Công chức, viên chức ở Quảng Ninh xin thôi việc có xu hướng tăng nhanh

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
17/12/2022 13:48 GMT+7

Chỉ tính 10 tháng của năm 2022, tỉnh Quảng Ninh có 219 công chức, viên chức xin thôi việc; gồm 9 công chức, 210 viên chức.

Ngày 17.12, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian vừa qua, tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc có xu hướng tăng nhanh. Tính từ 1.1 - 31.10, tỉnh này có 219 công chức, viên chức xin thôi việc; gồm 9 công chức, 210 viên chức.

Đáng lưu tâm, những trường hợp xin thôi việc đa số đều là người có năng lực, trình độ; kinh nghiệm công tác lâu năm. Điều này gây nên tình trạng “chảy máu chất xám”, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ của các đơn vị, công tác nhân sự; bộ máy của cơ quan đơn vị, địa phương, cùng với đó là nguy cơ giảm chất lượng dịch vụ công của các cơ quan nhà nước

Đơn cử như trong 9 công chức xin thôi việc, nhiều người từng giữ các chức vụ lãnh đạo cấp phòng ở các cơ quan như Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, Sở NN-PTNT, Sở VH-TT, Sở GTVT…

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Ninh, cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng chủ yếu có trình độ đại học trở lên, trong độ tuổi tương đối trẻ (dưới 40 tuổi).

Qua tìm hiểu của các cơ quan chức năng, việc công chức, viên chức nghỉ việc tập trung vào 2 nguyên nhân chính là tiền lương và cơ hội thăng tiến.

Theo đó, cơ chế trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo nguyên tắc bình quân, “đến hẹn lại lên”, phụ thuộc nhiều vào thời gian công tác; chưa có cơ chế trả lương theo năng lực, theo sản phẩm và kết quả thực hiện nhiệm vụ nên thiếu sự bình đẳng, chưa tạo được động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, sự chênh lệch tiền lương giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc của cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh Quảng Ninh là tỉnh được xem có giá cả sinh hoạt đắt đỏ đứng thứ 2 của cả nước. Do đó, với mức tiền lương hiện tại, cán bộ, công chức, viên chức khó bảo đảm nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của cá nhân và gia đình.

Tính từ thời điểm năm 2020 đến nay, mức lương cơ sở không tăng (trong khi mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh) nên có sự không đồng đều trong chi trả lương giữa các đối tượng trong cùng một đơn vị.

Về cơ hội thăng tiến, hiện nay, toàn hệ thống chính trị đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhân sự; số lượng cấp phó đang thừa ở một số cơ quan, đơn vị, nên dẫn đến tình trạng nhiều công chức, viên chức có trình độ, có năng lực và kinh nghiệm công tác nhưng không có cơ hội được bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo quản lý, nên đôi khi ảnh hưởng đến động cơ phấn đấu, rèn luyện của công chức, viên chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.