Cổ vật - sau ánh hào quang: Bí ẩn mộ táng

15/08/2021 06:23 GMT+7

Múc chén rượu từ lòng chum sành thời Trần vừa đào lên dưới lòng đất ngay bến đò Bông (H.Yên Định, Thanh Hóa), Sơn run run nếm thử, cả nhóm thợ đào lấm lét phía xa, không dám đến gần vì sợ… độc.

Nói về gốm Việt cổ, không vùng miền nào qua được Thanh Hóa. Đây là vùng đất bán sơn địa hệ đồi núi, sông ngòi đa dạng, chưa kể các nền văn hóa cổ từ Đông Sơn, Hán qua các triều đại từ Lý đến Nguyễn… chọn vùng đất này lưu trú tạo thành quần thể tụ cư rộng lớn trù phú, các tầng văn hóa chồng chất nhau. Nếu ở thời kỳ Bắc thuộc, qua đến triều Lý, Trần, Lê…, nhiều nơi chỉ xuất hiện gốm mộc, đất nung, người cổ vùng Thanh Hóa đã có bát tráng men, bát ám họa được chế tác công nghiệp theo hình thức dập khuôn thành sản phẩm hàng loạt chứng tỏ một đời sống thịnh vượng. Tục tùy táng chia của cho người đã khuất được áp dụng qua nhiều thời kỳ. Những hoàng kim một thuở ấy được phát lộ, nhờ nghề đào đồ cổ.

Săn mộ

Chúng tôi theo chân nhóm thợ thâm niên chuyên săn tìm đồ gốm, đồ đồng vùng Thanh Hóa. Nguyễn Tuấn Sơn, có hơn 20 năm săn tìm cổ vật khắp vùng Bắc bộ, cũng là người hiếm hoi trong giới cổ vật được thưởng thức hương vị chum rượu thời Trần kể trên. Sơn nói: “Tụi tôi là người tiếp cận thực địa tìm đồ cổ, đi đến từng thung lũng, từng sườn núi, ăn dầm nằm dề ở đấy, kinh nghiệm học ngày qua ngày, không sách vở, không người chỉ dẫn, nhưng nhìn vào địa thế núi sông, bọn tôi hiểu và đoán biết người xưa chọn nơi nào xây huyệt mộ”.
Hỏi thêm cảm nhận chuyện uống chén rượu thời Trần, Sơn hào hứng: “Hôm ấy đào trúng thạp đồ Trần, trong có nước, anh em bảo thủy ngân, tôi từng làm nghề phân kim nên biết là không phải. Nếm thử thì ra là rượu, thơm thôi rồi luôn, hậu ngọt và êm lắm. Tôi uống xong hơn hai tiếng sau anh em làm cùng thấy không hề hấn gì mới dám uống theo”.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Bí ẩn mộ táng1

Hũ đất nung thời Lê, tương tự tiểu sành bây giờ, được phát lộ ở Thanh Hóa

ẢNH: LAM PHONG

Đất xứ Thanh có văn hóa rất đa dạng, mỗi thời kỳ, mỗi tộc người lại có tục an táng khác nhau. Cùng một địa điểm, lớp trên cùng là đồ Lê, dưới tí đã qua thời Trần, rồi Lý, dưới nữa lại là Hán… đấy gọi là bãi chồng bãi. Gặp những bãi như thế, đồ lưu trong lòng đất nhiều vô kể.
Sơn bảo: “Theo nghề này gian nan lắm vì bị xem là không đàng hoàng. Đi làm nghề dạy nghề, hoạt động thì lén lút, hoặc phải dùng chiêu trò mới hành nghề được. Rồi tự học, tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Đó là cuộc sống, là xương máu”.
Chuyến theo thợ săn mộ ra bãi tha ma nơi cánh đồng Thuần Lộc, thấy ngay những hũ, thạp với chất liệu gốm, sành thời Lê nằm chỏng chơ. Loại hiện vật này thường là thạp trơn, không giá trị nên bị đập bỏ đầy đồng. Một loại mộ dân đi đào mỗi khi gặp là trúng mánh, ấy là mộ dẫn. Khi đào mà gặp được lớp vỉa than hoặc tro, bề ngang chưa đầy nửa thước, lần theo dấu ấy đào lần, cuối cùng sẽ tìm đến mộ, có khi chỉ vài mét, nhưng có vỉa dài đến 20 - 30 m. “Có mộ ở Hòa Bình, rộng gần 4 sào đất, đào lên đồ nhiều như một kho tàng luôn”, thợ đào Văn T. kể lại.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Bí ẩn mộ táng2

Chum sành thời Lê ở lớp sâu gần 2 m trong bãi đào xã Thuần Lộc, Thanh Hóa

“Nhà khảo cổ” không chuyên

Những nhân vật đình đám một thời chuyên săn tìm mộ táng không chỉ vùng Thanh Hóa mà gọi là “xuyên lục địa” (nghe chỗ nào có nghi ngờ về huyệt mộ là tìm đến). Kỷ rồi Tới, Ngọc, Viện, Luyện… đều nhẵn dấu chân khắp vùng phía bắc để săn tìm đồ cổ dưới lòng đất sâu, không khác những “nhà khảo cổ” chuyên nghiệp.
Phạm Văn T., thợ săn mộ thâm niên ở Thanh Hóa, cho biết: “Tôi có lần đào trúng mộ Hán ở Vĩnh Lộc, gặp cái đầu lâu đặt trong xô có hình người cách điệu rất đẹp và một hũ tiền khoảng nửa tạ. Cạnh đó là ấm mai rùa, hai đầm xòe, cùng bao nhiêu xô, thạp trơn. Mộ đấy cũng lộ ra cả vốc vàng to như đầu người, nhưng thò tay vào thì mủn ra cả, chẳng lấy được gì. Ở những mộ Hán khác, xương người gặp nhiều, có mộ đặt sọ vào trống đồng, thời gian ten đồng bám vào lớp sọ xanh rì, nhìn nguyên vẹn, nhưng ra gió tí thì nhão và tan hết. Ở Thanh Hóa có bãi Thúy Vân, bãi Đông Sơn… xương nhiều vô kể”.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Bí ẩn mộ táng3

Thạp nền nâu hoa trắng (hiếm gặp) thời Lý vừa phát lộ trên đất Hòa Bình

Mỗi mộ táng có những quy luật riêng. Tuấn Sơn cho biết: “Theo suy luận thông thường, nhà giàu sẽ chôn đồ nhiều, nhà nghèo ít hơn. Nhưng không phải cứ nhà nghèo là không có đồ tốt, tôi từng đào được một hố toàn đồ xấu, nhưng lộ ra cái ấm rất đẹp. Trong khai quật mộ cổ, thường những chiếc ấm cánh sen không nhiều, chứng tỏ nó thể hiện đẳng cấp nhất định của người đã khuất, phải chức tước gì đó mới chôn theo ấm. Ở một số mộ táng, ấm sen thường đánh dấu là nơi để phần đầu. Mộ thông thường chỉ có bát, đĩa, âu, ang, chum, vại, thạp. Khi đã gặp thạp, trong chỉ có tro cốt. Ngoài thạp ra thì trong còn có đồ, bát nhỏ lồng trong bát to, rồi tượng thú, nghê, voi, tễu, cả ngọc đá, vàng, đồ đồng”.
Dựa trên hiện vật lấy lên từ lòng đất, nhóm thợ đào chia sẻ kinh nghiệm rằng tục hỏa thiêu kéo dài đến thời Lê sơ, bởi mộ từ thời kỳ này bắt đầu có áo quan. Có những mộ ở vùng yếm khí, mở áo quan còn nguyên hình người, nhưng đụng vào mủn ra hết.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Bí ẩn mộ táng4

Bộ ấm chén gốm thời Lý - Trần, hầu hết gốm Việt cổ còn lưu lại đến ngày nay, là đồ tùy táng

Sơn tâm sự: “Không có người làm nghề này thì mấy ai biết được gốm của cha ông mình đẹp thế nào. Một chút tâm linh, tôi nghĩ đây là do các cụ chỉ định. Ở mãi dưới đất rồi, đến ngày phải cho mọi người thấy tài năng của các cụ ngày xưa. Đào món đồ lên, nó cũng đâu mất đi, chỉ là vào duyên ai người nấy giữ rồi lại truyền đời, người mua rồi cũng xuống lỗ lại thôi”.
Hỏi anh em làm nghề đào cổ mộ, có sợ gì không, thợ đào Ngọc V. bảo: “Đã sợ thì đừng nên chơi đồ cổ. Gốm Việt cổ, phải hơn 90% là từ mộ táng mà ra. Thạp đồng, trống đồng, thạp gốm, hũ sành vấu thạch sùng… giá cao ở thị trường, mọi người không cho đó là đồ đựng tro cốt. Trong khi những xô, chum bốn tai, sáu tai, gọi là chum hỏa táng, nên mất giá. Tôi nói luôn, tất cả những thứ đào lên ấy, đều là đồ tùy táng cả. Tôi quan niệm mỗi cổ vật ẩn chứa linh hồn người quá cố, nếu có duyên sở hữu, giữ gìn trang trọng, các cụ còn mừng, chẳng gì phải ngại”. (còn tiếp)
Nghề săn mộ táng
Bắt nguồn từ những năm 1990, khi có người TQ sang tìm mộ dòng họ theo gia phả để lại, khai quật lấy tro cốt và của cải chôn cùng. Nghề tìm mộ của vùng Thanh Hóa ăn nên làm ra từ đó.
“Ngày xưa gặp thạp không dám lấy, vì trong có xương người. Khi đồ có giá, cái gì cũng nhặt. Thợ cổ vật ở Thanh Hóa hiện giữ cả rổ răng cửa nặng hơn 2 kg, rao bán giá 3 triệu/kg, lên ten bóng lưỡng, gom nhặt từ các mộ thời Hán - Đường”, một thợ săn đồ cổ cho biết.
Nhận dạng mộ táng
Nếu là đất thường, xăm vào sẽ thấy độ cứng cao hơn. Khi thợ đào áng chừng vùng nghi vấn mới xăm. Trong cả loạt xăm vào đất thịt, ấn nặng tay, đột nhiên gặp một hố mềm, xăm đi rất êm, khả năng cao là huyệt mộ. Đa phần huyệt mộ giản đơn chỉ là cái thạp (giống tiểu sành để tro cốt bây giờ), trong chứa tro cốt đã qua hỏa táng, mở ra không khí là tan hết, chỉ còn bụi. Thạp hoa nâu Lý - Trần mùi gần như không thể cảm nhận, nhưng sang thời Lê, thạp có mùi tanh khủng khiếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.