Trả nghĩa cho thành phố
Chúng tôi đóng vai một người lạ đến xin cơm chay tại số 207 đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào khoảng 7 giờ sáng, đây cũng là thời gian đông người nghèo đến xin cơm chay nhất trong ngày. Bà Nguyễn Thị My – 76 tuổi, chủ quán cơm chay ân cần đưa liền mấy suất cơm, nói: "Chú tiện mang luôn cho mấy người nghèo không qua được giùm tôi".
Tình yêu lớn 'đỏ lửa' từ bếp chay 0 đồng của ngoại My
Tranh thủ khi cơm phát hết, bà My ngồi xuống nghỉ ngơi một chút rồi lại tiếp tục nhặt rau chuẩn bị cho ngày hôm sau. Từ 3 giờ sáng hằng ngày, bà đã cùng chồng dậy nấu cơm để phát cho kịp nên những gì chuẩn bị trước thì làm ngay sau khi phát cơm xong. Bà My tâm sự: "Mình già rồi, không nghĩ làm tới tận bây giờ, nhưng thấy nhiều người nghèo còn khổ quá, với lại được các nhà hảo tâm, tình nguyện viên ủng hộ nên cứ làm tới nay đã gần 3 năm".
Bà My cùng chồng là ông Trần Văn Hồng (85 tuổi) quê ở huyện Ô Môn, TP.Cần Thơ. Hai ông bà mới lên TP.HCM được 6 năm, trong lần đi thăm khám bệnh tuổi già. Khi ấy, bà My hữu duyên nhận được sự giúp đỡ của những người dưng, từ đó bà yêu thành phố này nên muốn ở lại sinh sống quãng đời còn lại. Bà quyết định mở quán bánh xèo rồi chuyển sang bán cơm chay.
Vào thời điểm xuất hiện đại dịch Covid-19, bà với chồng nấu hết lương thực sẵn có để giúp đỡ bà con. Bà nhớ lại, hồi tháng 9.2021, TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, bà nhìn thấy một người đàn ông nằm lả trên vỉa hè đối diện nhà bà. Bà vội sang xem thì thấy người này khả năng bị đói quá, kiệt sức nên kêu ông Hồng dìu người này vào nhà nấu cháo cho ăn, cho uống nước rồi sau đó anh ta tỉnh lại...
"Tôi nói với chồng, hay mình lấy đồ cho hết người nghèo rồi mình về quê. Chồng tôi đồng ý nhưng chủ nhà trọ khuyên giữ lấy tiền ấy mà dưỡng già, tôi bảo tôi già rồi nên nếu bệnh tôi không vô bệnh viện nữa, tôi sẽ rút 80 triệu đồng tiền cọc thuê nhà và nấu cơm chay miễn phí. Chúng tôi từng nhận được sự yêu thương, giúp đỡ từ những người dưng và giờ đến lúc chúng tôi làm việc thiện để trả nghĩa cuộc đời", bà My thổ lộ.
Ông Trần Văn Hồng tâm sự: "Vợ tôi chữa bệnh xong lại không muốn về quê mà bà ấy muốn ở lại TP.HCM để mở quán cơm chay, khi đó tôi đang ở quê chờ. Thấy vợ bận rộn công việc tuổi xế chiều mới quyết định dọn lên làm cùng bà ấy. Đến lúc vợ bày tỏ muốn rút tiền dưỡng già ra nấu cơm miễn phí, tôi hoàn toàn ủng hộ bà".
Bếp cơm ấm lửa tình người
Hằng ngày, bà My và ông Hồng đều dậy từ rất sớm để nấu cơm chay. Do tuổi cao nên lưng hai ông bà đều bị còng nhưng họ không quản ngại nấu từ 200-250 suất cơm chay mỗi ngày.
Thời gian đầu những suất cơm chay của ông bà phát bị ế vì mọi người không ai có thông tin về quán cơm miễn phí này. Rồi thông qua sự chia sẻ của một anh shipper, hàng trăm suất cơm của ông bà được trao đến những người nghèo khó, vô gia cư, bán vé số...
"Từ ngày tôi mở bếp cơm, có rất nhiều nhà hảo tâm, tình nguyện viên chung tay mới giữ được lửa chứ vợ chồng tôi già rồi không thể làm được mãi", bà My cho biết.
Chị Đặng Thị Minh Hòa, một tình nguyện viên, chia sẻ: "Ai có công góp công, ai có của góp của. Có những ông, bà lớn tuổi đi xe đạp đến tay chân run lập cập nhận hộp cơm mà thấy trong lòng mình vui mừng... Khi nào ông bà chủ yếu hơn không làm được nữa thì tôi sẽ bàn với mọi người để tiếp bước duy trì bếp cơm".
Hai ông bà có 5 người con, đều đi làm ăn xa, có người bên Campuchia. Mới đây, chị Trần Thị Nhung - con gái ông bà đã dọn về ở cùng để phụ giúp cha mẹ nấu bếp. Chị Nhung cho biết, các chị em đều ủng hộ việc làm của cha mẹ và cũng mong muốn giữ lửa bếp cơm sau khi cha mẹ không làm được nữa.
Làm việc thiện như liều thuốc quý
Như một phép nhiệm màu, trước kia bà My bị lưng còng khá nặng nhưng từ khi mở bếp cơm bỗng nhiên bà dần đứng thẳng lên được. Cả 2 ông bà tinh thần luôn phấn chấn, vui vẻ dẫu phải thức khuya dậy sớm ở tuổi xế chiều. "Ngày xưa lưng tôi cong dữ lắm, bác sĩ kêu mổ không đảm bảo thành công vì sẽ chạm dây thần kinh đốt xương sống. Vậy nên tôi thôi không mổ, tập trung tiền làm từ thiện. Tôi cũng thường nói với các con rằng, cha mẹ còn khỏe không giúp người ta lúc này thì lúc nào nữa", bà My cho biết.
Để duy trì kinh phí cho bếp cơm chay miễn phí, bà My còn làm bún bì, bánh mì và chở trên xe đạp đi bán hằng ngày. Đi đến các khu chợ, người ta còn tặng cho bà rất nhiều rau củ quả, dầu ăn, bột ngọt để ủng hộ bếp cơm. Biết đến nghĩa cử của vợ chồng bà, Quận đoàn Bình Thạnh cùng thường xuyên cử tình nguyện viên xuống phụ giúp ông bà.
Bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90 cứ thế lan tỏa mầm thiện, ai có gì muốn góp chung vào bếp thì bà nhận, ai có thời gian rảnh thì đến góp công, như ông Phan Văn Sửu, 84 tuổi (Q.Bình Thạnh), mỗi ngày lấy khoảng 40 suất cơm đi phát cho những bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện.
Ông Hồng chia sẻ, "từ khi đưa thông tin lên mạng xã hội, mọi người biết đến và nhận cơm chay rất đông, cực và mệt nhưng rất vui. Vợ tôi làm suốt cả ngày, có khi làm tới nửa đêm mới xong, tôi cũng ráng làm phụ vợ. Chúng tôi sẽ làm tới khi nào sức khỏe cho phép".
Hiện nay, được sự hỗ trợ của MTTQ cấp cơ sở, bếp cơm của ông bà có tên chính thức là "Bếp 0 đồng - Nghĩa tình mặt trận – Cơ sở thiện nguyện cô My".
Bình luận (0)