Đại biểu Quốc hội đề nghị không để Cát Linh - Hà Đông sai hẹn lần thứ 9

Vũ Hân
Vũ Hân
03/11/2020 16:12 GMT+7

Phát biểu tại phiên thảo luận KT-XH sáng 3.11, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị cơ quan chức năng sớm tháo gỡ để đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành cuối năm nay, không trễ hẹn lần thứ 9.

Phát triển đường sắt đô thị là tất yếu và bức bách

Trong phiên thảo luận đầu tiên được phát thanh, truyền hình trực tiếp tại kỳ họp lần này, giữa các mối quan tâm về bão lũ, Covid-19, giải ngân đầu tư công chậm,… đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị cần quan tâm đặc biệt đến đường sắt đô thị - vấn đề cấp bách và lối ra duy nhất cho giao thông đô thị Hà Nội và TP.HCM.
Theo đại biểu Thường, ngay tại thời điểm này, 2 siêu đô thị 10 triệu dân trên đã quá tải hạ tầng, gây nhiều hệ lụy về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân, làm thiệt hại kinh tế và là điểm nghẽn về phát triển bền vững của cả 2 TP.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu trước quốc hội ngày 3.11.2020

Đại biểu Thường dẫn báo cáo của TP.HCM ước thiệt hại từ ùn tắc giao thông hàng năm của TP vào khoảng 6 tỉ USD, tương đương 13% GRDP của TP. Trong khi phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu và đã rất bức bách, thì việc thực hiện vô cùng chuệch choạc. Các dự án đã triển khai nhiều thì chậm tiến độ 10 năm, ít thì dăm năm, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc dư luận, như dự án Cát Linh - Hà Đông, dự án Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Nhổn - ga Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường

Ảnh: Ngọc Thắng

Vẫn theo đại biểu này, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm để các dự án ngay tiếp sau không phải lặp lại các bài học cay đắng này.
Kiến nghị cụ thể với dự án Cát Linh - Hà Đông, dự án được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có nhiều lần chất vấn Bộ GTVT, đại biểu Thường cho biết thời gian vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng GTVT đã trực tiếp làm việc và thành lập Tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc về tiến độ dự án, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục, thẩm quyền, như kết luận của Kiểm toán nhà nước về thanh toán, nghiệm thu an toàn hệ thống.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ chín, không để kéo quá dài, gây bức xúc dư luận.
“Việc khó, nhưng thống nhất quyết tâm cao như chống Covid-19, tôi tin là sẽ thành công”, đại biểu này cho biết, đồng thời lưu ý cần có đánh giá, rút kinh nghiệm các dự án ODA về đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện trong Hiệp định vay ODA, nhất là việc lựa chọn chỉ định tổng thầu.

Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời trước quốc hội về những dự án đường sắt đô thị

Bộ trưởng GTVT: "Chúng tôi cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc"

Cũng theo đại biểu Thường, nếu muốn thoát khỏi những “mảng đặc” mà xe cộ gần như không thể xuyên qua và vận tải công cộng không thể tiếp cận của hiện trạng đô thị Hà Nội và TP.HCM, phát triển đường sắt đô thị phải gắn với quy hoạch đô thị và phát triển đồng bộ.
Trong khi đó, các dự án của Việt Nam đang triển khai hiện nay đặt ra dấu hỏi về tính liên hết, khi mỗi tuyến vay vốn ODA một nước khác nhau, nên công nghệ, tiêu chuẩn cũng khác nhau.
Dẫn ví dụ ngay tại Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, ODA Trung Quốc là một loại thẻ; Nhổn - ga Hà Nội, ODA Pháp là một loại thẻ, tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ODA Nhật lại là một loại thẻ khác, đại biểu Thường nhấn mạnh: “Việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị chỉ hiệu quả cao khi đầu tư toàn tuyến chứ không chỉ đầu tư từng đoạn tuyến và tính kết nối liên thông là rất quan trọng”.
Đại biểu này cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân kiểu thành phố Tokyo để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư tuyến đường sắt đô thị và hưởng lợi từ việc phát triển không gian đô thị, khai thác quỹ đất khu vực nhà ga và dọc các tuyến còn dư địa.
Trao đổi lại ý kiến này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, "qua những dự án hiện nay, thì chúng tôi cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc”.
“Với những ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội, chúng tôi đại diện Bộ GTVT xin tiếp thu, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để những dự án mà chúng ta khởi công mới sẽ tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay”, Bộ trưởng Thể nói, nhưng không trả lời cụ thể về dự án Cát Linh - Hà Đông.
Hệ thống đường sắt đô thị của cả Hà Nội và TP.HCM đều xác định có khoảng 8 tuyến. TP.HCM có tổng chiều dài 220 km, tổng mức đầu tư 25 tỉ USD. Hà Nội là 318 km với tổng mức đầu tư 30 tỉ USD. Hiện có một số tuyến đã và đang được triển khai ở các bước, các giai đoạn khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.