Dù xa quê, mỗi ngày dù bận mấy tôi cũng đọc báo giấy, xem truyền hình, đọc báo mạng để nhìn thấy Sài Gòn của tôi đang chuyển động ra sao.
Cứ vài ba tháng tôi lại sắp xếp việc nhà, việc cơ quan để rong ruổi về thành phố Bác Hồ với nhiều cảm xúc vô cùng khó tả. Về để thấy Sài Gòn đổi mới từng ngày, đổi mới từ những con kênh rạch, từ những ngôi nhà cao tầng, từ những cây cầu, tuyến đường rộng mở thênh thang; từ nếp nghĩ, cách ứng xử của người Sài Gòn hôm nay.
Thương quá chuyện ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận từ các quầy quần áo miễn phí xuất hiện khắp nơi từ nội thành đến ngoại thành; từ cơ quan đến các trường học đã trở nên quen thuộc với người khó khăn. Người cho và người nhận đều vui từ những vật dụng giản đơn nhưng ấm áp tình người. Nhân ái Sài Gòn đó thôi.
Nếu bạn đang rong ruổi trên những tuyến đường đầy nắng hạn, đầy gió nóng thì hạnh phúc lắm khi nhận được những ly nước mát ven đường của những người không quen biết để nghe mát rượi tâm hồn trước những nghĩa cử rất nhân văn của người Sài Gòn. Đâu có gì xa lạ nữa khi những trạm dừng chân mọc rất nhiều theo các tuyến đường để tặng miễn phí nước suối, khăn lạnh kèm theo những lời chúc hạnh phúc, may mắn với người đi đường khi về sum họp với gia đình trong những kỳ nghỉ lễ, tết. Họ là ai? Công nhân có, công an có, đoàn viên thanh niên cũng có và có cả những tài xế thiện nguyện cùng làm công việc rất đẹp, rất văn hóa này. Xúc động quá khi bắt gặp những nụ cười thánh thiện của họ giữa dòng xe đông đúc; giữa cái nắng thiêu người. Người Sài Gòn hào phóng đến vậy.
|
Đây những đội vá xe, cứu hộ, cứu nạn giao thông đã có mặt ngày đêm trên các tuyến đường xung yếu để không một ai bị bỏ rơi giữa đêm khuya lạnh giá; giữa những đoạn đường vắng vẻ đầy bất trắc. Không ai nhận bất kỳ một khoản thù lao nào dù là rất nhỏ bé, thay vào đó là những động tác thuần thục; những nụ cười đôn hậu dễ thương đến lạ kỳ. Nhân ái đến thế là cùng.
Về Sài Gòn hôm nay đâu đâu bạn cũng có thể bắt gặp những tổ cấp cháo, cơm, nước sôi miễn phí tại các bệnh viện; những chuyến xe cấp cứu không phải mất tiền; những đội tình nguyện bắt cầu, bồi lộ để cuộc sống người dân bớt vất vả, bớt lo toan. Những quán cơm “0 đồng”; 1.000 đồng’ 2.000 đồng xuất hiện nhiều nơi để người nghèo được no lòng trong cơn bão giá. Người Sài Gòn lo xa đến vậy.
Ngạc nhiên chưa khi một bác sĩ trẻ có hai tấm bằng tốt nghiệp tại hai trường đại học danh giá của Mỹ, có đủ điều kiện làm việc tại nửa vòng trái đất xa xôi với nhiều cơ hội thăng tiến lại tình nguyện về Sài Gòn công tác tại một bệnh viện cấp quận. Đơn giản lắm bởi anh là người Sài Gòn.
Hai thanh niên trẻ tình nguyện hớt tóc miễn phí cho mọi người, đặc biệt là thân nhân đang nuôi bệnh tại một bệnh viện nội ô thành phố. Vậy là có nhiều thợ hớt tóc khác tình nguyện gia nhập cái tổ “ từ thiện” này với tấm lòng nhân ái. Họ là người Sài Gòn mà.
Khi bắt gặp những hình ảnh, những đoạn video clip, những bài viết trên báo giấy, báo mạng, báo hình kể về những mảnh đời bất hạnh, những bệnh nhân nghèo trong cơn thập tử nhất sinh thì cộng đồng người Sài Gòn lập tức hành động. Những gói quà, tiền bạc, quần áo, vật dụng khác ngay lập tức được chuyển đến những hoàn cảnh ấy bằng rất nhiều con đường: ủng hộ tại tòa soạn các báo; các đài PTTH; chuyển qua tài khoản; trực tiếp đến tận nơi để giúp đỡ...tất cả đều có điểm chung: giúp họ nhanh chóng vượt qua cơn khốn khó trước mắt.
Họ là ai? Là những cụ già bán vé số, bán hàng rong; là trẻ em đánh giày, là bác xe ôm, là anh công nhân, là chị quét đường, là những tiểu thương, doanh nghiệp, là nhà báo, là nghệ sĩ…đủ mọi lứa tuổi, thành phần, giới tính, nghề nghiệp nhưng có một điểm chung: họ là người Sài Gòn.
Nhiều. Rất nhiều câu chuyện về sự nhân ái của họ mà đâu thể kể hết ra đây. Họ thích làm. Ngại nói về mình. Đó cũng là “ đặc sản” Sài Gòn đó thôi.
|
Bình luận (0)