Cú đại nhảy vọt của Đài Loan về vắc xin ngừa Covid-19

Bảo Vinh
Bảo Vinh
15/08/2021 07:28 GMT+7

Từng bị đánh giá chậm trễ trong việc mua vắc xin Covid-19 , nhưng Đài Loan đã tăng tốc để nắm các hợp đồng vắc xin lớn và đang có nhiều bước tiến trong việc tự phát triển vắc xin.

Tính đến ngày 14.8, hơn 9,1 triệu người Đài Loan (38,3% dân số) đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Đây thật sự là bước nhảy vọt so với cách đây 3 tháng - thời điểm bùng phát đợt lây nhiễm lớn nhất tại Đài Loan - khi chỉ có 0,1% dân số được tiêm vắc xin.

Tự chủ trước đại lục

Theo tạp chí Time, Đài Loan mới chỉ nhận được 300.000 liều vắc xin tính đến đợt bùng phát giữa tháng 5, trong khi dân số vùng lãnh thổ này khoảng 23,5 triệu người. Những tác động từ Trung Quốc đại lục được cho là đã gây khó khăn cho Đài Loan trong việc tìm nguồn vắc xin.
Từ đầu năm 2021, chính quyền Đài Loan tìm cách đàm phán trực tiếp với Hãng BioNTech (Đức) để mua 5,5 triệu liều vắc xin mà không thông qua Fosun Pharma, hãng dược của Trung Quốc có hợp đồng phân phối độc quyền vắc xin của BioNTech tại đại lục lẫn các vùng lãnh thổ Hồng Kông, Macau và Đài Loan. Kết quả là thỏa thuận bị đổ bể vào tháng 2. Đài Loan cáo buộc Trung Quốc “thọc gậy bánh xe”, còn Bắc Kinh phủ nhận và chỉ trích Đài Bắc vì từ chối vắc xin của đại lục.

Đại gia công nghệ Foxconn và TSMC giúp Đài Loan mua 10 triệu liều Pfizer

Đợt bùng phát Covid-19 vào giữa tháng 5 gây sức ép lên chính quyền lãnh đạo Thái Anh Văn, buộc bà phải chấp nhận thỏa thuận bằng cách “đi đường vòng”. Theo đó, BioNTech sẽ sản xuất 10 triệu liều vắc xin cho 2 tập đoàn của Đài Loan là Foxconn và TSMC với giá 350 triệu USD, theo thông báo ngày 12.7.
Lô hàng được Fosun Pharma phân phối cho Công ty Zuellig Pharma (Singapore) để công ty này phân phối lại cho Foxconn và TSMC, trước khi số vắc xin được 2 tập đoàn xứ Đài “tài trợ” cho chính quyền Đài Loan. Một tuần sau đó, tổ chức từ thiện Phật giáo Quỹ Từ Tế tại Đài Loan thông báo mua được 5 triệu liều vắc xin của BioNTech thông qua chi nhánh tại Hồng Kông của Fosun Pharma. Số vắc xin cũng được trao lại cho chính quyền Đài Loan, theo Reuters.
Người phát ngôn chính quyền Đài Loan, ông La Bỉnh Thành, cho hay 15 triệu liều vắc xin này sẽ đủ cho việc tiêm chủng tại Đài Loan cho đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 và chính quyền sẽ không phải thông qua các giải pháp tình thế nào nữa.

Có thể viện trợ

Đài Loan cũng triển khai nỗ lực ngoại giao để mang về vắc xin cho hòn đảo. Ngay khi đợt dịch bùng phát hồi tháng 5, chính quyền Đài Loan huy động toàn bộ quan chức đại diện ở nước ngoài để tìm kiếm vắc xin. Bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện Đài Loan tại Mỹ, vào ngày 18.5 nhấn mạnh mua vắc xin là việc của cơ quan y tế, nhưng văn phòng của bà có vai trò đàm phán để đẩy nhanh các yêu cầu.
Hồi tháng 6, Mỹ chuyển 2,5 triệu liều vắc xin Moderna cho Đài Loan, gấp 3 lần con số cam kết trước đó. Nhật Bản tài trợ cho Đài Loan hơn 3,3 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và quốc gia châu Âu là Lithuania cũng tài trợ 20.000 liều AstraZeneca.
Ngoài ra, Đài Loan đã đặt mua hàng chục triệu liều vắc xin Moderna và AstraZeneca, đồng thời đàm phán với các nhà sản xuất khác để duy trì nguồn vắc xin cho các năm tiếp theo.

Pfizer, Moderna có thể thu về hàng tỉ USD từ việc tiêm bổ sung liều vắc xin Covid-19

Để tránh bị ảnh hưởng từ việc tiếp cận vắc xin bên ngoài, Đài Loan cũng đang phát triển nhiều loại vắc xin nội địa, trong đó 2 loại do Công ty sinh học vắc xin Medigen và Công ty United Biomedical nghiên cứu tiến gần nhất đến việc được sử dụng. Hai loại vắc xin này chưa vượt qua vòng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, nhưng chính quyền Đài Loan đã đặt mua 5 triệu liều của mỗi công ty, đồng thời cấp phép khẩn cấp cho vắc xin của Medigen từ giữa tháng 7.
Trung tâm chỉ huy chống dịch trung ương (CECC) của Đài Loan gần đây thông báo vắc xin của Medigen sẽ được đưa vào đợt tiêm chủng từ ngày 23.8. Lãnh đạo Thái Anh Văn hồi cuối tháng 7 thông báo đã đăng ký tiêm vắc xin của Medigen, cam đoan về độ an toàn và hiệu quả của vắc xin này. Cùng thời gian đó, hơn 1 triệu người cũng cho ý kiến sẵn sàng tiêm vắc xin Medigen.
Tính đến nay, Đài Loan đã đặt mua 80,8 triệu liều vắc xin và nhận được hơn 9,5 triệu liều (gồm số vắc xin do Mỹ và Nhật Bản tài trợ), theo Hãng CNA.
Giáo sư Kỷ Tuấn Huy, cựu cố vấn chính sách y tế tại Đài Loan, hiện là Giám đốc Trung tâm y tế toàn cầu tại Đại học bang Oregon (Mỹ), nhận xét từ chỗ gặp những cản trở về tiếp cận vắc xin, Đài Loan giờ đang ở vị thế có thể tài trợ vắc xin cho các nước đang cần.
Một số chuyên gia phản đối tiêm liều 3
Chủ tịch Ủy ban Chung về tiêm chủng (JCVI) cố vấn cho chính phủ Anh, Giáo sư Andrew Pollard, cùng Tổng giám đốc Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley cảnh báo rằng nhiều người trên thế giới sẽ mất mạng vì Covid-19 nếu các lãnh đạo phương Tây “chối bỏ trách nhiệm của họ với phần còn lại của nhân loại”, ưu tiên tiêm liều 3 cho người dân của họ thay vì chia sẻ vắc xin. Trong bài viết trên tờ The Guardian hôm qua, 2 chuyên gia cho rằng việc tiêm liều 3 là chưa cần thiết và nhấn mạnh rằng đối với những người không phản ứng tốt với vắc xin, dù có tiêm thêm liều thì cũng không giúp được gì. Cùng ngày, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê chuẩn việc tiêm liều 3 bằng vắc xin Pfizer hoặc Moderna cho người có hệ miễn dịch suy yếu.
WHO lập nhóm mới truy tìm nguồn gốc Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14.8 thông báo đang lập một nhóm mới, được gọi là Nhóm cố vấn khoa học quốc tế về nguồn gốc của những nguồn bệnh lạ, để truy tìm nguồn gốc Covid-19 và hỗ trợ việc “tiến hành nhanh” các nghiên cứu sâu hơn, theo Reuters. “Chúng ta nên làm việc cùng nhau. Các bạn, tôi, mỗi người đều muốn biết nguồn gốc của đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ”, phát ngôn viên WHO Fadela Chaib nhấn mạnh.
Thông báo lập nhóm mới được đưa ra sau khi WHO ngày 12.8 yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô từ các ca nhiễm Covid-19 sớm nhất để tiến hành thêm cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh. Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói rằng cuộc điều tra chung giữa các nhà khoa học thuộc nước này và WHO hồi tháng 1 - 2 đã đầy đủ và lời kêu gọi cung cấp thêm dữ liệu liên quan xuất phát từ động cơ chính trị hơn là một cuộc điều tra mang tính khoa học, theo AFP. WHO khẳng định giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 “sẽ dựa trên khoa học, không phải là cuộc đổ lỗi hay ghi điểm chính trị”. WHO kêu gọi tất cả chính phủ hợp tác tăng tốc nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 và “phi chính trị hóa tình hình”. 
Minh Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.