Hơn một năm nay, đều đặn 6g sáng, cụ ông Nguyễn Ngọc Quang, 83 tuổi, nhà ở ngõ Phất Lộc, Hà Nội lại đi xe đạp ra chân tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Gươm tập... cười.
|
Cụ Quang và khoảng 100 người nữa là học viên lớp yoga cười đầu tiên mở ngoài cộng đồng từ sau Tết Nguyên đán 2011. Từ đó, hầu như ngày nào cũng đi tập, đơn giản để được cười.
Tập... cười
|
6g30 sáng ở chân tượng đài Lý Thái Tổ cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, từ xa đã nghe tiếng cười hô hô, ha ha lúc giòn, lúc trầm, lúc khùng khục phấn khởi. Đến gần thì nào cụ ông, cụ bà, nào bạn trai, bạn gái, nào các ông bà trung niên và cả khách du lịch nước ngoài đi qua cũng ghé vào cười. Sáng lập lớp là Lê Anh Sơn, trên 30 tuổi, đầu hói bóng nhưng rất thích biệt danh “Sơn không hói”, cùng một huấn luyện viên tên Vinh luôn tay chỉ dẫn các động tác để cười: lúc Sơn đưa tay ra phía trước giả làm gương soi, lúc giơ chân trái quặp chân phải như Tôn Ngộ Không cầm gậy Như Ý, lúc xoa tay vào má... Học viên trong lớp cũng tập y như vậy, tất cả cùng cười.
Trước đây mỗi sáng cụ Quang đều ra hàng nước bàn chuyện với các cụ già cùng lứa để được cùng nhau cười xòa vui vẻ. Giờ thì sáng nào cũng được cười “chào buổi sáng” miễn phí gần một giờ. “Các con tôi bảo dạo này tôi nhanh hơn trước”- cụ Quang phấn khởi khoe.
Không chỉ già như cụ Quang mới cần đi tập cười. Bạn Trần Thu Trang, một cô gái trẻ đang tập trung sức lực cho doanh nghiệp nhỏ của riêng mình, cũng đến đây tập cười. “Công việc nhiều áp lực, nên những giây phút được cười khiến tôi vui” - Trang nói sau buổi học. Hay với Nguyễn Hoàng Hiệp, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, từ lúc tập cười Hiệp tập được thói quen ngủ sớm, dậy sớm, cứ đều đặn 5g sáng dậy đi cười rồi đi học, trong khi trước đây không khi nào Hiệp ngủ được trước 12g. “Sinh viên cũng đủ chuyện đau đầu, bây giờ là bão giá, sự bùng nổ thông tin, nhất là thông tin trên Internet làm mình chết ngập trong đó. Ra đây cười, bắt đầu buổi sáng bằng tiếng cười vui vẻ hơn nhiều” - Hiệp kể.
Chỉ cần 5 phút...
Từ lúc sinh ra mình đã biết cười, nụ cười “bà mụ” dạy, cười có gì lạ mà phải học? Ấy vậy mà Lê Anh Sơn, người từng có một mơ ước ẩm ương là lúc nào đấy nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, thấy xung quanh toàn những người đang cười, cười tươi, cười phấn khởi để quên hết mọi lo toan ưu phiền, đã mở lớp học này. Ban đầu, mỗi sáng Sơn đến dạy các bài tập cười miễn phí cho học viên. Gần đây, câu lạc bộ (CLB) do Vinh, đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, đảm nhiệm vị trí huấn luyện viên. Lý do thành lập lớp học cười, sau này gọi là CLB yoga cười, rất đơn giản: “Đi dọc bờ hồ, gặp người nước ngoài nào cũng thấy người ta cười tươi tỉnh, người VN mình sao ít cười quá thể, “hà tiện” nụ cười quá thể” - Sơn nói. Năm 2010, Sơn đã đi Ấn Độ học khóa học của bác sĩ Madan Katarina, người Ấn Độ sáng lập trường phái yoga cười. “Có vốn cười”, Sơn ước mơ mở nhiều CLB cười khắp nơi, làm sao để nhìn thấy nhau người ta có thể cười, cười tươi mà không phải “hà tiện”.
Lê Anh Sơn cho biết hiện các huấn luyện viên cười ở VN đang áp dụng 200-300 bài tập, thật ra đó là các động tác trong đời sống như rửa rau, mở cửa, vặn vòi nước..., để khi người tập thực hiện các hoạt động này, họ nghĩ lại về các bài tập và tự dưng lại bật cười. “Cười không cần lý do, nhưng vì sao chúng ta cứ phải tìm lý do để cười? Trong khi chỉ cần 5 phút cười sảng khoái có thể hiệu quả với sức khỏe như tập thể thao, chạy bộ?”- Lê Anh Sơn băn khoăn. Giờ đây, sau khi số lượng CLB cười đã mở rộng khắp nơi, mơ ước của anh chàng “không hói” này lại là mở các CLB ở nhà dưỡng lão, trường học...
Cười là môn thể thao cho tinh thần, mọi người bắt đầu ngày mới bằng nụ cười chẳng phải tốt hơn sao!
Anh Christian Cornette, một người Luxembourg đến VN du lịch, cũng đến đây học cười. Christian bảo ở quê hương anh cũng có lớp yoga cười, nhưng chưa có nhiều bài tập để cười như ở VN. |
Theo Lan Anh / Tuổi Trẻ
>> Khổ vì yoga cười
>> Yoga cười - Niềm vui mỗi ngày
>> Yoga cười
Bình luận (0)