Doanh nghiệp ngoại được miễn, giảm nhiều loại thuế phí
Về ưu đãi thuế, DN FDI được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo và có thể lên đến 4 năm nếu đạt nhiều tiêu chuẩn khuyến khích đầu tư. Đối với trường hợp đặc biệt khuyến khích đầu tư, thời gian miễn thuế cho DN FDI lên đến 8 năm.
Đến nay sau nhiều lần chỉnh sửa, khối FDI vẫn được áp dụng thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường, đồng thời được miễn, giảm thuế TNDN trong nhiều năm sau đó. Chưa kể miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư...
Cụ thể, DN ngoại khi đầu tư vào các địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao được miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 9 năm tiếp theo; được áp dụng thuế TNDN là 10% trong 15 năm từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế. Các DN FDI khác được miễn thuế TNDN 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 4 năm tiếp theo. Đồng thời được áp dụng thuế TNDN 17% trong thời hạn 15 năm. Bên cạnh đó, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong vòng 3 - 15 năm kể từ ngày dự án đưa vào hoạt động. Riêng dự án nông nghiệp được miễn tiền sử dụng đất cho các dự án đặc biệt ưu đãi hoặc giảm từ 50 - 70% tiền sử dụng đất...
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa và cao su TP.HCM, chính sách thuế cho DN FDI và DN nội đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn nhiều bất cập, không bình đẳng. Đơn cử, luật Thuế xuất nhập khẩu, DN nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế, số này tập trung gần 100% là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, DN trong nước cũng cung cấp linh kiện cho các tập đoàn điện tử nước ngoài đang có nhà máy sản xuất tại VN như Samsung, Canon, Toyota, Honda, LG… lại không được hưởng thuế ưu đãi dù sản phẩm cũng xuất đi.
“Cách thu hút vốn đầu tư qua hình thức hạ thấp thuế TNDN và dành nhiều ưu đãi thuế cho DN FDI đã khiến DN nội địa thiệt thòi đơn lẫn kép, không khiến kinh tế tư nhân, đặc biệt nhóm DN vừa và nhỏ trong nước mạnh hơn để cạnh tranh”, ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.
Xóa ưu đãi tràn lan
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương, phân tích: Với mong muốn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài nên các chính sách ưu đãi nhiều lần thay đổi, bổ sung đều theo xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, việc mở rộng quyền cấp phép đầu tư cho các địa phương dẫn đến việc chạy đua thu hút vốn đầu tư. Nhiều tỉnh, thành đưa ra những ưu đãi tăng thêm như miễn giảm tiền thuê đất trong suốt vòng đời dự án thay vì một thời gian nhất định; có địa phương dễ dãi, bỏ qua các tiêu chí thẩm định về tiêu chuẩn đối với môi trường…
Chính sách ưu đãi đó đã tạo ra những lợi thế lớn cho các DN nước ngoài vốn đã mạnh về tài chính và năng lực hoạt động. Ngược lại khối DN tư nhân trong nước, những công ty non trẻ mới ra đời với nguồn vốn ít ỏi, non kém về năng lực điều hành đã không thể nào đủ sức cạnh tranh được.
“Chính sách ưu đãi của chúng ta thời gian qua quá dàn trải, chồng chéo nhưng lại không bình đẳng cho DN trong nước. Vì vậy chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo, cẩn trọng trong thu hút FDI. Đặc biệt trong nghị quyết của Bộ Chính trị có lưu ý đến vấn đề an ninh quốc phòng, cần xem xét các dự án đầu tư FDI ở vị trí nào, trong những ngành nghề nào cũng phải thận trọng hơn. Hơn nữa, đầu tư nước ngoài có thể một ngày nào đó họ sẽ dừng hoạt động, rút vốn nên chúng ta không thể quá lệ thuộc vào dòng vốn này. Quan trọng nhất là phải tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho mọi DN trong và ngoài nước, để các công ty trong nước không cảm thấy bị chèn ép ngay tại chính thị trường nội địa”, TS Lê Đăng Doanh nói.
PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), cho rằng: Không nên quá tập trung vào chính sách ưu đãi thuế mà cần hướng nhà đầu tư đến một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp, kể cả chi phí chính thức và phi chính thức. Tức là hệ thống thuế minh bạch, công bằng, hiệu quả, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Ưu đãi thuế TNDN rộng và dàn trải khiến ngân sách thu giảm. Chính việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế TNDN khiến chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý. Đây là căn nguyên tạo tình trạng chuyển giá.
Vì vậy, PGS-TS Lê Xuân Trường đề nghị cần thu hẹp diện ưu đãi thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế TNDN. Chỉ nên tập trung ưu đãi thuế đối với một số ít ngành, lĩnh vực rất quan trọng theo chính sách phát triển của nhà nước. Đồng thời nên giảm bớt đối tượng được áp dụng hình thức miễn thuế, giảm thuế TNDN có thời hạn và giảm bớt thời gian miễn thuế, giảm thuế. Thay vào đó, áp dụng một số hình thức ưu đãi thuế phù hợp hơn và đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công như giảm trừ nghĩa vụ thuế hoặc giảm trừ thu nhập chịu thuế theo quy mô thực hiện của dự án đầu tư, cho phép tính vào chi phí hơn mức thực chi đối với một số hoạt động mà nhà nước cần khuyến khích như chi cho nghiên cứu phát triển.
Bình luận (0)