Đại biểu Quốc hội khẩn thiết đề nghị xem xét việc bán vốn nhà máy nước cho nước ngoài

Anh Vũ
Anh Vũ
07/11/2019 12:01 GMT+7

Sau vụ tỉ phú Thái Lan mua 34% cổ phần dự án nước sạch sông Đuống, đại biểu quốc hội đề nghị nhà nước không nên thoái toàn bộ vốn tại lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia và cuộc sống của hàng triệu người dân.

Chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sáng 7.11 tại hội trường, các đại biểu đặt vấn đề về cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có lĩnh vực nước sạch, khi làn sóng thâu tóm, cổ phần hoá diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước. Nhiều nhà máy nước đã được bán vốn và các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài mua lại.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), việc mua bán cổ phần, sáp nhập trong kinh tế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng sẽ làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước. Đặc biệt với các lĩnh vực tối quan trọng, liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, đời sống của người dân như nước, điện… “Bộ trưởng có giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ có chính sách điều tiết làm lành mạnh hoạt động này”, ông Nhân nêu câu hỏi.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Theo ông Nghĩa, nước là vấn đề an ninh quan trọng, thậm chí hơn cả lương thực. Việc thoái vốn toàn bộ 100% rất có vấn đề. “Vừa rồi báo chí đã phản ánh việc tỉ phú Thái Lan mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống lớn nhất Việt Nam. Trước tình  hình cung cấp, cổ phần hoá nước sạch như vừa qua, tôi khẩn thiết đề nghị chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Chúng ta không nên thoái vốn mà giữ cổ phần chi phối”, ông nói và đề nghị bộ Bộ trưởng, Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không nên thoái vốn 100% lĩnh vực nước sạch

Ảnh: QH

Trả lời đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, cổ phần hoá, mua bán và sáp nhập là hiện tượng phổ biến trong kinh tế quốc tế quốc tế hiện nay; phù hợp với xu thế khi Việt Nam đã hội nhập và tham gia những luật chơi chung. Trong đó, có khung khổ pháp luật điều chỉnh, chấp nhận cho phép hoạt động nên sẽ có tác dụng và hiệu quả tích cực như chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về cổ phần hoá cũng như bán vốn nhà nước, theo Bộ trưởng Công thương, đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước trong cải cách nền kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, không chỉ nhắm tới thu nhỏ lại số lượng các doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo ra một thị trường và một thể chế và pháp luật rất thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tiếp cận với các cơ hội của thị trường. Trong suốt thời gian vừa qua, Chính phủ đã đôn đốc, quyết liệt thực hiện việc cổ phần hoá, khẳng định chủ trương nhà nước không can thiệp vào hoạt động của thị trường và không tham gia giữ những lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác có thể tham gia làm được.
Mặc dù đã có một số kết quả tích cực, tuy nhiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận còn nhiều chậm trễ. Ngoài ra, có những trường hợp bị thất thoát thông qua thông qua quá trình cổ phần hoá do thực hiện không đúng quy định hoặc do việc chấp hành không nghiêm, thậm chí do những nguyên nhân không nắm vững cơ sở và quy định của luật pháp. Đối với lĩnh vực nước sạch, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có nguy cơ mất thương hiệu sau cổ phần hoá, Bộ trưởng Công thương cho rằng rất cần tính đến, dù không phải tiếp tục duy trì những thương hiệu của Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước trong những doanh nghiệp này. Việc cổ phần hoá lĩnh vực nước sạch hay lĩnh vực nào cũng phải trên cơ sở của công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của luật pháp. Đây cũng là định hướng lớn mà Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.