Củng cố hệ thống y tế cơ sở

Duy Tính
Duy Tính
10/11/2021 07:04 GMT+7

Đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM xảy ra ồ ạt, hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị quá tải trầm trọng; bệnh nhân Covid-19 không được quản lý, chăm sóc tốt, bộc lộ những mặt thiếu, yếu của y tế cơ sở.

Hệ thống y tế cơ sở (YTCS) lúc đó từ trung tâm y tế (TTYT) đến trạm y tế (TYT) vỡ trận vì... thiếu người làm. Khái niệm “F0 cô đơn” cũng xuất phát từ đó, vì bệnh nhân ở nhà gọi y tế phường xã, quận và chờ đợi trong vô vọng, nhiều người chuyển nặng, tử vong tại nhà. Nếu không có chi viện của các tỉnh, quân y và T.Ư thì TP.HCM khó ổn định được dịch.

Cán bộ Trung tâm y tế Q.3 (TP.HCM) xuống nhà dân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

DUY TÍNH

Vừa thiếu vừa yếu

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện nay dân số tại các xã, phường ở TP.HCM rất cao, có những xã, phường số dân lên tới 120.000 người, gấp 10 lần con số trung bình tại các xã, phường khác trong nước, nhưng cán bộ YTCS ít. Vì vậy, khi có dịch bệnh xảy ra để chăm sóc y tế cho người dân thì số cán bộ YTCS không phục vụ đủ.

Giải pháp là cam kết cho những người ở tuyến y tế cơ sở phải được cấp chứng chỉ hành nghề, có chính sách đãi ngộ, chính sách bảo hiểm, phân bổ cán bộ y tế theo dân số, địa bàn dân cư...

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Giả sử trong đợt dịch ở cấp độ 3, 4 như vừa qua có khoảng 150 người nhiễm/100.000 dân/tuần. Như vậy 2 tuần có 300 người mắc Covid-19 phải được theo dõi. Với số lượng cán bộ y tế là 5, 6 người ở mỗi TYT xã, phường như hiện nay thì không thể chăm sóc được hết F0. Những F0 tại nhà không có YTCS hỗ trợ thì họ rất hoang mang và thật sự là có những người bị bỏ sót rồi bị nặng, tử vong tại nhà. Nếu lúc đó có YTCS tốt thì đã giải quyết được. Sau đó, TYT lưu động hình thành góp phần giải quyết các ca mắc Covid-19 chứng tỏ y tế phải gần dân thì mới có hiệu quả.

Theo PGS-TS Dũng, TYT xã, phường ngoài nhiệm vụ quản lý các chương trình sức khỏe còn có nhiệm vụ quan trọng là chăm sóc y tế cho người dân, đặc biệt là các bệnh thông thường và cấp cứu. Nhưng việc đó trước nay chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi TYT xã, phường muốn có bác sĩ (BS) theo yêu cầu của Bộ Y tế nên luân chuyển BS qua lại để làm một thời gian. Cho nên, BS làm việc ở tuyến xã, phường sẽ không chuyên nghiệp, dẫn đến họ không gắn bó mà chỉ muốn gắn bó với bệnh viện vì thu nhập cao, tăng độ uy tín... Ngoài ra, YTCS bị quá tải về các công việc báo cáo, giấy tờ, hành chính...

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM đã để lại những “bài học xương máu”. Một trong những bài học đó là hệ thống YTCS rất thiếu và yếu về chỉ tiêu phân bổ ngân sách và nhân lực. Chỉ tiêu 30% ngân sách chi cho y tế dự phòng chỉ số ít các địa phương đếm trên đầu ngón tay làm được, nhưng cũng chưa đáng kể so với nhu cầu thực sự của người dân. Trong khi đó, cơ chế phân bổ lại không hợp lý khi dựa trên sự phân chia địa lý chứ không theo quy mô dân cư. Theo bà Lan, việc chia TTYT các quận, huyện ra thành 3 phần: bệnh viện, dự phòng và phòng y tế đã làm suy yếu hệ thống YTCS.

Việt Nam là một trong 20 nước tiêm chủng vắc xin Covid-19 nhiều nhất

Cho phép 750 y bác sĩ ra trường xuống cơ sở

Ngày 9.11, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc ban hành thí điểm tổ chức thực hành khám, chữa bệnh (KCB) tại TTYT quận, huyện, TP.Thủ Đức và TYT phường, xã, thị trấn.

Theo Sở Y tế, thời gian qua, việc tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) được thực hiện theo điều 24, luật KCB. Theo đó, người có văn bằng chuyên môn liên quan y tế trước khi được cấp CCHN phải qua thực hành tại cơ sở KCB. Đối với BS phải thực hành tương ứng là 18 tháng tại cơ sở KCB có giường bệnh; đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh phải thực hành 9 tháng tại cơ sở KCB.

Nhưng hiện nay, ngoài 4 TTYT có giường bệnh là Q.3, Q.5, Q.10 và H.Cần Giờ (do sáp nhập với bệnh viện quận, huyện), còn lại 18 TTYT và 310 TYT có chức năng KCB nhưng không có giường bệnh, nên việc xác nhận thời gian thực hành cho BS mới tốt nghiệp để cấp CCHN theo quy định gặp khó khăn do phải ký hợp đồng với cơ sở KCB có giường bệnh để tổ chức đào tạo thực hành, đồng thời chi trả chi phí đào tạo theo quy định cho cơ sở tổ chức đào tạo thực hành. Từ thực trạng trên khiến việc thu hút BS, điều dưỡng, hộ sinh... về công tác tại TTYT và TYT gặp khó khăn, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát. Toàn TP.HCM hiện chỉ có 4.513 nhân sự (có mặt ở TTYT và TYT), gồm biên chế và hợp đồng.

Để củng cố, phục hồi hệ thống YTCS góp phần giải quyết bài toán thiếu nhân lực YTCS, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM cho phép Sở phối hợp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân bổ BS y đa khoa và điều dưỡng đa khoa mới tốt nghiệp năm 2021 và các năm tiếp theo tham gia thực hành KCB tại 22 TTYT quận, huyện, TP.Thủ Đức và 310 TYT phường, xã. Như vậy, tháng 12.2021 TP.HCM có 750 y BS ra trường, trong đó, 689 BS đa khoa, 38 cử nhân điều dưỡng, 14 cử nhân điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, 9 cử nhân điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh. Dự toán tổng kinh phí hỗ trợ BS đa khoa, điều dưỡng mới ra trường năm 2021 tham gia thực hành tại TTYT và TYT gần 5 tỉ đồng.

Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND TP.HCM đề xuất Bộ Y tế xem xét, chấp thuận về việc thí điểm tổ chức đào tạo thực hành KCB cho BS đa khoa, BS y học dự phòng tại TTYT và TYT trên địa bàn TP. Với BS đa khoa, BS y học dự phòng là 12 tháng thực hành tại YTCS, 6 tháng còn lại thực hành tại bệnh viện và được cấp CCHN KCB với phạm vi chuyên môn: Phát hiện và xử lý các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.

Tăng nhân lực theo quy mô dân số

“Giải pháp là cam kết cho những người ở tuyến YTCS phải được cấp CCHN, có chính sách đãi ngộ, chính sách bảo hiểm, phân bổ cán bộ y tế theo dân số, địa bàn dân cư...”, PGS-TS Dũng đề xuất và nói bên cạnh đó đào tạo người lãnh đạo của TYT phải chuyên nghiệp hơn để họ làm việc hiệu quả, nâng cao sức khỏe người dân, chứ không phải chỉ là người thừa hành các nhiệm vụ từ tuyến trên. Trong các cán bộ y tế xã, phường thì 2/3 là có tâm huyết và năng lực, còn 1/3 là họ chấp nhận làm xã phường vì công việc nhàn, đỡ cực nên họ có thời gian cho việc nhà và cá nhân hoặc là họ không đủ năng lực nên làm cho xã phường. Vì vậy, nhân lực được việc thì sẽ ít hơn biên chế.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị bổ sung chính sách nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào để phát triển YTCS, ví dụ như y tế tư nhân… “Tăng cường nhân lực TYT theo quy mô dân số, có phụ cấp lương đặc biệt và chế độ đào tạo liên tục. Mở rộng danh mục sử dụng thuốc. Trước mắt cần thực hiện như vậy”, PGS-TS Lan đề xuất.

Covid-19 sáng 10.11: Cả nước 984.805 ca nhiễm, 842.800 ca khỏi | Hà Nội ghi nhận kỷ lục dịch bệnh

Trước đó, trong cuộc làm việc mới đây với H.Hóc Môn về công tác phòng chống Covid-19 (ngày 7.11), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo Sở Y tế TP nhanh chóng củng cố hệ thống YTCS và hướng dẫn sớm nhất để cấp nào cấp đó lo. Theo ông Nên, hiện những nơi ông kiểm tra đều nói hệ thống y tế đang bị “hụt hẫng”, vì khi các lực lượng chi viện rút thì không có người làm, do đó, không để tình trạng này xảy ra trong thời gian tới.

Về cơ cấu hệ thống YTCS là TYT, ông Nên cho rằng những xã số dân đông thì không hướng dẫn theo đơn vị hành chính, mà quy định một TYT sẽ quản lý bao nhiêu hộ, bao nhiêu dân thì vừa sức, song song đó là số lượng cán bộ phải tính cho phù hợp. Kèm theo đó là cơ sở, điều kiện, cơ cấu, số lượng, kinh phí hoạt động. Trong khi chờ chính sách, trước mắt tận dụng lực lượng có sẵn, lực lượng dự bị động viên, quân y, chữ thập đỏ, hội đông y… cơ cấu vào TYT. Kèm theo đó là chế độ, hợp đồng tạm thời, trả lương. Trong tương lai tất cả TYT đều có BS, vì đề án Sở Y tế đang làm là BS Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khi ra trường phải xuống cơ sở để có chứng chỉ thực hành.

“Cái nào vướng ở trên thì đề nghị thí điểm, cái nào thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy thì Ban Thường vụ Thành ủy sẵn sàng quyết định để làm. Cho nên tới đây, TYT phải tính toán theo dân số chứ không có đơn vị hành chính. Vì qua một “cuộc chiến” đã thấy rõ, nhờ nhân dân, doanh nghiệp, các ngành, T.Ư hỗ trợ, sức TP làm không xuể”, ông Nên chia sẻ thêm.

Đề xuất chính sách “giữ chân” nhân viên y tế

Ngày 9.11, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có tờ trình UBND TP.HCM đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến YTCS.

Sở Y tế đề xuất UBND TP các cơ chế chính sách để giữ chân và thu hút nhân viên y tế (NVYT) công tác tại TYT phường, xã, thị trấn. Theo Sở Y tế, hiện tỷ lệ NVYT tuyến xã/10.000 dân tại TP.HCM chỉ đạt 2,31, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội. Để đảm bảo nhân lực cho TYT trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và công tác phòng, chống dịch hiện nay, Sở Y tế kiến nghị điều chỉnh tăng mức biên chế cho TYT, thay vì tối đa không quá 10 biên chế TYT nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế TYT.

Về cơ cấu chức danh nghề nghiệp của mỗi TYT, Sở kiến nghị thay vì chỉ có 5 chức danh là BS, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ thì cần bổ sung thêm các chức danh khác nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cho hoạt động của TYT như y sĩ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, kỹ thuật viên xét nghiệm, cử nhân y tế công cộng, cử nhân công nghệ thông tin.

Về chính sách thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại TYT, Sở Y tế kiến nghị cho phép các TTYT ký hợp đồng lao động và ngân sách TP hỗ trợ chi trả lương đối với hợp đồng lao động thay vì sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp, mức lương được xác định trên cơ sở căn cứ trình độ chuyên môn của người lao động để xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204 của Chính phủ. Kiến nghị TP có chính sách hỗ trợ thu nhập đối với BS, NVYT khác đã nghỉ hưu và lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác tại TYT.

Cụ thể, đối với BS nghỉ hưu, mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm. Đối với NVYT khác (điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, y sĩ...) nghỉ hưu, mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm. Đối với lực lượng tình nguyện viên (không có chuyên môn y tế), mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.

Sở Y tế kiến nghị xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cho NVYT cơ sở và dự phòng theo tháng. Đối với BS, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người; với NVYT khác có trình độ đại học và y sĩ, 4 triệu đồng/người. Đối với NVYT có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.