“Động lực của tôi chính là người bệnh và gia đình”
Có đam mê học y từ khi còn nhỏ, Trần Thị Hoài Thương đã sớm định hướng được ngành học. Quyết tâm theo đuổi ước mơ, Thương cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả là cô trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, khoa y tế cộng đồng. Đến nay cô là sinh viên năm thứ 4.
Chứng kiến đội y tế đối mặt đợt bùng phát dịch vừa qua với biết bao vất vả, Thương chia sẻ cô không hối hận với quyết định của mình và cho rằng đại dịch giúp cô chuẩn bị một tâm thế làm nghề vững vàng hơn.
Sinh viên ngành bác sỹ y học dự phòng Trường ĐH Y Dược TP.HCM |
NVCC |
Khi dịch bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM hồi tháng 7.2021, Thương tham gia hỗ trợ công tác tại đội truy vết F0 dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).
Trong quá trình truy vết F0, Thương làm theo một quy trình cụ thể: Nhận thông tin F0 và gọi điện truy vết, gọi xác nhận thông tin với F1, làm biểu mẫu điều tra dịch tễ, làm báo cáo hoàn chỉnh. “Chúng tôi làm việc dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo mật thông tin, lắng nghe, thấu hiểu và giải đáp những thắc mắc của người bệnh”, Thương nói.
Ngoài ra, Thương còn tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng trên bệnh nhân Covid-19 của Trường ĐH Y Dược TP.HCM. “Tôi có nhiệm vụ trực đường dây nóng, nhận người bệnh bị lây nhiễm Covid-19 từ cộng đồng, đồng thời hỗ trợ tư vấn về thuốc và những tiêu chuẩn để sử dụng thuốc”, Thương cho biết.
Trần Thị Hoài Thương, nữ sinh mê học y từ khi còn nhỏ |
NVCC |
Thương cho biết thêm hiện tại cô tiếp tục tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 của thuốc S-217622 trên người mắc Covid-19 do Trường ĐH Y Dược TP.HCM chủ trì.
“Động lực của tôi chính là người bệnh và gia đình. Tôi nhớ nhất có một bệnh nhân Covid-19 sau khi tôi điều tra dịch tễ xong đã nhắn tôi là “Lâu lâu mình có thể nhắn tin cho bạn được không, nói chuyện với bạn giúp mình cảm thấy khỏe hơn rất nhiều”, rồi những câu chúc như “Chúc cho bạn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Những lời nói đó giúp cho mình thêm dũng khí và mạnh mẽ hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thương chia sẻ.
Củng cố thêm tinh thần mạnh mẽ, bình tĩnh
Trần Nhật Phương Anh (quê Lâm Đồng) chọn học ngành bác sĩ y học dự phòng (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) theo định hướng của gia đình. Ban đầu, cô chưa rõ về ngành này nên đôi lúc muốn đổi ngành học khác. Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó, nữ sinh cảm thấy ngành y học dự phòng phù hợp với tính cách của bản thân nên cô quyết định theo đuổi đến tận bây giờ.
Trải qua 6 năm với hơn 80 môn học, Phương Anh trau dồi kỹ năng chuyên môn, mạnh mẽ hơn, tôi luyện sự kiên nhẫn, bình tĩnh trước mọi việc. Những đợt bùng phát dịch vừa qua càng củng cố hơn tinh thần ấy. Khi địa phương ở quê triển khai chương trình tiêm vắc xin cho toàn dân và đang thiếu nhân lực, Phương Anh không ngần ngại đăng ký tham gia.
Trần Nhật Phương Anh, nữ sinh Trường ĐH Y Dược TP.HCM |
NVCC |
Cô làm việc tại trạm y tế phường 9 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) với khoảng 3 điểm tiêm chủng. Phương Anh được phân công lấy sinh hiệu cho người dân, những lúc đông quá cô kiêm luôn điều phối, đôi khi hỗ trợ các bác sĩ khám sàng lọc, lúc thì tranh thủ dọn dẹp...
Phương Anh tham gia tình nguyện từ tháng 10 - 11.2021. Khi các chương trình tiêm chủng đợt 2 tại địa phương đã triển khai gần xong, cô nhận được thông báo quay lại trường chuẩn bị học trực tiếp.
“Tuy thời gian làm tình nguyện ngắn ngủi nhưng mình đã học hỏi được nhiều điều về cả chuyên môn lẫn kỹ năng, gặp được nhiều anh chị y tế tuyến cơ sở, công an, dân quân và biết được tất cả mọi người đang dốc sức mình để đẩy lùi dịch Covid-19”, Phương Anh chia sẻ.
Bình luận (0)