Công nghệ đang vẽ ra viễn cảnh cô đơn của con người

14/01/2020 13:51 GMT+7

Khi đứng cạnh robot Ballie hình quả bóng mềm mại của Samsung tại CES 2020, đại diện công ty chia sẻ đây là nguyên mẫu trợ lý cá nhân mà một ngày nào đó có thể lăn tới và gọi 911 nếu bạn gặp nạn.

Lúc này hẳn chúng ta sẽ tự hỏi liệu những trợ lý ảo khác như “người nhân tạo” mới của công ty khởi nghiệp Neon và một vài gian hàng trưng bày khác có thể làm điều tương tự hay không? Nếu xung quanh bạn không có ai cả thì liệu bạn có thể dựa vào một hình mẫu đại diện bằng công nghệ để giúp bạn khi cần?
Đó là một viễn cảnh ảm đạm mà nhiều công nghệ tại CES năm nay đã vẽ ra về một cuộc sống cô đơn trong tương lai. Từ một con mèo robot “không đầu” biết đáp ứng mệnh lệnh của bạn, cho tới một robot mang giấy vệ sinh cho bạn khi gặp tình huống khó xử hay robot Lovot được tạo ra chỉ để trao cho bạn những cái ôm… nhân tạo.
Công nghệ đã tạo ra những khoảng trống đáng sợ trong thời gian qua: Chúng ta không quá xa lạ với hình ảnh các lập trình viên đơn độc làm việc muộn trong văn phòng, các game thủ quên ăn quên ngủ ngồi lì trên những chiếc ghế dài hàng giờ liền, hàng triệu người dành quá nhiều thời gian chỉ để kiểm tra thông báo trên điện thoại hơn là để ý đến những người xung quanh họ.
Một số công nghệ đã cho chúng ta cảm giác sai lầm về kết nối: Các mạng xã hội đã khuyến khích chúng ta tích trữ bạn bè, liên tiếp mở rộng kết nối bằng cách “add friend” (thêm bạn) vào danh sách bạn bè (friend list) nhưng thực tế chúng ta gần như không bao giờ tham gia và tương giác gì với họ ngoài những lượt “like” (thích) vô nghĩa.
Đối với nhiều người, sự cô lập là một vấn đề thực sự. Theo một khảo sát năm 2018 của Cigna gồm 20.000 người từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ, gần một nửa (46%) trong số này cho biết họ thường cảm thấy đơn độc và một tỷ lệ tương tự cho biết họ không có những tương tác xã hội ở dạng cá nhân với bạn bè, gia đình và các thành viên trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt là người cao tuổi, những người trở thành nạn nhân của sự cô lập “công nghệ”, ảnh hưởng tới hơn 8 triệu người lớn tuổi với các vấn đề về trầm cảm, khiến các chứng mất trí nhớ và huyết áp cao diễn ra sớm hơn.
Công nghệ đồng hành bao gồm từ robot chăm sóc chủ nhân (quản gia, trợ lý), thú cưng, bao gồm cả những con mèo không đầu tại CES dành cho những người không thể tự chăm sóc bản thân hoặc đơn giản là bị dị ứng với chó mèo và nhất là những người đang cô đơn. Ví dụ, có một số dịch vụ cung cấp cho khách hàng một “kỳ nghỉ châu Âu” bằng cách sử dụng kính VR, cho phép họ du lịch qua các thành phố này bằng thực tế ảo tăng cường mà không cần bước chân ra khỏi nhà và thậm chí không cần ra khỏi giường. Đôi khi, nếu may mắn có thể họ gặp cả bạn bè hoặc người thân trong thế giới ảo xa xôi ấy.

Sẽ không bao giờ có hình thái tương tác tốt hơn so với mối quan hệ giữa người và người

“Người ảo” của công ty khởi nghiệp Neon được ứng dụng để chia sẻ kỹ năng, đưa ra các lời khuyên y tế và chào đón bạn khi về nhà

Ảnh: Neon

Alexandra Hamlet, một nhà tâm lý học lâm sàng tại viện Child Mind Institute ở New York (Mỹ), chuyên về rối loạn tâm trí và lo âu ở trẻ em chia sẻ với CNN rằng, từ góc độ sức khỏe tâm thần và tâm lý học, không có gì so sánh được với sự tương tác và kết nối thật giữa con người và con người tạo ra. Cô cho biết thêm, "điều này đã được chứng minh về mặt sinh học, kể từ thời thượng cổ con người đã biết tìm kiếm nhau để cùng nhau sinh tồn, trải qua bao nhiêu biến cố và thời gian thì điều đó vẫn không thay đổi. Đôi khi chỉ cần có một kết nối thực sự cũng tạo ra cảm giác về sức khỏe tinh thần và sự tỉnh táo để bạn bước tiếp”.
Ngay cả khi công nghệ tiến bộ, vẫn có một rào cản tâm lý lớn để tạo ra mối quan hệ giữa chúng ta với robot và các hình ảnh đại diện kỹ thuật số. Ví dụ, trong khoa học có một hiện tượng được gọi là “Thung lũng Uncanny” - nơi tồn tại những thứ giống người nhưng không phải là con người. Hamlet phân tích, "khi công nghệ đang dần tốt hơn và tạo ra những thứ trông giống con người hoặc thú cưng hơn, thì chúng ta cũng không thực sự kết nối với những thứ đó vì hiện tượng Thung lũng Uncanny. Hơi viễn tưởng nhưng chúng không thể tạo ra kết nối thực sự. Kể cả khi robot giống con người tới mức khó phân biệt, từ cách cư xử cho đến sự ảnh hưởng, thì vẫn không có tương tác nào tốt hơn so với cách tương tác giữa người với người”.
Hạn chế đó khiến một số người trong chúng ta có hai lựa chọn: Dành riêng công nghệ để tái đầu tư vào các lựa chọn trong thế giới thực hoặc dùng chính nó để thúc đẩy các công nghệ tiên tiến nhằm ngày càng tạo ra những “ảo giác” có sức sống để lấp đầy khoảng trống cô đơn trong bản thân. Dựa trên CES năm nay, nhiều công ty có vẻ đang đặt cược vào lựa chọn thứ hai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.