Tu sửa cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2 như thế nào ?
Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 19.4, ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý di sản, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM, cho biết ngay sau khi nhận tin cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 (14 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1) bị ô tô tông đổ, Sở VH-TT đã cử cán bộ xuống ghi nhận hiện trạng, hạ giải các kết cấu nghiêng lệch để tạo lối đi vào bệnh viện.
Sau đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có văn bản báo cáo gửi Sở VH-TT về việc cổng đổ. Sở VH-TT đang hướng dẫn lập hồ sơ tu sửa cấp thiết hạng mục cổng bệnh viện theo điều 19 Thông tư 15/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Ông Nghị cho biết do cổng bệnh viện bị đổ nên phải xây dựng lại. Trước mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 cần phối hợp với một đơn vị có chức năng tu bổ di tích lập hồ sơ tu sửa theo trường hợp cấp thiết, Sở VH-TT sẽ có ý kiến trong vòng 7 ngày rồi thực hiện. “Cột gạch bị đổ thì phải xây dựng lại bằng chất liệu gạch. Những thanh sắt, hoa văn trang trí trên cổng, cái nào bị cong thì uốn lại cho thẳng, sau đó phục hồi lại và sơn phết màu sắc như cũ”, ông Nghị cho hay.
|
Ô tô Range Rover 5 chỗ tông sập cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2
Ông Nghị đánh giá hạng mục cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 không quá phức tạp bởi trước đây, ngành văn hóa từng tu bổ một số hạng mục tương tự như cổng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cổng Hội trường Thống Nhất. Thời gian qua, nhiều hạng mục di tích lịch sử như cổng, hàng rào bị cây gãy đè gây hư hại, đều được tu sửa, phục hồi.
Vào rạng sáng 10.4, ô tô 5 chỗ BS 51F - 1843… đã tông đổ cổng Bệnh viện Nhi đồng 2, số 14 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM. Theo thông tin mà PV Thanh Niên có được, ô tô tông cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 hiệu Range Rover 5 chỗ, chủ sở hữu đăng ký là một công ty địa ốc tại Q.3 (TP.HCM).
Về việc xây dựng lại cổng bệnh viện, một lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết cổng này thuộc di tích lịch sử, cần bảo tồn nên bệnh viện báo cáo cho Sở VH-TT để hướng dẫn phương án tu sửa. Đây là cổng chính, là biểu tượng của Bệnh viện Nhi đồng 2, có lịch sử hình thành cả trăm năm do người Pháp xây dựng. Cổng được xây bằng gạch, không có cốt thép, trên cổng còn có dòng chữ Grall.
Năm 1862, quân đội Pháp thành lập Bệnh viện Quân sự (Hôpital militaire). Cơ sở này vào cuối thập niên 1870 chuyển về số 14 rue Lagrandière, tức địa điểm hiện nay (14 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Năm 1925, Bệnh viện Quân sự chính thức đổi tên thành "Bệnh viện Grall" để vinh danh Giám đốc y tế Nam Kỳ (bác sĩ Charles Grall)... Năm 1978, Bệnh viện Grall đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2 và trở thành bệnh viện chuyên khoa nhi phụ trách khám và điều trị bệnh cho các bé từ 0 đến dưới 16 tuổi.
|
Bình luận (0)