Đại dịch tiếp theo có thể xuất hiện từ sông băng tan chảy

19/10/2022 10:30 GMT+7

Nghiên cứu mới cho thấy đại dịch tiếp theo có thể không xuất phát từ những loài trung gian truyền bệnh như dơi hay chim, mà từ vật chất trong các sông băng đang tan chảy.

Phân tích về vật liệu di truyền trong đất và trầm tích ở hồ Hazen, hồ nước ngọt lớn nhất vùng Bắc cực về dung tích, cho thấy nguy cơ vi rút lần đầu nhảy sang vật chủ mới có thể cao hơn tại các khu vực gần các sông băng đang tan chảy, theo báo The Guardian ngày 19.10.

Hồ Lazen ở phía bắc Canada

chụp màn hình cbc

Phát hiện ngụ ý rằng khi nhiệt độ toàn cầu gia tăng do biến đổi khí hậu, nhiều khả năng vi rút và vi khuẩn bị nhốt trong sông băng và băng vĩnh cửu có thể tái sinh và lây nhiễm cho động vật hoang dã địa phương, đặc biệt khi phạm vi hoạt động của chúng cũng dịch chuyển tới gần các cực hơn.

Ví dụ, vào năm 2016, một đợt bùng phát bệnh than ở miền bắc Siberia được cho là xuất phát từ việc nắng nóng làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu và làm lộ ra xác một con tuần lộc bị nhiễm bệnh. Đợt bùng phát bệnh than gần nhất trước đó tại khu vực này là vào năm 1941.

Để hiểu rõ hơn về nguy cơ do vi rút trong băng gây ra, nhà nghiên cứu Stéphane Aris-Brosou và các đồng nghiệp của bà tại Đại học Ottawa ở Canada đã thu thập các mẫu đất và trầm tích từ hồ Hazen, gần nơi mà nước từ các sông băng địa phương chảy vào.

Tiếp theo, họ giải trình tự ARN và ADN trong các mẫu này để xác định các dấu hiệu trùng khớp chặt chẽ với các vi rút đã biết, cũng như các vật chủ tiềm năng là động vật, thực vật hoặc nấm, đồng thời chạy một thuật toán đánh giá khả năng những vi rút này lây nhiễm cho các nhóm sinh vật không liên quan.

Tỉ phú Bill Gates dự đoán gì về đại dịch tiếp theo?

Nghiên cứu được công bố trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B cho rằng nguy cơ vi rút nhảy sang vật chủ mới cao hơn ở những địa điểm gần nơi nước sông băng chảy vào - hiện tượng ngày càng phổ biến hơn khi khí hậu ấm lên.

Nhóm nghiên cứu không nêu có bao nhiêu loại vi rút mà họ xác định là những loại trước đây chưa được biết đến - họ dự định sẽ làm việc này trong những tháng tới - cũng như không đánh giá liệu những vi rút này có khả năng truyền nhiễm hay không.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác gần đây đã gợi ý rằng những loại vi rút chưa được biết đến có thể tồn tại dai dẳng bên trong khối băng. Chẳng hạn, năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio, Mỹ, thông báo họ đã tìm thấy vật liệu di truyền từ 33 loại vi rút - 28 trong số đó là những loại mới - trong các mẫu băng lấy từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc. Dựa trên vị trí của chúng, họ ước tính các vi rút này có tuổi đời khoảng 15.000 năm.

Năm 2014, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia ở Aix-Marseille, Pháp, đã tìm cách hồi sinh một loại vi rút có kích thước lớn mà họ phân lập được từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, khiến nó có thể lây nhiễm trở lại lần đầu tiên sau 30.000 năm. Tác giả của nghiên cứu, Jean-Michel Claverie, nói với BBC vào thời điểm đó rằng việc để lộ ra những lớp băng như vậy có thể là "công thức dẫn đến thảm họa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.