Cuộc tranh luận của 1.000 CEO trẻ

21/11/2020 07:50 GMT+7

Có rất nhiều câu hỏi của các CEO trẻ được đặt ra tại cuộc tranh luận. Phần trả lời chủ yếu tập trung vào các giải pháp tìm ra một hướng đi mới thích hợp với mỗi doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Một năm với quá nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp trẻ đã tuyên bố phá sản. Nhưng các chuyên gia vẫn nhận định trong nguy luôn có cơ, và trên cả cơ hội đó chính là vận hội để đột phá.
Cuộc tranh luận của 1.000 CEO (giám đốc điều hành) khắp cả nước diễn ra trong chương trình Vietnam CEO Forum 2020 (diễn đàn thường niên lớn nhất dành cho các CEO VN), do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM khởi xướng và tổ chức ngày 19.11 tại TP.HCM.

Vận hội hay huyễn hoặc ?

Tại chương trình, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển thương hiệu và cạnh tranh, khẳng định chúng ta đang có vận hội rất lớn. Dịch bệnh không chỉ tác động mà còn kiểm tra sự chịu đựng của doanh nghiệp (DN). Tác động lớn nhất của đại dịch là thử sức chúng ta trước một vận hội mới. Điều quan trọng là chúng ta có dám tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại để bứt phá hay không?

Trong game đua xe, đường nào thẳng rất khó để vượt mặt, nhưng những đoạn có thể vượt được chính là những đoạn cua. Những biến động đang xảy ra chính là những đoạn cua này

Chị Lê Diệp Kiều Trang (Chủ tịch Arevo VN)

Phản bác quan điểm của ông Võ Trí Thành, một CEO đến từ Đà Nẵng, bày tỏ: “Các diễn giả nói về vận hội quá nhiều, nhưng tôi đang cảm thấy phải đối mặt với huyễn hoặc nhiều hơn”.
CEO này dẫn chứng: Trong 9 tháng năm 2020, VN đã có hơn 70.000 DN tuyên bố phá sản và dừng hoạt động, đó là chưa kể số DN chịu thiệt hại và ảnh hưởng trong tháng 10 do các tỉnh miền Trung chìm trong mưa bão. “Mới qua 2 trận “bão Covid-19” và bão thiên tai đã có gần 100.000 DN “lên đường”, thế thì năm 2021 chúng ta đang đối diện với vận hội hay sự huyễn hoặc? Bản thân tôi thì đang sợ phải đối diện với trận bão suy thoái kinh tế”, CEO này nêu vấn đề.
Ông Thành trả lời: “Nếu nói hôm nay là khó khăn thì năm sau xác suất khó khăn vẫn có. Có thể có khủng hoảng, có thể có Covid-21, 22... nhưng tôi muốn khẳng định là chưa thể khó khăn bằng VN những năm 1980. Lúc đó rất khó khăn mà chúng ta vẫn vượt qua được, vẫn làm nên kỳ tích của đổi mới”.
Trước những nhận định của ông Thành, CEO Nguyễn Thành Nhơn (TP.HCM) cho rằng: “Những ưu thế hay khó khăn của VN ở những năm 1980 thuộc về giai đoạn quá khứ và chúng ta không thể so sánh với thời điểm hiện tại. Liệu chúng ta có đang huyễn hoặc rằng chuỗi cung ứng đang dịch chuyển về VN và cho đó là vận hội cho chúng ta? Bản thân DN VN tồn tại được với khủng hoảng sắp tới hay không? Đó là câu hỏi lớn chứ đừng nói đến việc vượt biển lớn để cạnh tranh với thị trường thế giới”.
Một CEO khác bày tỏ quan điểm: “Hôm nay chúng ta bàn về câu chuyện làm thế nào để nắm bắt cơ hội để gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu? Câu hỏi đầu tiên tôi muốn hỏi chung cho tất cả các DN trẻ là các bạn mang giá trị gì để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu? Câu hỏi đó DN chúng ta đã trả lời được chưa? Khi chúng ta chưa xác định được chuỗi giá trị của mình thì lấy gì để chúng ta tham gia? Khi ta nói về cơ hội thì đó là cơ hội của chúng ta và cũng có thể là cơ hội của đối thủ. Vậy cơ hội nào mới thực sự là của chúng ta?”.
Có rất nhiều câu hỏi của các CEO trẻ được đặt ra tại cuộc tranh luận. Phần trả lời chủ yếu tập trung vào các giải pháp tìm ra một hướng đi mới thích hợp với mỗi DN trong thời điểm khó khăn này.

Các lĩnh vực tiềm năng để khởi nghiệp

Nhắc đến những khó khăn và cơ hội ở thời điểm hiện tại, chị Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch Arevo VN, dẫn chứng: “Trong game đua xe, đường nào thẳng rất khó để vượt mặt, nhưng những đoạn có thể vượt được chính là những đoạn cua. Những biến động đang xảy ra chính là những đoạn cua này. Tuy không phải ai cũng vượt mặt được, một người vượt mặt thì sẽ có một người rớt lại. Nên khi thế giới đang có những thay đổi không ngờ thì nó luôn mở ra cơ hội cho một số người và cũng sẽ khép lại cơ hội với một số người”.
Về các ngành nghề được đánh giá là có nhiều triển vọng cho các bạn trẻ khởi nghiệp trong thời điểm hiện nay, chị Kiều Trang cho rằng lĩnh vực “thế giới online” là triển vọng do giãn cách xã hội. Logistics cũng vô cùng thiết yếu để có thể vận chuyển khi đặt hàng trực tuyến của mọi người được nhanh hơn. Tiếp theo là sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) mở ra một cơ hội mới hơn nữa...
“Sẽ có rất nhiều ngành mang lại cơ hội phát triển, nhưng tôi mong các bạn hãy nhìn ở một góc nhìn là khi có sự thay đổi thì bất kỳ ngành nào cũng sẽ tìm ra cơ hội và cũng có muôn vàn thách thức. Làm sao để tìm ra cơ hội trong cái khó thì các bạn sẽ vượt lên được chứ không có ngành nào là không có cơ hội”, chị Kiều Trang nói.
Anh Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Công ty cổ phần Tiki, cũng khẳng định: “Tôi nghĩ rằng nếu biết tận dụng internet, điện thoại thông minh thì cho dù bạn làm bất cứ ngành gì cũng sẽ đi nhanh hơn và sẽ tìm được cơ hội trong khó khăn này”.
Theo chị Kiều Trang, Covid-19 như một trận cuồng phong thổi bay đi những “căn nhà lá” khởi nghiệp vốn rất yên bình. Từ đây nhắc nhở chúng ta về tính thích nghi, điều mà bạn trẻ khởi nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng.
“Đây sẽ là một bài học mà ngay cả khi bình yên nhất cũng phải chuẩn bị cho tương lai, cũng phải nhìn trước là tương lai xu hướng đó sẽ đi như thế nào. Ngay cả khi “nước chưa tới chân” chúng ta cũng chuẩn bị trước về mặt công nghệ, cũng cần đón đầu những năng lực phải có để khi có chuyện xảy ra mình còn có nền tảng để ứng phó”, chị Trang gửi gắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.