'Đại bàng' Boeing, SpaceX... đến Việt Nam

21/03/2023 06:36 GMT+7

Phái đoàn 50 doanh nghiệp lớn từ Mỹ đến VN để thảo luận vấn đề đầu tư, hợp tác kinh doanh. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là cơ hội lớn để thu hút dòng vốn ngoại chất lượng cao.

Phái đoàn kinh doanh Mỹ "lớn nhất từ trước đến nay"

Từ hôm nay (21.3) đến ngày 23.3, phái đoàn 50 doanh nghiệp Mỹ gồm các công ty quốc phòng, dược phẩm, công nghệ, bán dẫn, tài chính, năng lượng, giải trí… làm việc tại Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh theo chương trình của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức tại Hà Nội. Trong đó, có những tên tuổi lớn như Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Citibank, Meta, Amazon… hay các công ty đã hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam như Coca-Cola, PepsiCo, Apple… 

Theo Reuters, đây là phái đoàn kinh doanh của Mỹ "lớn nhất từ trước đến nay" đến Việt Nam để bàn chuyện làm ăn. "Đây là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm ngày một tăng đối với trung tâm sản xuất toàn cầu vốn đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung", Reuters bình luận. Ngoài ra, cũng theo hãng tin này, Việt Nam với dân số 100 triệu người là thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh khi tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng.

'Đại bàng' Boeing, SpaceX... đến Việt Nam - Ảnh 1.

Sản xuất cánh tà máy bay dân dụng của Boeing tại một nhà máy ở Hà Nội

PHẠM HÙNG

Ông Vũ Tú Thành, đại diện USABC, thông tin một số công ty đánh giá Việt Nam là một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng phát triển với mức tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% năm 2022. Trong số này có SpaceX của tỉ phú Elon Musk, công ty đang tìm kiếm thị trường dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực; hay công ty cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix cũng đang có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam. Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên sau khoảng một thập niên, các công ty bảo mật Mỹ quyết định tham gia cuộc gặp gỡ lần này tại Việt Nam

Đại diện của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cũng nhận định các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Đến nay, đã có hàng tỉ USD từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực điện khí, hạ tầng cảng biển, logistics…

Với chuyến đi có mặt của những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ... lần này, chứng tỏ Việt Nam có sức hút mạnh. Giấc mơ về một trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay, tàu vũ trụ, công nghệ cao trong tàu thủy… vẫn có thể được "kích hoạt" trở lại.


PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế

Phần lớn các công ty tham gia phái đoàn lần này đều có hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Dù chưa đầu tư trực tiếp nhưng có 11 nhà máy của các những nhà cung ứng thiết bị cho Apple đã đến Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Điều này đã và đang đặt ra kỳ vọng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Theo JP Morgan, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, khoảng 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ (Apple Watch, Mac, iPad) và đang trở thành trung tâm sản xuất AirPods chính. 

Hay với Boeing, dù chưa đặt trụ sở tại Việt Nam nhưng trong thực tế, các nhà sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam đến từ Mỹ, cung ứng cho Hãng Boeing đã vào Việt Nam từ lâu. Tại Hưng Yên đã có nhà xưởng chuyên sản xuất thiết bị cửa chốt cho nhà làm vỏ động cơ máy bay, sẽ được chuyển đến Mỹ để hoàn thiện chiếc máy bay thương mại từ cách đây 13 năm.

Ngay trong năm đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát, nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Mỹ) cũng xây xong nhà máy giai đoạn 1 tại Đà Nẵng. UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới cho Boeing, Airbus, Embrazer… và còn đặt kỳ vọng làm động cơ cho cả xe Rolls Royce tại Việt Nam.

'Đại bàng' Boeing, SpaceX... đến Việt Nam - Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Mỹ) tại Đà Nẵng

NGUYỄN TÚ

Không ngừng mở rộng quy mô

Nhiều năm qua, Việt Nam cũng là địa điểm được nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Coca-Cola, PepsiCo, Citi Group, General Electric (GE)... lựa chọn đầu tư và liên tục mở rộng hoạt động. Đơn cử, Tập đoàn Intel, nhà sản xuất thiết bị chất bán dẫn lớn nhất thế giới, đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn gần 1,5 tỉ USD. 

Hiện Intel Products Việt Nam là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn cầu và là một trong 10 cơ sở sản xuất của Intel trên toàn thế giới. Vào tháng 5.2022, tại buổi gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Patrick Gelsinger, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Intel, cho biết tập đoàn đầu tư vào Việt Nam 15 năm qua và rất thành công cho cả Intel và Việt Nam. Intel quyết định sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với quy mô gấp nhiều lần hiện nay.

Hay như Coca-Cola đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1994 và hiện có 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, 1,2 triệu đối tác bán lẻ trên toàn quốc, 2 trung tâm phân phối và hơn 1.900 nhân viên đang làm việc cho công ty và đối tác đóng chai. Kể từ khoản đầu tư ban đầu là 163 triệu USD, tập đoàn này đã liên tiếp tăng cường, mở rộng và ước tính đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư của Coca-Cola tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 1 tỉ USD. Đầu năm 2022, Coca-Cola công bố sẽ đầu tư xây dựng nhà máy thứ tư với tổng cộng 136 triệu USD (tương đương hơn 3.100 tỉ đồng) tại Long An. Đây cũng là nhà máy lớn nhất của Coca-Cola tại Việt Nam, áp dụng mô hình nhà máy thông minh, các kỹ thuật hiện đại…

'Đại bàng' Boeing, SpaceX... đến Việt Nam - Ảnh 4.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tham quan nhà máy GE tại Hải Phòng

ĐSQ MỸ TẠI VIỆT NAM

Ngoài những doanh nghiệp sản xuất, các tập đoàn tài chính hàng đầu như Visa, Citi Group cũng đã có mặt tại Việt Nam khá lâu. Trao đổi với Thanh Niên chiều 20.3 xoay quanh chuyến đi này, đại diện Citi Vietnam cho biết hiện tập đoàn đang phục vụ danh mục khách hàng là các doanh nghiệp FDI lớn nhất trong danh sách Fortune 500 của Mỹ tại Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng thương mại quốc tế hằng năm lên tới hơn 90 tỉ USD vào Việt Nam

"Sự kiện này là cơ hội để chúng tôi và các phái đoàn khác của Mỹ thảo luận về các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ Chính phủ của Citi khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đại diện ngân hàng dẫn dắt các thảo luận này. Citi đã và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại đây. Với mạng lưới toàn cầu rộng khắp và hiếm có của mình, Citi ở vào vị trí thuận lợi để hỗ trợ khát vọng tăng trưởng của các tập đoàn quốc tế muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam", đại diện Citi Vietnam chia sẻ thêm.

Thông tin với Thanh Niên, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho biết hơn 50 công ty của Mỹ trong các lĩnh vực quốc phòng, dược phẩm và công nghệ có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 21 - 23.3. Đây là sự kiện thường niên do USABC tổ chức trong gần 30 năm trở lại đây. Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm phái đoàn cũng sẽ có buổi chia sẻ thông tin với truyền thông, với sự có mặt của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper; nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch và Tổng giám đốc USABC; nguyên đại sứ Michael Michalak, Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực USABC; ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực kiêm Trưởng đại diện USABC tại Việt Nam; cùng đại diện một số doanh nghiệp tham gia phái đoàn.

Mai Hà

Trước đó, tại sự kiện Triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 dành cho các khách hàng doanh nghiệp vào đầu tháng 3, Citi Vietnam dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh về xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng giám đốc Citi Vietnam, ông Ramachandran A.S., lưu ý rằng tuy thị trường bất động sản và một vài ngành xuất khẩu đang đối mặt với khó khăn từ quý 4/2022 nhưng triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam là rất tươi sáng với dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Ông tin rằng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn FDI và Citi sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy hỗ trợ dòng vốn đầu tư này.

'Đại bàng' Boeing, SpaceX... đến Việt Nam - Ảnh 6.

Kích hoạt mục tiêu hub bảo dưỡng máy bay

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, nhận định: "Đây là sự kiện quan trọng và phải coi đây là cơ hội lớn để thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Mỹ. Trong đoàn các doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam kỳ này, tôi quan tâm những tên tuổi lớn trong ngành máy bay, giải trí, ngân hàng, năng lượng. Nhiều nhà đầu tư điện gió của Mỹ quan tâm đến Việt Nam bởi chiến lược Việt Nam lựa chọn đầu tư theo hướng giảm phát thải ròng, năng lượng tái tạo…". Mỹ là một trong những quốc gia cũng có nhiều chương trình tài trợ cho Việt Nam phát triển năng lượng xanh thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).


Tín hiệu tích cực cho thu hút vốn FDI của Việt Nam

'Đại bàng' Boeing, SpaceX... đến Việt Nam - Ảnh 8.

NGỌC THẮNG

Những tập đoàn lớn thường được nhiều nước "săn đón". Vì vậy, để thu hút mạnh hơn vốn FDI nói chung và các tập đoàn từ Mỹ, Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải thực hiện. Đó là xây dựng chương trình đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế số vì đây là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế trên toàn cầu. Song song đó, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao,

có trình độ, thái độ lao động tích cực cũng như có tinh thần học hỏi cao. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao mà Việt Nam muốn hướng đến để thu hút FDI thì nguồn nhân lực cần phải đáp ứng khi các tập đoàn có nhu cầu. Vấn đề cuối cùng là phải xây dựng chính phủ điện tử, thể hiện sự hợp tác, cởi mở với mọi doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh công khai minh bạch. Ngoài ra, một số chính sách ưu đãi trong thu hút vốn FDI cũng có thể xem xét riêng nếu như tập đoàn nào có kế hoạch đầu tư lớn, mang công nghệ cao vào Việt Nam.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Thúc đẩy thu hút vốn đầu tư công nghệ cao

'Đại bàng' Boeing, SpaceX... đến Việt Nam - Ảnh 9.

NVCC

Trong một số lĩnh vực công nghệ thì Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới. Vì vậy, việc nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ của cường quốc này đến Việt Nam là cơ hội để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Tại Việt Nam, câu chuyện đầu tư của Intel và thành công của họ khi đã mở rộng sản xuất là một minh chứng rõ ràng về thu hút vốn FDI vào Việt Nam nói chung và nguồn vốn từ Mỹ nói riêng. Thực tế hầu hết các tập đoàn đều đã biết rất rõ về kinh tế Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh… Chỉ có điều thời điểm nào đặt trung tâm kinh doanh sản xuất ở Việt Nam sẽ được xem xét từ sau những chuyến đi thực tế cũng như gặp gỡ, trao đổi chi tiết. 

Trong lĩnh vực công nghệ, rất nhiều người Việt ra thế giới hay du học sinh tại Mỹ đã và đang làm việc ở các tập đoàn lớn khá nhiều như Meta (Facebook), Google, Microsoft… Vì vậy, điều kiện quan trọng nhất để thu hút được vốn FDI vào công nghệ cao vẫn là nguồn nhân lực chất lượng. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế chính trị ổn định nằm trong mối quan hệ của Việt Nam trên toàn cầu cũng sẽ là điều kiện để các tập đoàn xem xét đưa ra quyết định đầu tư.

Ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam

Mai Phương - Nguyên Nga (ghi)


"Chúng ta đã từng đặt giấc mơ trở thành trung tâm sản xuất linh kiện máy bay khi có nhiều nhà sản xuất thiết bị cung ứng cho các hãng máy bay thương mại, vũ trụ... vào Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến hoạt động của nhà đầu tư có chậm lại. Với chuyến đi có mặt của những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ… lần này, chứng tỏ Việt Nam có sức hút mạnh. Giấc mơ về một trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay, tàu vũ trụ, công nghệ cao trong tàu thủy… vẫn có thể được "kích hoạt" trở lại",

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích. Ông nhắc lại sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022 diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm ngoái với sự tham dự của 170 đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng an ninh đến từ 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có gian hàng lớn của Lockheed Martin, tập đoàn hàng không vũ trụ, vũ khí, quốc phòng, an ninh thông tin và công nghệ của Mỹ đã tạo sự chú ý. "Một chuỗi thông tin có thể củng cố cho kỳ vọng xây dựng Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị cho các nhà sản xuất máy bay, tàu vũ trụ… Tại sao không?", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng lưu ý với cam kết thuế doanh nghiệp toàn cầu về 15%, cơ hội cho Việt Nam dùng đòn bẩy thu hút đầu tư từ thuế là không có. Thế nên, để phát huy tối đa cơ hội thu hút vốn từ Mỹ, Việt Nam cần cải cách môi trường kinh doanh, dẹp bỏ chi phí ngầm, chi phí phi chính thức. Đào tạo hệ thống công chức sẵn sàng tâm thế để phục vụ, chuyên nghiệp và nói không với tiêu cực.

TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Mekong, nhận xét chính phủ Mỹ đang muốn Việt Nam trở thành đối tác toàn diện trong một số vấn đề liên quan đến kinh tế, thương mại. Trong thực tế, các thiết bị của Boeing được sản xuất tại nhiều nước, Việt Nam nằm trong số đó. 

"Tuy nhiên, chuyến đi này của Boeing khiến tôi quan tâm chiến lược Chính phủ muốn biến vùng Chu Lai thành "hub" bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa máy bay theo định kỳ. Đây là cơ hội lớn để đặt vấn đề sâu hơn trong kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam chuyển hướng được dòng vốn có hàm lượng công nghệ cao trong tương lai gần", ông Tùng hồ hởi. Ngoài ra, về lĩnh vực dịch vụ, 2 tên tuổi Netflix và SpaceX thật ra là nhắm đến thị trường đông, trẻ, nhu cầu giải trí cao của Việt Nam. Họ đến Việt Nam để bán dịch vụ, nhưng nếu có mặt các tên tuổi này, cơ hội cho người có nhu cầu hưởng các dịch vụ cao, hiện đại là rất lớn. Đây cũng là cơ hội để điện ảnh Việt Nam có thể bán, giới thiệu phim của mình ra thế giới.

Thách thức lớn nhất, theo TS Phùng Đức Tùng là Việt Nam chưa sẵn sàng nguồn nhân lực cao cấp đón đầu cho các công nghệ cao liên quan máy bay, tàu vũ trụ… "Ví dụ với SpaceX, doanh nghiệp này cần bán các thiết bị thu nhận internet vệ tinh. Vì vậy, thách thức lớn cho Việt Nam là chúng ta theo đuổi công nghệ internet 4G, 5G, nhưng nếu hệ thống internet được phát từ vệ tinh xuống thì mấy G cũng rất khó cạnh tranh", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.