'Cover' ca khúc tràn lan có thể bị kiện

Nguyên Vân
Nguyên Vân
04/06/2020 06:24 GMT+7

Rất nhiều giọng ca trẻ chọn hình thức cover - hát lại và làm mới những ca khúc hit (cả xưa lẫn nay) để dễ tiếp cận công chúng, nhưng không phải ai cũng hiểu khi cover nếu không xin phép tác giả là vi phạm bản quyền.

Mới đây, khi ra mắt album Ở trọ thuộc dự án Trịnh Contemporary, một hình thức đương đại hóa nhạc Trịnh để nhạc Trịnh đến gần với giới trẻ (vừa phát hành trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến), rapper Hà Lê cho biết anh đã xin phép gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phương cách mang tinh thần mới đến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn của anh không chỉ được gia đình nhạc sĩ ủng hộ, không ít người trong giới chuyên môn khích lệ, mà đáng nói là tinh thần tôn trọng chủ sở hữu quyền tác giả của anh cũng được ghi nhận.

Một bản cover ca khúc đã bị gỡ khỏi YouTube vì vi phạm bản quyền 

Ảnh chụp màn hình

Phải xin phép và trả thù lao

Thời gian qua, việc làm mới những ca khúc nổi tiếng trở nên “thịnh hành” trong giới biểu diễn ở nước ta khi một bạn trẻ chỉ cần có chất giọng tốt, chọn bản hit một thời hoặc đương thời, phối mới và hát theo cách sáng tạo riêng của mình, up lên kênh YouTube là nhanh chóng trở thành “hiện tượng cover”. Có thể kể đến những cái tên có xuất phát điểm hoặc nổi lên nhờ cover được biết đến: Jang Mi, Hương Ly, Hoa Vinh, Quân AP, Dương Edward, Thái Quỳnh, Hà Nhi… Cover được xem là công thức “đánh nhanh” khi bước vào con đường ca hát. Không chỉ vậy, sau cơn sốt Độ ta không độ nàng (ca khúc nhạc Hoa được viết lời Việt có hàng chục phiên bản cover), nhiều bản nhạc Hoa khác tiếp tục được chuyển ngữ lẫn viết lời mới. Song khi được đề cập đến việc có xin phép tác giả hay không thì các ca sĩ trẻ hầu như ai cũng “không biết phải xin phép” hoặc… làm lơ thủ tục này.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn (Phan Law Vietnam): “Hiểu theo khía cạnh pháp luật, việc cover và tải lên YouTube chính là hành vi biểu diễn tác phẩm âm nhạc đã công bố trước công chúng - đây là một độc quyền thuộc quyền tài sản của tác phẩm được pháp luật trao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 20 luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009”. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các bản ghi âm, ghi hình hay bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. “Khi các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận giữa các bên (khoản 3 điều 20 luật SHTT). Do đó, khi cover và tải những bản cover lên YouTube thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả”, luật sư Tuấn cho biết.
Vậy nhưng thực tế, không ít ca sĩ (nhất là người trẻ) vô tư đưa những bản cover của mình lên YouTube, thậm chí mang những bài cover ấy đi biểu diễn. Nếu chủ sở hữu không lên tiếng yêu cầu gỡ bỏ hoặc thu tiền (như trường hợp Độ ta không độ nàng, đơn vị giữ bản quyền gửi công văn đến từng kênh phát sóng ở VN yêu cầu thu tiền tác quyền 5 triệu đồng/bản cover và 33% doanh thu hằng tháng từ YouTube mà nghệ sĩ cover có được nhờ bài hát; hoặc vụ nhạc sĩ Khắc Việt tố ca sĩ Hương Ly khi cover ca khúc Bước qua đời nhau của anh mà không xin phép, yêu cầu cô gỡ bỏ những bản cover và clip biểu diễn ca khúc này trên YouTube), thì người người vẫn tùy tiện cover.
Bên cạnh đó, theo nhạc sĩ - luật sư Lê Quốc Thắng, việc cover một bản nhạc nước ngoài với lời Việt tự chuyển ngữ/viết mới mà chưa xin phép tác giả/đơn vị nắm bản quyền là sai với quy định của luật SHTT và có thể bị kiện.

Khó xây dựng môi trường văn minh trong sáng tạo nghệ thuật?

Trước hiện tượng cover tràn lan hiện nay, luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng tuy luật SHTT và Nghị định 22/2018/NĐ-CP không đề cập đến thuật ngữ cover, nhưng việc cover và đăng trên YouTube, như đã nói, là hành vi “biểu diễn tác phẩm đã công bố trước công chúng” và tại khoản 1 điều 21 Nghị định 22/2018/NĐ-CP định nghĩa rất rõ ràng cách hiểu về quyền “biểu diễn tác phẩm đã công bố trước công chúng”, cũng như tại điều 20 luật SHTT quy định rất rõ về quyền của chủ sở hữu quyền tác giả và nghĩa vụ của những tổ chức, cá nhân khác khi khai thác quyền tài sản độc quyền này.
Riêng đối với tác phẩm phái sinh và hành vi làm tác phẩm phái sinh, theo anh, luật SHTT không những đưa ra định nghĩa về tác phẩm phái sinh mà còn quy định về điều kiện để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ cũng như quyền của chủ sở hữu quyền tác giả và nghĩa vụ của những tổ chức, cá nhân khác khi sử dụng quyền làm tác phẩm phái sinh này.
“Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng như hiện nay trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, việc kiểm soát, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như những quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ để đảm bảo xây dựng được một môi trường văn minh trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong những lĩnh vực này”, luật sư Tuấn nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.