ĐỘNG LỰC RẤT LỚN ĐỐI VỚI SINH VIÊN
Đọc những hồ sơ gửi về để xét cấp học bổng Nguyễn Thái Bình - Báo Thanh Niên, chương trình do Câu lạc bộ Golf Quảng Ngãi tại TP.HCM tài trợ vào tháng 4.2023 vừa qua, chúng tôi rất xúc động trước hoàn cảnh của sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Lệ viết rất dài, chi tiết về hoàn cảnh của mình: "Ba mẹ em hiện sống ở thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện, H.Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ba mẹ đều mất khả năng lao động. Mẹ mang nhiều bệnh mãn tính, đau dạ dày, rối loạn tiền đình, rối loạn chức năng gan, hội chứng mạch máu não. Nhà đang thế chấp vay nợ ngân hàng hơn 50 triệu đồng. Lúc trước, mẹ là lao động chính nhưng hiện tại mẹ phải điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Bác sĩ tư vấn phải cắt bỏ 1/2 dạ dày thì mới hết bệnh, thế nhưng chi phí phẫu thuật rất lớn nên mẹ phải về quê uống thuốc nam, chờ tích góp tiền để phẫu thuật. Cách đây không lâu, ba em lại bị té gãy xương sườn, dịch tràn phổi, phải điều trị tại bệnh viện một thời gian. Hiện gia đình em đang gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần".
Trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bên cạnh việc học, Mỹ Lệ phải đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt của bản thân. Khi nghe tin mình có tên trong danh sách được nhận học bổng, Mỹ Lệ xúc động tâm sự: "Em biết hồ sơ gửi về ban tổ chức rất nhiều nên cũng không hy vọng lắm. Thực sự suất học bổng này rất ý nghĩa đối với em và gia đình trong lúc này. Em rất xúc động, cảm ơn Báo Thanh Niên và đơn vị tài trợ. Đây là động lực rất lớn cho em trong học tập. Ngoài vật chất, em còn nhận giấy chứng nhận học bổng Nguyễn Thái Bình được trao rất trang trọng".
Không chỉ trao các suất học bổng hằng năm, suất học bổng theo từng chương trình, học bổng Nguyễn Thái Bình còn hỗ trợ khẩn cấp cho học sinh, sinh viên khó khăn đột xuất, giúp các em vượt qua cơn ngặt nghèo.
Như trường hợp em Thào A Khay, trở thành trẻ mồ côi khi mới 5 tuổi sau cơn lũ quét ở bản Háng Tầu, xã Túc Đán, H.Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái năm 2005. Sau khi Báo Thanh Niên phát hiện, viết bài, Trường THPT dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã nhận nuôi dưỡng và dạy em học tập. Cuối năm 2022, A Khay xin rời Trường THPT dân lập Thanh Bình để thuê trọ gần Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho tiện sinh hoạt, học tập. Không may, mới ra ngoài sinh sống, A Khay đã bị mất chiếc xe máy. Và Báo Thanh Niên đã xét trao cho A Khay suất học bổng trị giá 15 triệu đồng, giúp em trang trải chi phí đi lại, sinh hoạt để yên tâm học tập.
Hay như sinh viên Võ Nguyên Bích Thuận, Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM được nhận suất học bổng 10 triệu đồng vào tháng 4.2023 vừa qua cũng là trường hợp rất khẩn cấp. Nhận được đơn xin xét cấp học bổng từ Thuận, chúng tôi vô cùng xúc động. Thuận cho biết trước đây gia đình em sống tại TP.HCM. Khi xảy ra dịch Covid-19, việc làm ăn của ba mẹ bị ảnh hưởng nặng nề, Thuận phải xin nghỉ học, bảo lưu kết quả vì không có tiền đóng học phí. Sau dịch, cả nhà phải về quê sinh sống. Mẹ Thuận bán bánh bèo, còn ba em sau khi gặp tai nạn giao thông, chân bị ảnh hưởng nên không làm được việc nặng. Hết thời hạn bảo lưu, Thuận phải quay lại trường học nhưng cả nhà gom góp hết cũng chỉ đủ đóng học phí học kỳ 1, đến học kỳ 2 thì bế tắc.
Nhận suất học bổng 10 triệu đồng, Thuận bùi ngùi xúc động: "Suất học bổng này vô cùng giá trị đối với em và gia đình trong hoàn cảnh hiện tại. Em rất vui khi nhận được món quà đầy ý nghĩa này".
ĐỂ TRẺ MỒ CÔI KHÔNG PHẢI BỎ HỌC
Hơn 500 hồ sơ của trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 gửi về chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, đăng ký bảo trợ lâu dài trẻ mồ côi do Covid-19 do Báo Thanh Niên tổ chức là chừng ấy hoàn cảnh bi thương. Đọc qua hoàn cảnh của các cháu ghi trong hồ sơ, những người làm chương trình không cầm được nước mắt, ngày đêm trăn trở, kiếm tìm những vòng tay yêu thương để che chở, bảo trợ lâu dài cho các cháu. Thật vậy, mỗi khi có một nhà bảo trợ nhận bảo trợ cho trẻ là mỗi lần chúng tôi cảm thấy như chính bản thân mình được an ủi, sẻ chia.
Điều đặc biệt là có nhiều nhà hảo tâm là các cụ ông, cụ bà đã nghỉ hưu, sẵn sàng trích lương hưu hằng tháng để bảo trợ cho các trẻ mồ côi. Trong đó, cụ bà N.T.T (86 tuổi, ở Q.7), là độc giả thường xuyên của báo, biết được hoàn cảnh của gia đình anh Đào Công Tú (Q.Bình Tân) có vợ mất do Covid-19, hiện đang ở trong ngôi nhà trọ chật hẹp, cũ kỹ và làm nghề phụ hồ để nuôi hai con là bé Đ.C.T (sinh ngày 8.9.2021) và bé Đ.C.D (sinh ngày 3.10.2018). Công việc của anh Tú vất vả nhưng lại bấp bênh, lúc có lúc không nên việc học hành của bé Đ.C.D đành phải dở dang… Thông qua bài viết Nhọc nhằn gánh nặng trên vai người thợ hồ, cụ N.T.T đã gọi điện đến tòa soạn để bảo trợ cho 2 con trai của anh Tú với lời nhắn nhủ: "Vì tôi đã lớn tuổi nên trước mắt nhận bảo trợ cho hai cháu một năm, sau đó sẽ tính tiếp".
Ngoài nhà bảo trợ ở TP.HCM, chương trình rất xúc động khi các cá nhân, tổ chức ở Hà Nội, Đà Nẵng và Việt kiều ở các quốc gia cũng cùng chung tay, góp sức. Bà N.T.T.H (60 tuổi) ở Hà Nội đang bảo trợ cho 2 bé N.H.V (8 tuổi, ở chung cư Bùi Minh Trực, Q.8) và P.G.B (8 tuổi, ở xã An Phú Tây, H.Bình Chánh) đến năm 18 tuổi. Mặc dù ở xa, nhưng bà vẫn thường xuyên điện thoại thăm hỏi và khi có dịp vào Nam thì lại ghé thăm và tặng quà cho bé V. và bé B. Không những thế, bà còn dẫn con gái của mình cùng đi đến nhà các bé để giới thiệu, chia sẻ như người thân trong gia đình. Điều này đã giúp cho gia đình các bé V. và B. xem bà N.T.T.H như là một thành viên của gia đình mình.
Chị Phạm Thị Hồng Liên, mẹ của bé P.G.B xúc động chia sẻ: "Mấy mẹ con em cảm thấy rất may mắn khi được cô H. bảo trợ, cô không những lo tiền hằng tháng cho bé P.G.B mà còn thường xuyên gọi điện quan tâm, dạy bảo. Vừa rồi, thời tiết nắng nóng kéo dài, lo sợ mấy mẹ con cảm nắng, cô điện thoại dặn dò nhớ uống nước, tránh ra ngoài nắng nhiều… khiến mẹ con em cảm thấy ấm áp vô cùng. Bây giờ, cô H. giống như người mẹ, người bà trong gia đình em vậy".
Học bổng mang tên người thanh niên trí thức yêu nước Nguyễn Thái Bình do Báo Thanh Niên sáng lập từ năm học 1990 - 1991. Đến nay, sau hơn 30 năm triển khai chương trình, Báo Thanh Niên đã tổ chức trao gần 22.250 suất học bổng với tổng số tiền, quà trị giá khoảng 43 tỉ đồng. Nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi trên cả nước đã được thụ hưởng từ chương trình và trưởng thành, cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình luận (0)