn hay dài hạn vì chính doanh nghiệp còn không thể biết chắc chắn. Bộ LĐ-TB-XH chỉ nên đưa ra cơ cấu trình độ nhân lực, ví dụ trong giai đoạn sắp tới cần bao nhiêu lao động trình độ ĐH, bao nhiêu CĐ và trung cấp. Ngoài ra, dựa vào chiến lược, chính sách phát triển kinh tế xã hội của quốc gia để dự báo ngành nghề nào sẽ là xu hướng. Trường ĐH, CĐ, trung cấp hãy tập trung đào tạo, trang bị cho người học kỹ năng số, kỹ năng chuyển đổi để đáp ứng được sự thay đổi như vũ bão của công nghệ, của thị trường”.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, nếu đưa ra con số dự báo trung và dài hạn không chính xác còn dẫn đến hệ lụy là các trường sẽ đổ xô vào đào tạo rất nhiều chỉ tiêu cho các ngành học đó, đến khi thực tế không diễn ra như vậy, người tốt nghiệp sẽ có nguy cơ bị thất nghiệp và muốn có việc làm phải chuyển đổi ngành nghề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.