Tái nhiễm Covid-19 nhiều lần có ảnh hưởng hệ miễn dịch?

26/03/2022 04:00 GMT+7

Hiện nay phần lớn số ca tái nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, khi tái nhiễm Covid-19 nhiều lần, hệ miễn dịch người bệnh có bị suy giảm không?

Tải lượng virus quyết định nặng nhẹ

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ở lần nhiễm Covid-19 sau nếu bạn tiếp xúc gần với F0, không đeo khẩu, tải lượng virus nhiều thì nguy cơ bị bệnh nặng vẫn cao.


Tái nhiễm Covid-19: Vì sao thời gian và triệu chứng mỗi người mỗi khác?

Theo ông Dũng, việc tái nhiễm nhiều lần không làm suy yếu hệ miễn dịch nhưng gây nặng nề hơn các di chứng hậu Covid-19. Bởi trong quá trình nhiễm Covid-19, virus gây tổn thương tế bào, hệ miễn dịch sẽ tấn công cơ quan bị nhiễm nhưng đôi khi nhận diện nhầm gây viêm toàn thân, tăng đông, kích hoạt kháng thể… dẫn đến các di chứng hậu Covid-19.

Tiếp xúc gần với F0, không đeo khẩu, tải lượng virus nhiều thì nguy cơ bị bệnh nặng vẫn cao

Shutterstock

“Khi virus tấn công vào cơ thể người sẽ gắn với thụ thể ACE2 để xâm nhập vào bên trong, do đó khi hệ miễn dịch kích hoạt kháng thể tấn công vào protein gai của virus sẽ ảnh hưởng chéo đến các thụ thể ACE2. Trong khi đó ACE2 đóng vai trò bảo vệ phổi, tim mạch. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các di chứng hậu Covid-19”, ông Dũng chia sẻ.

Tái nhiễm càng nhiều lần, nguy cơ hậu Covid-19 càng cao

Ngoài ra, theo tiến sĩ Dũng việc cơ thể liên tục kích hoạt các phản ứng miễn dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó dù tái nhiễm sẽ nhẹ nhưng nguy cơ hậu Covid-19 sẽ không khác gì lần đầu, tức càng nhiễm nhiều lần, nguy cơ hậu Covid-19 càng cao.

Những điều cần biết về tái nhiễm Covid-19

Cùng quan điểm với tiến sĩ Dũng, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết dù tái nhiễm thường không gây nên các triệu chứng nặng nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ mắc hội chứng hậu Covid-19, tỷ lệ này sẽ dao động từ 6-15%. Các triệu chứng hậu Covid-19 thường rất đa dạng như mất ngủ, khó thở, hụt hơi, ho khan, mệt mỏi…

Các triệu chứng hậu Covid-19 thường rất đa dạng như mất ngủ, khó thở, hụt hơi, ho khan, mệt mỏi...

Shutterstock

Tâm lý của người bị tái nhiễm Covid-19 cũng là yếu tố quan trọng được các chuyên gia đưa ra khuyến cáo. “Mỗi lần tái nhiễm, người bệnh phải đối mặt với các triệu chứng. Ngoài ra, tâm lý lo lắng, sợ hãi, ăn ngủ kém cũng sẽ ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Hiện chúng ta cũng chỉ quan sát trên một nhóm mẫu nhỏ số ca tái nhiễm nhẹ nên không loại trừ tái nhiễm gây ra biến chứng nặng, nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn , hay bão cytokine….”, bác sĩ bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) chia sẻ.

Theo các chuyên gia người dân nên tuân thủ tốt 5K, nhất là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh.

Mọi người cố gắng giữ không bị bệnh Covid-19 là tốt nhất, nếu đã bị thì cố gắng giữ để bản thân không tái nhiễm.

Ngoài ra, mọi người cần duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, tập luyện thể thao… là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức đề kháng, phòng tránh nguy cơ tái nhiễm Covid-19.

Phân biệt một người bị tái nhiễm hay tái hoạt

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, tái hoạt (tái dương tính) thường xảy ra trong 3 tháng đầu. Ví dụ, trong làn sóng dịch thứ 3 tại TP.HCM, có hành khách bay về từ nước ngoài nên được cách ly 14 ngày. Đến ngày 14, bệnh nhân này được phát hiện dương tính Covid-19 nên nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị. Sau khi điều trị 14 ngày, bệnh nhân âm tính được cho về nhà cách ly 14 ngày. Đến ngày 14, bệnh nhân dương tính nhập viện điều trị lại nhưng nhẹ.

“Do đó, nếu trong 3 tháng đầu, bệnh nhân cứ âm tính, dương tính rồi âm tính thì được gọi là tái hoạt. Tức người bệnh vẫn bị chính chủng virus đó gây dương tính, nhưng chỉ còn là xác virus nên không gây nặng, khả năng lây lan hầu như không có”, bác sĩ Tiến lý giải.

Còn tái nhiễm có 2 dạng. Một dạng chung tác nhân tức cùng một biến chủng, dạng thứ hai khác tác nhân tức biến chủng khác. Tái nhiễm chung tác nhân theo nghiên cứu khoảng 3 tháng mới nhiễm lại, một số tài liệu ghi nhận 6 tháng. Bởi kháng thể của một bệnh nhân có thể kéo dài đến 6-7 tháng. Ở một số bệnh nhân có trí nhớ miễn dịch thì sẽ không bị nhiễm lại.

Còn tái nhiễm khác tác nhân thì không cần thời gian 3 tháng, 6 tháng mà có thể khoảng 1 tháng. Ví dụ, một người nhiễm Omicron biến chủng BA.1 thì khoảng 1 tháng có thể nhiễm biến chủng BA.2 chẳng hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.