Ân sủng của làng
Từ thế kỷ 17, thiền sư Thích Đại Sán đã mê mẩn với núi đá Ngũ Hành Sơn. Hơn 300 năm sau, bác sĩ, nhà dân tộc học Albert Sallet đã có một nghiên cứu dài về 5 ngọn núi ấy, khiến tôi luôn bị cuốn hút mỗi lần trở lại thăm.
Không chỉ leo mấy trăm bậc đá lên Vọng hải đài hay Vọng giang đài để “vẫy tay ngoài vô tận” mà tôi còn vào chơi ở làng đá mỹ nghệ Non Nước mấy trăm năm tồn tại. Ở đây, tôi quen biết với gia đình hai nghệ nhân tên tuổi là cụ Nguyễn Sang và Lê Bền, cùng các con nối nghiệp của họ. Cụ Sang có 2 người con nối nghiệp cha là các nhà điêu khắc đá Nguyễn Long Bửu và Nguyễn Sáng. Anh Bửu giành được nhiều giải trong nước và quốc tế, còn anh Sáng được ghi nhớ là người tạc bức tượng chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước phần mộ của nhạc sĩ. Cả hai anh đều một lòng khi nhắc đến thành công của mình: Đó chính là họ “được hưởng lộc của làng nghề gần nửa thế kỷ để lại và mỗi nhát đục, mỗi nét chạm đều có ân sủng của làng!”.
Núi đá bên ngoài chùa Hang, đảo Lý Sơn |
Trong khi đó, nghệ nhân Lê Bền cũng truyền nghề có các con là Lê Tân, Lê Chiến. Lúc đương thời, cụ Lê Bền, chủ xưởng đá Bền Vững, thường nói với tôi rằng nghề này muốn giỏi thì phải hiểu từng đặc điểm kết cấu của mỗi phiến đá, cũng như học võ phải biết từng thế đánh thế đỡ vậy. Hiểu được từng “thế” của mỗi phiến đá rồi thì sẽ tạc ra tượng đẹp.
Nếu Lý Sơn không có đá…
Lần ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đi từ thôn Đông qua thôn Tây xã An Hải, phải qua một cánh đồng trồng hành chưa kịp thu hoạch và những ruộng tỏi mới nhú mầm. Đá! Lẫn trong màu xanh của hành, tỏi, những hàng rào chắn cát bằng cây xanh và những rặng dừa cao vút ven biển, tôi chỉ thấy toàn đá. Đá xếp thành hàng, chồng lên nhau ngay ngắn. Đá đen lẫn vào đá xám. Đá nhỏ bằng viên cuội tới những tảng to đến một vòng tay, bên những ngọn núi đá khổng lồ…
Tiễn, một người bạn, chở tôi quanh đảo và kể rằng mỗi nhân khẩu ở các xã đảo được phân từ 125 - 200 m2 ruộng trồng hành, tỏi… Để có thể canh tác, trước hết phải làm bờ bằng đá để ngăn cát chảy, cát lấp. Mỗi thửa ruộng tỏi bậc thang vài trăm mét vuông cũng tốn đến vài chục khối đá làm bờ. Không có gì bền vững bằng đá và Lý Sơn không thiếu đá. Đá từ trên núi đến dưới các bãi đá lộ thiên hoặc san hô ngầm dưới biển… Không chỉ ruộng nương, mà cả đến việc xây kè chống sóng, âu thuyền tránh bão, đập ngăn hồ nước trên núi Thới Lới, làm đường ven biển, xây mộ gió lính Hoàng Sa cũng toàn bằng đá…
Lang thang quanh các xã An Hải, An Vĩnh rồi An Bình hay leo dốc đứng lên núi Giếng Tiền, hoặc vào thăm các di tích tín ngưỡng ở chùa Hang, chùa Đục, cổng Tò Vò… cũng toàn thấy đá. Đá đen, xám tầng tầng lớp lớp hiện ra trước mắt. Đá từ 30 triệu năm trước chồng lên những nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Những bãi đá đen trải dài phía cổng Tò Vò nhìn ra đảo Bé, cùng một màu với những con nhum, con ốc xà cừ của vùng biển này có lẽ đã phun trào, nung đốt từ các núi lửa mấy ngàn năm trước…
Đi trong không gian đá Lý Sơn, Tiễn bất ngờ nói một câu khiến tôi nghĩ mãi: “Thời tiết Lý Sơn khắc nghiệt lắm anh, không có đá chắc dân Lý Sơn cũng không có cát mà ăn! Không có đất dựng nhà, nói chi chuyện ra khơi…”.
Thì ra, để giữ được biển, con người còn phải tựa vào đá!
Tượng đá của nghệ nhân Ngũ Hành Sơn |
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG |
Từ Thích Đại Sán đến Albert Sallet
Thiền sư Thích Đại Sán đến Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu cuối năm 1695 và vào hải cảng Hội An để sau đó về nước. Trên đường đi, ông có ghé lại Ngũ Hành Sơn. “Đây là núi Tam Thai… Núi ấy có nhiều nham động như cửa ngõ, làm đường làm phông như hình vung nồi thảy đều lung linh khoáng đãng… Đi theo mé núi, thấy đá có viên mọc thẳng đứng lên, có viên chúc ngược thòng xuống…Ta bình sinh du lịch khe động rất nhiều, thấy động này sạch đẹp hơn hết!” (Hải ngoại kỷ sự). Thích Đại Sán quan tâm hơn hết ở cảnh vật và sự tu hành. Ông đã đặt tên cho hai thắng cảnh là động Huyền Không và Vọng hải đài.
Đến những năm 1923 - 1924, bác sĩ Albert Sallet được tôn sùng là nhà nghiên cứu dân tộc học An Nam với những công trình đa dạng của ông ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Riêng đối với Ngũ Hành Sơn, ông có công trình dày dặn mang tên Núi đá Ngũ Hành Sơn (tạm dịch). Với 8 chương sách, Sallet đã mô tả khá đầy đủ từ truyền thuyết, lịch sử, chùa chiền đến dân sinh ở danh thắng này.
Về “kỹ nghệ khai thác và chế tác đá hoa cương của cư dân” ở chương 6, Albert Sallet ca ngợi các tiên dân người Chăm vì họ rất tôn trọng núi đá ở Ngũ Hành Sơn, không khai thác và chế tác đá như một nghề mưu sinh. Họ chỉ sửa sang một số mỏm đá, nhũ đá thành tượng thần linh, hoặc khắc vào vách núi hình thù các vị thần để thờ phụng. Kể cả những người dân ở các làng Hóa Quê và Quán Khái gần đó cũng chỉ chế tác các đồ vật thủ công đơn sơ, mộc mạc từ những hòn đá rơi vãi rơi xuống chung quanh núi mà thôi.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, Albert Sallet cũng dẫn ra những sử liệu cho thấy dân cư 2 làng Hóa Quê và Quán Khai đã được hưởng đặc ân của triều Nguyễn trong việc khai thác và chế tác đá hoa cương, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ và có sự kiểm soát của chính quyền sở tại. “Ông cũng dẫn ra các chỉ dụ về việc cấm khai thác đá hoa cương ở Ngũ Hành Sơn do các vua Nguyễn ban hành vào các năm: 1802 (triều Gia Long), 1822 (triều Minh Mạng), 1853 (triều Tự Đức), 1888 (triều Đồng Khánh), 1893 (triều Thành Thái) và 1920 (triều Khải Định)”, Trần Đức Anh Sơn viết.
Ta cứ hình dung, nếu các “siêu thị đá” dày đặc ngày nay quanh Ngũ Hành Sơn đều lấy đá ở đây để sản xuất hàng bán cho du khách, thì chắc rằng 5 ngọn núi thiêng, những ngôi chùa cổ đầy huyền thoại của Ngũ Hành Sơn đã trở thành bình địa từ lâu lắm. Làm gì còn một “Danh thắng - di tích quốc gia - trung tâm du lịch tâm linh” ngay trong lòng thành phố Đà Nẵng?
***
Trên kệ sách nhà tôi vẫn còn lưu giữ 2 viên đá nhặt được từ thượng nguồn sông Mê Kông và nhiều hòn đá từ thượng nguồn Thu Bồn, Vu Gia từ nhiều năm trước. Mỗi lần nhìn ngắm chúng, tôi lại nghĩ về 5 ngọn hoa cương Ngũ Hành Sơn và những núi đá, bãi đá ở đảo Lý Sơn. Cũng như ta vốn ví biển, gọi sông là Mẹ thiên nhiên, thì đá là Thái Sơn, là cha của con người, của cuộc sống vốn luôn cần sự cân bằng này vậy!
Bình luận (0)