Thông tin từ Bộ Công thương, nhiều nhóm thị trường VN có ký kết FTA ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy, ưu đãi từ các FTA cơ bản được tận dụng hiệu quả.
Nhanh chóng nắm bắt cơ hội
Trong đó, xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất sang thị trường EU có nhiều “điểm sáng” tích cực. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8 năm nay ước đạt 937 triệu USD, lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,66 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 5 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản. Báo cáo thị trường gỗ nhiệt đới tháng 7 của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế cũng cho rằng, các nhà nhập khẩu thuộc EU đánh giá cao việc cải tiến về công nghệ đối với các sản phẩm gỗ từ VN. “Những cải tiến này vượt trội so với các quốc gia châu Á khác và ngày càng có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cao của thị trường EU”, báo cáo ghi.
Theo cam kết trong EVFTA, khoảng 83% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, 17% còn lại (gồm ván dăm, ván sợi, gỗ dán…) sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 - 5 năm. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ - Lâm sản VN, dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU năm nay đạt trên 700 triệu USD, cao hơn con số 670 - 680 triệu USD năm 2018.
Ngoài đồ gỗ nội ngoại thất, số liệu của hải quan cho thấy, xuất khẩu giày dép VN vào EU trong 7 tháng của năm 2019 cũng tăng hơn 14%, mức tăng cao hơn thị trường Mỹ vốn tăng hơn 9%.
Hiện xuất khẩu giày dép VN vào 2 thị trường này đã chiếm 65% và liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác sang EU cùng thời điểm cũng tăng 22% đạt 1,43 tỉ USD, cao gấp rưỡi thị trường xuất khẩu kế đó là Nhật Bản với 1,09 tỉ USD trong 7 tháng. Riêng nhóm hàng thủy hải sản, xuất khẩu sang EU 7 tháng giảm nhưng xuất khẩu cá tra lại tăng đến 18% về lượng và chiếm 14,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước.
Để tận dụng tối đa EVFTA tăng đưa hàng sang EU, bà Magdalena Krakowiak, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Trung và Đông Âu tại VN, khuyên DN VN cần cải thiện khâu sản xuất chế biến đối với những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.
Đặc biệt, cực kỳ chú trọng các tiêu chuẩn quốc tế mà EU công nhận về nguồn gốc xuất xứ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý, những tín hiệu lạc quan trong thương mại từ EVFTA là có thực.
Tuy nhiên, DN Việt cần lưu ý là số dòng thuế được giảm ngay lập tức sau khi hiệp định có hiệu lực đã cao, bên cạnh đó tốc độ giảm thuế cũng rất nhanh, sau 7 năm thì tất cả các mặt hàng đều được giảm thuế. Nếu không nhanh chóng nắm bắt cơ hội, sẽ bị mất vào tay thị trường khác.
“Thời gian trôi đi rất nhanh, Mỹ là thị trường lớn, nhưng không thể “nuôi” cả kim ngạch xuất khẩu, thị trường lớn quan trọng thứ hai là EU, phải sốt ruột, tận dụng nắm bắt. EU là liên minh tiên tiến nhất thế giới, VN lại đang có khát vọng phát triển công nghệ 4.0. Đây là điểm hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung trong giao thương, đầu tư”, bà Lan nói.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, nhập khẩu những sản phẩm công nghệ tiên tiến từ EU cũng là cách nâng được tầm của kinh tế Việt lên và làm cho nền tảng kinh tế chúng ta tốt hơn, làm tăng nội lực cho VN.
Theo Bộ KH-ĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Bà Lan cho rằng, không chỉ đơn thuần tận dụng xuất khẩu mà cả nhập khẩu và EVFTA giúp DN có cơ hội đổi mới, tăng năng suất lao động, công nghệ rất lớn.
Chuyển chiến lược, gia công trực tiếp từ EU
Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định VN có mối quan hệ kinh tế quốc tế lớn, đồng thời định vị là nước xuất khẩu.
Do đó không chỉ chiến tranh thương mại mà bất cứ sự thay đổi của thị trường nào, dù trực tiếp hay không, chúng ta cũng sẽ chịu tác động lớn và phải có nhiều kịch bản để đối phó. Tuy nhiên, đặc điểm DN Việt là DN đầu vào của một chuỗi giá trị, không phải kiểm soát chuỗi giá trị như Samsung hay các tập đoàn kinh tế lớn khác.
Đồng thời, DN Việt đang mạnh không phải dựa trên sản phẩm sáng tạo mà mạnh trên sản phẩm thô và nguyên liệu. Chúng ta cũng đang kinh doanh dựa trên tối đa hóa quan hệ thương mại, thay vì tối đa hóa lợi thế cạnh tranh bằng sáng tạo như một số nước phát triển khác.
Vì thế, cần xác định DN Việt không thể phản ứng nhanh được, không thể ngay lập tức tranh thủ cơ hội đẩy hàng sang Mỹ hay thay đổi cán cân thương mại giữa VN - Mỹ và VN - Trung Quốc. Theo ông Nghĩa, thương chiến Mỹ - Trung sẽ kéo theo nhiều hệ quả cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trước mắt, DN Việt chỉ có thể dựa vào những phản ứng chính sách từ Chính phủ như kiểm soát lạm phát, theo dõi mức giảm giá nhân dân tệ để hạn chế tối đa rủi ro trở thành nạn nhân của một thương chiến mới. Tuy nhiên không phải “nằm im” chờ cuộc chiến đi qua. Từ thương chiến Mỹ - Trung, các DN VN phải xây dựng chiến lược dài hạn để thâm nhập thị trường quốc tế, thay đổi nội lực, đặc biệt là tiêu chuẩn xuất xứ, tiêu chuẩn sản phẩm.
Cụ thể, hiện nay Trung Quốc đang tăng tiêu chuẩn nông thủy sản nhập từ VN. Đây là phản ứng tự nhiên nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong bối cảnh Mỹ tăng thuế lên tới 25%. Thay vì coi đây là thách thức, khó khăn, DN Việt cần tranh thủ nâng chuẩn nông thủy hải sản đáp ứng yêu cầu xuất sang Trung Quốc.
Khi đã đủ chuẩn, không chỉ VN có cơ hội xuất siêu sang Trung Quốc, thay đổi cán cân thương mại mà vừa có thể tìm hướng sang các thị trường khác khó tính hơn. Tương tự, ở một số ngành nghề chủ lực như dệt may, gỗ, nông nghiệp, linh kiện điện tử, khi Trung Quốc không còn là thị trường mạnh, cơ hội Mỹ tìm đến VN là rất lớn.
Nhưng nếu không minh bạch xuất xứ, đẩy tiêu chuẩn sản phẩm lên cao, đáp ứng yêu cầu người mua, VN cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội. Thêm nữa, đây còn là lúc cho Mỹ, Trung Quốc cũng như các quốc gia khác thấy DN Việt chuyển biến như thế nào trong cuộc chiến, qua đó quảng bá, khẳng định thương hiệu hàng Việt tới nhiều thị trường mới.
Mặt khác, chắc chắn sắp tới các mặt hàng nông thủy hải sản từ châu Âu, Mỹ sẽ có xu hướng tràn vào cạnh tranh nông thủy hải sản VN. Các DN có thể tính toán tái cấu trúc, thay vì xuất khẩu, có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bán nguyên liệu hoặc gia công trực tiếp từ châu Âu, sau đó đem về VN bán.
Bình luận (0)