Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng VN, cho biết để giảm cân bền vững, an toàn, đầu tiên cần điều chỉnh chế độ ăn theo hướng cắt giảm bớt năng lượng, bớt chất béo, bớt chất bột đường và tăng lượng chất xơ được thiết kế phù hợp với cá thể. Thứ hai là tăng cường vận động thể lực đều đặn phù hợp với cá nhân. Thay đổi lối sống như ăn uống, ngủ, nghỉ, điều tiết các hoạt động trong ngày. Nếu cần sử dụng thực phẩm hỗ trợ giảm cân, thì cần đến chuyên gia tư vấn và có chỉ định.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Diệp, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng dưới dạng ngậm, sủi, viên, dung dịch… được quảng bá là giảm cân. Nhưng nếu không có chuyên môn và không xem xét kỹ mà tin tưởng vào lời quảng cáo của người bán sẽ bị mất tiền, hiệu quả giảm cân không đạt và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các loại thuốc, kẹo giảm cân được rao bán trên mạng xã hội |
CHỤP MÀN HÌNH |
Bác sĩ Diệp phân tích: “Những sản phẩm giảm cân này, nói chung thành phần hầu như là có tính lợi tiểu khiến người dùng mất nước; nhuận trường khiến người dùng đi đại tiện nhiều, thậm chí hay bị tiêu chảy. Đây là lý do khiến người dùng thấy giảm cân nhưng thật sự là hoàn toàn bị mất nước”. Bên cạnh đó, trong sản phẩm còn có chất gây no, gây cảm giác chán ăn. Điều này dễ dẫn đến tác dụng phụ vì chán ăn sẽ bị thiếu chất, rối loạn cân bằng vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến sức đề kháng, thiếu hụt các vi chất. Đối với người có rối loạn tiềm ẩn ở hệ thống thần kinh cơ, rối loạn tim mạch thì có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
“Thực tế điều trị tôi chưa thấy người nào uống các bột, viên… được quảng bá giảm cân cấp tốc, giảm cân không cần nhịn ăn, không cần ăn kiêng, không cần tập thể dục mà giảm cân được. Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác. Nếu có nhu cầu giảm cân thì hãy đến bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Diệp khuyến cáo.
Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng hiện nay thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng trôi nổi quảng cáo giảm cân rất bát nháo để thu hút khách hàng, “thổi” công dụng giống như thần dược. Nhưng thực tế, việc kiểm soát quảng cáo trên mạng xã hội hiện nay rất khó khăn, do đó người dân cần cẩn trọng, không phải người bán nói gì cũng tin.
Cơ quan quản lý từng ghi nhận sản phẩm giảm cân, giảm béo chứa chất cấm là các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sản phẩm ghi nhãn bằng chữ nước ngoài, nhưng gần đây, trong nước xuất hiện một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ giảm béo, giảm cân trên nhãn có ghi nhà sản xuất, phân phối, cũng đã bị phát hiện có chứa chất cấm. Trong tháng 1 này, Cục An toàn thực phẩm đã có cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống giảm cân Seven Days có chứa chất cấm sibutramine...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) lưu ý: “Để giảm cân an toàn, điều trị béo phì, giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể bằng cách giảm năng lượng ăn vào thông qua kiểm soát chế độ ăn và tăng năng lượng tiêu hao thông qua chế độ vận động thể lực phù hợp và ngủ đủ thời gian”.
"Giảm cân không được nhịn đói mà nên ăn làm nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa số lượng thức ăn ít thì tốt hơn là ăn ít lần nhưng nhiều thức ăn; lựa chọn những loại thức ăn ít năng lượng thay vì nhịn đói. Cần ăn đủ đạm, sinh tố và khoáng chất (thực đơn phải đảm bảo đủ lượng thịt cá, rau, trái cây). Tránh các loại thức ăn nhiều năng lượng như nhiều mỡ, các món chiên, quay, xào, thịt mỡ, lòng, óc…; thức ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, mật ong, sữa đặc có đường, nước ngọt…", bác sĩ Tiến cho biết.
“Mục tiêu làm đẹp nhưng tổn hại đến sức khỏe là không đáng. Muốn đẹp đầu tiên phải khỏe, còn mập hay ốm chỉ là quan điểm nhất thời”, PGS-TS Phong Lan chia sẻ.
Bình luận (0)