Ngày 16.9, thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, ký thông báo triển khai công tác kiểm soát việc thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 16.9 đến ngày 30.9 theo Công văn số 3072/UBND-VX ngày 15.9.2021 của UBND TP.HCM.
Theo đó, Công an TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương triển khai đến cán bộ, chiến sĩ nắm vững nội dung quy định hướng dẫn về kiểm soát người lưu thông trên đường theo phụ lục hướng dẫn kiểm soát tại các chốt nội ô từ ngày 16.9. Kéo dài hiệu lực giấy đi đường của Công an TP.HCM đã cấp đến hết ngày 30.9. Trong đó, có nhiều trường hợp không cần phải sử dụng giấy đi đường.
Những trường hợp không cần sử dụng giấy đi đường
Theo đó, những người đi tiêm vắc xin, người đi làm CCCD, người có vé máy bay di chuyển ra sân bay (kèm 1 người chở và 1 phương tiện, người chở chụp lại vé máy bay, giấy tờ liên quan để di chuyển từ sân bay về lại nhà), lực lượng y tế, nhân viên nhà thuốc, người đi xét nghiệm Covid-19... đều không cần kiểm tra giấy đi đường. Tuy nhiên, tất cả phải được kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Ngoài ra, luật sư tham gia tố tụng được lưu thông khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng (hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan tố tụng gửi Văn phòng luật sư, kèm văn bản phân công luật sư của Văn phòng luật sư), khi lưu thông phải có các yếu tố nhận diện: thẻ luật sư trùng với giấy tờ trên và kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành tài chính ngân hàng, chứng khoán được lưu thông đổi ca làm việc hàng tuần, thời gian di chuyển từ 16 giờ 30 đến 18 giờ ngày thứ sáu và 6 giờ 30 đến 8 giờ ngày thứ hai. Nhân viên doanh nghiệp xăng dầu, gas được lưu thông đổi ca làm việc từ 13 giờ đến 15 giờ ngày chủ nhật hàng tuần. Người lao động thuộc các doanh nghiệp nhà nước (điện lực, bưu điện, viễn thông…) được lưu thông đổi ca làm việc thời gian từ 15 giờ đến 17 giờ thứ 7 và 6 giờ đến 7 giờ 30 thứ 2 hàng tuần. Khi lưu thông phải mặc đồng phục ngành, doanh nghiệp; đeo thẻ nhân viên; có lịch đổi ca của đơn vị; khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công an.
|
Đối với công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày/1 lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông thời gian lưu thông từ 9 giờ đến 11 giờ hoặc từ 14 giờ đến 16 giờ. Tuy nhiên phải đảm bảo lưu thông từ nơi nhà máy, công ty đến nơi cư trú; thuộc nhân viên công ty, doanh nghiệp xác nhận và ghi rõ thời gian lưu thông như trên; có xét nghiệm âm tính ra vào Khu chế xuất, Khu công nghiệp thời gian 5 ngày.
Đối với thời gian 18 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau, tạo điều kiện lưu thông cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; vệ sinh môi trường đô thị... Lực lượng xử lý sự cố khẩn cấp về điện, nước, hệ thống thông tin, hạ tầng giao thông. Tuy nhiên phải có giấy đi đường và giấy xác nhận phân công công tác vào khung giờ này.
Khai báo y tế tại ứng dụng VNEID
Công an TP.HCM cũng chỉ đạo tổ trưởng tổ công tác tại các chốt, trạm kiểm soát căn cứ tình hình thực tế để tổ chức kiểm soát, kiểm tra phương tiện không để ùn tắc, dồn ứ tại các chốt, trạm kiểm soát.
Các giấy đi đường đã cấp có ghi thời hạn đến ngày 6.9 hoặc ngày 15.9 được kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy đi đường theo quy định giãn cách của UBND TP.HCM.
Khi qua lại chốt, công dân phải xuất trình mã QR cá nhân sau khi thực hiện kê khai y tế tại ứng dụng VNEID hoặc địa chỉ web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn và xuất trình giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp, CMND/CCCD hoặc thẻ công chức, viên chức, thẻ ngành.
Bình luận (0)