Coi chừng 'đổ thừa' hậu Covid-19

30/03/2022 04:00 GMT+7

Nhiều người sau khi khỏi bệnh Covid-19, xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào cũng nghĩ là do hậu Covid-19 nên tâm lý hoang mang, nhanh chóng đi khám bệnh để yên tâm.

Dở khóc dở cười vì hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19 được 5 ngày, chị N.T.H (50 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) thi thoảng cảm thấy mệt, ăn khó tiêu. Lo sợ mình bị di chứng hậu Covid-19, chị H. đi khám, làm xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi... Tuy nhiên kết quả thăm khám mọi thứ đều ổn định.

"Sau khi khám xong, bác sĩ hỏi bệnh tôi mới nhớ ra dạ dày mình không tốt, trước khi mắc Covid-19 cũng dễ bị khó tiêu. Nên ăn thức ăn nguội hay hải sản không tươi thì rất dễ bị trúng thực nên dẫn đến mệt. Có thể tôi đã trách oan cho Covid-19", chị H. chia sẻ.

Một bệnh nhân kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19

Đặng Phượng

Tương tự, L.T.C.Đ (18 tuổi, ngụ Quảng Nam) sau khi khỏi Covid-19 khoảng 1 tuần vẫn còn ho nên luôn mang trong mình tư tưởng phổi bị xơ hóa phổi. Chị Đ. đến bệnh viện để thăm khám, tuy nhiên bác sĩ giải thích tình trạng này vẫn đang trong giai đoạn cấp tính của bệnh, bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn. Nếu ho vẫn kéo dài sau khi khỏi bệnh một tháng thì đó mới là di chứng Covid-19.

"Sau khi khám hậu Covid-19, về nhà thì 4 ngày sau tôi hết ho, hoàn toàn bình thường. Có lẽ do tôi lo lắng quá mức", chị Đ. bày tỏ.

Dở khóc dở cười hơn là trường hợp chị L.T. L (30 tuổi, ngụ Tam Hiệp, Đồng Nai), sau khi khỏi Covid-19 2 tuần, chị có triệu chứng chán ăn, nôn ói, mệt mỏi nhiều hơn, đồng thời kinh nguyệt bị trễ. Chị L. cho rằng tất cả triệu chứng trên do hậu Covid-19 gây ra nên muốn đi khám. Tuy nhiên sau khi chia sẻ với một người bạn, chị L. được khuyên nên kiểm tra nước tiểu. Kết quả chị mang thai được 4 tuần và tiếp tục bị nghén nhiều hơn.

Covid-19 sáng 30.3: Cả nước 9.386.489 ca mắc | Trẻ dưới 5 tuổi và nguy cơ với Omicron “tàng hình”

"Thật vô lý khi sau đại dịch, có bệnh gì cũng đổ tại hậu Covid-19"

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, trước khi có Covid-19, tại các bệnh viện vẫn có số lượng lớn người bị cao huyết áp, bị viêm khớp, tiểu đường, viêm tai, viêm ruột... Nếu vậy thì thật vô lý khi sau đại dịch, có bệnh gì cũng đổ tại hậu Covid-19.

Theo bác sĩ Khanh, tâm lý ổn định đóng vai trò quan trọng với người bệnh Covid-19. Thời gian qua, nhiều người truyền nhau các thông tin về hậu Covid-19, nhất là thông tin về phổi khiến nhiều người hoảng loạn. Nếu muốn đi khám hậu Covid-19 thì nên chọn những cơ sở uy tín tránh bị vẽ vời để rồi tiền mất tật mang.

Lo sợ hậu Covid-19 nên chị L.T.C.Đ đi khám dù chỉ mới khỏi bệnh vài ngày

NVCC

Khi nào được xem là mắc hội chứng Covid-19 kéo dài?

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hiện có 3 định nghĩa về hội chứng Covid-19 kéo dài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người được xem mắc hội chứng hậu Covid-19 kéo dài khi xuất hiện các triệu chứng không thể lý giải sau 3 tháng mắc Covid-19 và triệu chứng này kéo dài trong 2 tháng.

Trong khi đó Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ định nghĩa hội chứng Covid-19 kéo dài là những triệu chứng không lý giải được bằng lý do khác mà người bệnh gặp phải sau hơn 4 tuần khỏi bệnh.

Theo Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE), mốc thời gian để xác định một người mắc Covid-19 là sau 3 tháng.

Bác sĩ Vinh cho biết, nếu theo định nghĩa của WHO thì số người ở Việt Nam mắc hội chứng Covid-19 là rất ít. Định nghĩa này có tính chất tương đối trong nghiên cứu còn khó áp dụng thực tế. Ví dụ nếu một người có triệu chứng ho sau 3 tháng, triệu chứng này xuất hiện liên tục trong 1 tháng thì vẫn phải cần đi khám hậu Covid-19 sớm chứ không thể chờ đến 2 tháng mới khám.

Diễn tiến bệnh Covid-19 chia 3 giai đoạn. Giai đoạn cấp tính là kể từ khi có triệu chứng, test nhanh dương tính, thường dài khoảng 4 tuần. Trong giai đoạn cấp tính, nhiều khả năng các triệu chứng sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên nếu người bệnh cảm thấy các triệu chứng nặng lên như ho nhiều ra máu, khó thở nhiều, sốt không hạ... thì cũng nên đi khám.

Từ 4 tuần đến 12 tuần là giai đoạn Covid-19 vẫn tiến triển, xét nghiệm âm tính nhưng bệnh chưa khỏi hoàn toàn. Sau 12 tuần được xem là giai đoạn hậu Covid-19. Như vậy, hội chứng Covid-19 kéo dài bao gồm cả giai đoạn tiến triển và hậu Covid-19, tức từ 4 tuần đến 12 tuần trở lên.

Theo bác sĩ Vinh, tại Việt Nam, phần lớn người dân có triệu chứng và đi khám từ 4 tuần trở lên, tương tự định nghĩa của CDC Mỹ. "Một người có triệu chứng bất thường sau khi khỏi Covid-19 một tháng mà chính bản thân hay nhân viên y tế không thể lý giải bằng nguyên nhân khác thì mới gọi đó là Covid-19 kéo dài", bác sĩ Vinh nói. Ví dụ một người bị tiểu đường, trong thời gian bị Covid-19 không thể mua thuốc uống đều đặn nay khỏi Covid-19 cảm thấy mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều thì là do tiểu đường không kiểm soát được, có lý do chứ không phải do hậu Covid-19.

Hay nếu một bệnh nhân bị ho sốt, khó thở nhưng hình chụp X-quang phổi cho thấy dấu hiệu bệnh lao thì đây không phải hậu Covid-19. Do đó để biết một triệu chứng có phải hậu Covid-19 hay không, bác sĩ phải loại trừ các lý do gây nên triệu chứng đó. Khi không tìm được lý do thì mới gọi đó là hậu Covid-19.

Những ai cần đi khám hậu Covid-19

Bác sĩ Vinh cho biết, không phải tất cả mọi người sau khi khỏi Covid-19 cần đi khám hậu Covid-19. Tuy nhiên cũng không nên có tư tưởng chủ quan, hậu Covid-19 sẽ không sao.

Nhóm cần đi khám hậu Covid-19 là:

- Người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, từng nhập viện điều trị Covid-19, người có nhiều bệnh nền

- Người có triệu chứng bất thường sau một tháng khỏi bệnh mà không thể lý giải bằng nguyên nhân khác.

Với nhóm người khỏe mạnh thì tiếp tục tập thể dục, nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng, vận động, lắng nghe cơ thể.

Theo bác sĩ Vinh, thời gian qua, phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận gần 20.000 bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên tỷ lệ nhập viện điều trị ít.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng người bệnh để kết luận các triệu chứng có liên quan đến Covid-19 hay không và có hướng điều trị.

Với bệnh nhân không có triệu chứng nhưng có yêu cầu thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu để yên tâm, tùy trường hợp bác sĩ xem xét phù hợp mới chỉ định.

Có một số phụ huynh đi khám dẫn trẻ theo và muốn chụp X-quang cho trẻ. Tuy nhiên nếu thăm khám phổi trẻ tốt bình thường thì không cần làm, vì tia X-quang có thể không tốt cho sức khỏe trẻ, không nên lạm dụng.

Theo WHO, đối với Covid-19 kéo dài, không có phương pháp điều trị chung cho tất cả bệnh nhân. Việc điều trị phải lấy bệnh nhân làm trung tâm và tập trung vào các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Các biện pháp chủ yếu là phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật tự quản lý để giúp mọi người cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.

Khám hậu Covid-19 ở đâu?

Nhiều người sau khi khỏi Covid-19 hơn một tháng vẫn phải đối mặt với các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, đau cơ khớp, giảm sự tập trung, mất ngủ, trầm cảm... Trước tình hình này, nhiều bệnh viện tư và công đã mở khoa điều trị hậu Covid-19, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Khi bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 sẽ có bác sĩ thăm khám riêng, chẩn đoán bệnh theo từng trường hợp.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tại bệnh viện có 2 cơ sở khám hậu Covid-19, gồm:

Phòng khám hậu Covid-19 tại trụ sở chính Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Địa chỉ: phòng số 55, tầng trệt, khu B, số 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP.HCM.

Phòng khám hậu Covid-19 tại Cơ sở 3 của bệnh viện, phối hợp điều trị Đông - Tây y kết hợp. Địa chỉ: số 221B Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Bệnh viện Lê Văn Thịnh, có Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19 tại địa chỉ số 145 Lê Văn Thịnh, P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Bệnh viện Chợ Rẫy, địa chỉ: số 201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP.HCM. Tại bệnh viện có “Phòng khám Di chứng Covid-19”, đặt tại Khu Phòng khám chuyên gia của bệnh viện.

Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM): Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau điều trị Covid-19. Địa chỉ: Số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, Tân Bình, TP.HCM.

Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn có Phòng khám hậu Covid-19 địa chỉ 88 Đường Số 8, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM

Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, hay còn gọi là Bệnh viện 1A. Địa chỉ: 589 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.