Một năm hội nghị văn hóa toàn quốc: 'Nâng chuẩn' sản phẩm thiết kế sáng tạo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/11/2022 07:00 GMT+7

Thiết kế là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đã được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN đến năm 2020,tầm nhìn đến năm 2030. “Sân chơi” thiết kế sáng tạo đang ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Rộn ràng sản phẩm thiết kế của người trẻ

Tại Tuần lễ thiết kế VN 2022 do VietNam Design Group và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN (VICAS) tổ chức, tác giả Hồ Thị Thu Hà để lại rất nhiều ấn tượng. Chị đã nghĩ rất lâu, rất nhiều về những đống rác sau tết. Trong đó, có quá nhiều chậu cây cảnh bằng tre, nhựa, xi măng dùng để trồng cây cảnh trong tết. Thu Hà cũng nghĩ về những đống bã cà phê. “Sau khi các cây tàn đi, một lượng rác khổng lồ được thải ra. Nó gây ô nhiễm môi trường và cũng làm mất đi ý nghĩa giá trị trưng cây ngày tết mang lại. Bã cà phê cũng tưởng như vô hại nhưng khi bị đổ sẽ dần vùi vào lòng đất và thải ra khí metan - loại khí làm trái đất nóng lên hơn 86 lần so với CO2­­”, tác giả Thu Hà chia sẻ.

Buổi trình diễn thời trang tưởng nhớ NTK Diego Chula, một người mang văn hóa Việt vào trang phục

BTC cung cấp

Chính vì thế, tác giả Hồ Thị Thu Hà đã nghĩ ra sản phẩm chậu cây cảnh mang tên Lộc. Đây là bộ chậu trưng cây cảnh tự phân hủy dành cho ngày tết được làm từ chất liệu bã cà phê. Bã cà phê dần dần phân hủy, rễ cây từ từ xuyên thành chậu. Sau đó, người sử dụng có thể trồng trực tiếp cây xuống đất hoặc sang qua một chậu khác có kích thước lớn hơn.

Ông Lê Việt Hà, một thành viên ban tổ chức, cho biết: “Năm nay chúng tôi nâng cao yêu cầu, phải là các sáng tạo mới hoàn toàn. Vì thế, các đồ án của sinh viên trong trường không tham dự được như những năm trước. Càng ngày, hoạt động của tuần lễ sẽ càng chuyên nghiệp hơn. Các bài thi cũng hướng tới việc phải sản xuất được, phải ra thị trường được”.

Giới trẻ sáng tạo ở VN rất mong có thách thức để thúc đẩy sáng tạo của họ. Năm 2022, với việc Covid-19 qua đi, các sân chơi được củng cố và tạo lập nhiều hơn, sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế cũng xuất sắc hơn hẳn.

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia

Cũng theo ông Hà, hoạt động khác cũng được nhiều người yêu thích của tuần lễ là việc có người hướng dẫn kèm cặp các thí sinh dự thi. “Khi thí sinh đưa ra ý tưởng, nhiều người còn quá trẻ, còn chưa có kinh nghiệm sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Chính vì thế, Tuần lễ thiết kế VN khắc phục điều đó bằng cách đưa huấn luyện viên vào hướng dẫn những thí sinh có ý tưởng tốt”, ông Hà nói.

Thiết kế quạt bằng tre của NTK Nguyễn Huỳnh Nam

Ở những mùa giải trước, Tuần lễ thiết kế VN đã có những sản phẩm đưa ra thị trường. Chiếc ghế Queen Chair lấy cảm hứng từ Nam Phương Hoàng hậu của NTK Nguyễn Phương Chi đã chào sân và được bán với giá cao. Chiếc quạt từ nguyên liệu tre của NTK Nguyễn Huỳnh Nam cũng đã hoàn thành phần thiết kế 3D, có phiên bản để bàn và đứng khác nhau. Giờ đây, NTK đang “gom đơn” để sản xuất đồng loạt…

Theo chuẩn quốc tế

Nếu như Tuần lễ thiết kế VN được tổ chức lần 3 vào năm 2022 nâng chuẩn thì Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội lại là thiết lập chuẩn trong lần đầu tổ chức. Các thiết kế từ không gian công cộng đến mỹ thuật, game, âm nhạc, thời trang đều có mặt trong lễ hội. Tại đây có triển lãm Tả thanh thiên do nghệ sĩ Nguyễn Kim Long trực tiếp dẫn dắt. Khách thăm không gian này được học và tự hoàn thiện các tác phẩm in cyanotype với màu xanh đặc trưng. Tại không gian sáng tạo Phúc Tân, có buổi trình diễn thời trang tưởng nhớ NTK Tây Ban Nha, ông Diego Chula, một người thường đưa văn hóa Việt vào thiết kế.

Thiết kế chậu trồng cây bằng bã cà phê

NVCC

Cả Tuần lễ thiết kế VN lẫn Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đều được tổ chức nhằm mục đích kết nối các tài năng thiết kế sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. NTK Nguyễn Phương Chi, sau giải thưởng với ghế Queen Chair, đã có những kết nối thêm với những người làm trong lĩnh vực nội thất khác. Chị cũng bắt đầu tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Kiến trúc, bộ môn Nội thất. “Chúng tôi có những kết nối về nghề nghiệp và muốn tạo dựng một cộng đồng chuyên nghiệp”, NTK nội thất Phương Chi của thương hiệu NORDIC cho biết.

Với Hà Nội, việc tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên còn là một cam kết khi nộp hồ sơ Thành phố sáng tạo cho UNESCO xét duyệt. Với tinh thần như vậy, cả hai sự kiện thiết kế lớn trong 2022 này đều dành thời lượng cho các tọa đàm về lý thuyết. Năm nay, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc đưa các giá trị di sản vào thiết kế sáng tạo. Cùng với Khoa Các khoa học liên ngành thuộc ĐHQG Hà Nội, Hà Nội tổ chức hội thảo nội dung Di sản trong thành phố sáng tạo. Trong số các diễn giả có TS Trần Hậu Yên Thế - một trong những người đã kiến tạo không gian phố đi bộ Phùng Hưng từ những kỷ niệm Hà Nội xưa.

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, chia sẻ: “Giới trẻ sáng tạo ở VN rất mong có thách thức để thúc đẩy sáng tạo của họ. Năm 2022, với việc Covid-19 qua đi, các sân chơi được củng cố và tạo lập nhiều hơn, sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế cũng xuất sắc hơn hẳn. Đặt trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa đó cũng là một ngành được ưu tiên phát triển. Với cách thúc đẩy văn hóa sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, tôi thấy rất tự tin với ngành thiết kế sáng tạo của VN”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.