Một năm hội nghị văn hóa toàn quốc: Du lịch dựa vào trụ cột văn hóa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/11/2022 07:24 GMT+7

Tham quan di sản, di tích, nghiên cứu văn hóa lịch sử; tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống, du lịch tâm linh… xuất hiện ngày càng nhiều và phong phú trong năm 2022, cho thấy du lịch Việt ngày càng “quấn quýt” với văn hóa.

Bánh lá bàng sánh cùng đồ quý Hoàng thành

Kết thúc chuyến thăm Đêm thiêng liêng 2 tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), một vị khách viết vào phiếu ý kiến: “Nước mắt cứ tự động chảy xuống khi nghĩ rằng những gì mình được nghe, được thấy trước mắt là sự thật trong lịch sử. Cảm ơn ban tổ chức đã giúp quan khách được trải nghiệm một cách chân thực nhất. Nghĩ về sự hy sinh của cha ông, mình lại có động lực cố gắng thêm một chút”. Sau đó, vị khách còn bổ sung: “Bánh, trà và thạch đều rất thơm”.

Bánh lá bàng, trà lá bàng và thạch bàng là những sản phẩm du lịch mới được làm ra cho tour khám phá nhà tù Hỏa Lò. Cùng với vở diễn về tù nhân chính trị xưa, những món ăn này giúp Đêm thiêng liêng 2 trở thành một sản phẩm du lịch nổi trội trong năm 2022.

Đặc sản bánh lá bàng, trà bàng… của nhà tù Hỏa Lò

BQL Di tích nhà tù Hỏa Lò

Thông tin từ Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò cho biết cây bàng ở đây do tù nhân đi lao động bên tòa án bứt về để trồng. Cây lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị nhà tù Hỏa Lò như một điểm hẹn, một “hòm thư bí mật” để trao đổi thông tin, tuyên truyền cách mạng.

Trong khi đó, Hoàng thành Thăng Long lại có một phòng trưng bày mới với chủ đề “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” từ tháng 9.2022. PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, là người đã lên ý tưởng và tổ chức thực hiện trưng bày này. Tại đây có nhiều hiện vật được trưng bày với sự hỗ trợ của công nghệ chiếu mapping (hiệu ứng 3D). Một ví dụ, qua ánh sáng vẽ lên chiếc đĩa trơn thành hoa văn, người xem có thể hình dung chiếc đĩa ngà vẽ hoa văn thời Lê sơ, thế kỷ 15 được hình thành thế nào.

TS Bùi Minh Trí nói: “Các công nghệ mới lần đầu áp dụng tại VN. Chúng tôi chiếu mapping lên tường, chiếu lên cả cung điện nhà Lý, đưa các báu vật trong hoàng cung vào không gian của một cung điện nhà Lý. Điều này mang lại cảm xúc ấn tượng về các vật dụng của hoàng cung xưa”.

Báu vật Hoàng cung không đứng một mình. Ở Hoàng thành Thăng Long còn có nhiều sản phẩm du lịch khác dựa trên thế mạnh văn hóa lịch sử của di sản UNESCO công nhận. Đó là những tour du lịch đêm, tại đó khách được xem nghệ thuật và ngắm, cũng như nghe kể chuyện về di sản này. Họ cũng được thăm khu khảo cổ học và uống nước lấy lên từ chiếc giếng cổ tại đây. Điểm chung của các sản phẩm này là đều dựa trên văn hóa.

Hiện vật thời Lý trong trưng bày Báu vật Hoàng cung tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Trinh Nguyễn

Tín hiệu hồi phục

Th.S Hoàng Đạo Cầm, Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho biết hệ thống sản phẩm du lịch chủ đạo của VN được xác định trong các chiến lược, quy hoạch quốc gia bao gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch đô thị. “Có thể thấy yếu tố văn hóa thực tế tham gia mạnh mẽ trong việc hình thành các dòng sản phẩm nêu trên của du lịch VN. Du lịch văn hóa đã khẳng định vai trò quyết định trong việc tạo nên kết quả ấn tượng trong thời gian qua của ngành du lịch. Các di sản văn hóa là giá trị cốt lõi để phát triển du lịch đặc trưng ở các vùng du lịch của VN”, ông Cầm phân tích.

Th.S Hoàng Đạo Cầm “điểm danh” các sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật và hấp dẫn du khách trong thời gian qua như du lịch tham quan di sản, di tích, nghiên cứu văn hóa lịch sử thông qua hệ thống di sản, di tích, các bảo tàng sống, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch tâm linh… Nhiều sản phẩm như tham quan di sản văn hóa thế giới cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích thánh địa Mỹ Sơn, danh thắng Tràng An, tham gia các lễ hội truyền thống và đương đại như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Bà Chúa Xứ, Festival Huế… đã nhận được sự quan tâm lớn của du khách và trở thành những sản phẩm du lịch có thương hiệu.

Ông Cầm cho biết: “Có thể khẳng định, sản phẩm du lịch văn hóa chính là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch VN, kết nối và đa dạng hóa các tour, tuyến, chương trình du lịch. Kết quả một cuộc điều tra cho thấy, hoạt động tham quan di sản văn hóa tại VN là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ 2, chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển”.

Cùng lúc, các con số đánh giá từ thị trường du lịch nội địa cho thấy ẩm thực, tham quan di sản, di tích, vui chơi giải trí, tham dự lễ hội, du lịch đô thị, tâm linh, du lịch cộng đồng… đều có vị trí trong các lựa chọn. Đây là các dòng sản phẩm riêng biệt trong nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nói chung. “Như vậy, nhìn tổng thể có thể thấy rõ được tầm quan trọng của du lịch văn hóa trong lựa chọn của các thị trường gửi khách lớn trong nước”, ông Cầm nói.

Rà soát, bổ sung quy định về hồi hương cổ vật

Chiều 25.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11.2022. Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, sau hơn 20 năm, luật Di sản văn hóa đã bộc lộ một số bất cập cần sớm khắc phục, hoàn thiện. Việc sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ trong tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có di sản văn hóa. Dự kiến luật sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm cho hoạt động kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập, triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoàn thiện quy định về hoạt động bảo tàng; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, có chính sách khuyến khích hồi hương di sản… Các ý kiến thảo luận cũng thống nhất cần rà soát, bổ sung các nội dung quy định về hồi hương cổ vật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc sửa đổi luật phải toàn diện, vừa tháo gỡ vướng mắc, vừa phủ kín vấn đề thực tiễn mới xuất hiện, theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương. Thủ tướng cũng lưu ý xem xét một số vấn đề như đưa vào giáo dục phổ thông, chuyển đổi số trong quản lý bảo tàng, xây dựng bảo tàng số; giữ gìn, phát huy, tôn tạo di sản gắn với phát triển du lịch...

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.