Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Hồ Bá Thâm, Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP.HCM cho rằng hệ giá trị con người là một đại lượng khái quát còn rất chung. Do đó, hệ giá trị con người cần được cụ thể hóa thành hệ chuẩn mực mới dễ đi vào cuộc sống. Điều này giống như quy phạm pháp luật hay quy ước của các hương ước, gia ước, gia phong...
Bác Hồ đưa ra nhiều chuẩn mực giá trị cho những người làm việc lĩnh vực khác nhau |
ảnh tl |
Ông Thâm cũng nêu những chuẩn mực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một cách gọn ghẽ, cho các đối tượng khác nhau. Với các cháu thiếu niên nhi đồng có Năm điều Bác dạy: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".
Bác cũng có sáu điều dạy công an nhân dân: “Đối với mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đôi với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo”. Bác lại nhắc cán bộ, đảng viên: “Cần kiệm - Liêm chính - Chí công - Vô tư”.
Ông Thâm cũng điểm đến 3 giá trị cốt lõi mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn luôn nhấn mạnh của người Việt là 'lao động - tình thương và lẽ phải'. “Riêng về giá trị lao động giỏi thì chuẩn mực là lao động chăm chỉ, có kỷ luật, kỹ thuật, sáng tạo và năng suất lao động cao. 5 chuẩn mực này rất đúng với những người trong tuổi lao động, có sức lao động”, ông Thâm nói.
|
ảnh Vũ đoan |
PGS-TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhắc tới quan điểm của nhà văn hóa Đào Duy Anh trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương. Trong đó, nhà văn hóa Đào Duy Anh đưa ra 7 giá trị như là bản sắc văn hoá Việt, gồm: sức ký ức (trí nhớ) tốt, thiên về nghệ thuật và trực giác; ham học, thích văn chương; ít mộng tưởng (thiết thực); sức làm việc khó nhọc (cần cù) ở mức độ ít dân tộc bì kịp; giỏi chịu… khổ và hay nhẫn nhục; chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; khả năng bắt chước, thích ứng và dung hóa rất tài.
Tuy nhiên, theo ông Hải, nếu xem xét kỹ lưỡng thì thấy đúng ra đó mới chỉ là những đặc tính nhất định của con người hoặc xã hội Việt Nam ở một giai đoạn lịch sử nào đó chứ chưa phải toàn bộ những nội dung mà họ nêu đều đã là những giá trị Việt hay hệ giá trị con người Việt Nam.
Ông Hải cũng trích dẫn đúc kết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Theo đó, Tổng bí thư khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Theo ông Hải, đây có thể xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Những giá trị này vừa là kết tinh những truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa là yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam đương đại phải thực hiện, phải tuân thủ, phải xem là khung khổ, khuôn mẫu, tiêu chí để suy nghĩ và hành động.
Bình luận (0)