Đại sứ Phạm Sanh Châu: Áo dài nam tạo dấu ấn riêng của Việt Nam trong đối ngoại

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
11/09/2020 08:00 GMT+7

Trong khi dư luận đang tranh cãi việc nam cán bộ, công chức ở Thừa Thiên - Huế mặc áo dài, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã có những chia sẻ về chiếc áo dài nam dưới góc độ ngoại giao.

Trước việc nam cán bộ, công chức Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân gây nhiều ý kiến tranh cãi, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan - Phạm Sanh Châu, dưới góc nhìn của nhà ngoại giao đã có những chia sẻ dành cho Thanh Niên.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trong trang phục áo dài truyền thống

Ảnh do Đại sứ quán cung cấp

* Thưa Đại sứ Phạm Sanh Châu, được biết ông là người tiên phong trong việc mặc áo dài nam trong các dịp lễ trọng về ngoại giao, ông nhìn nhận như thế nào về sự quan trọng của trang phục truyền thống?
- Đại sứ Phạm Sanh Châu: Cá nhân tôi là một người tiên phong quảng bá áo dài nam trong các hoạt động đối ngoại. Điều đó xuất phát từ nhu cầu công tác và vì chúng ta muốn xây dựng một bản sắc Việt Nam. Có nhiều yếu tố để tạo nên bản sắc và đối với nhà ngoại giao, bản sắc đầu tiên để người ta nhận diện được chính là trang phục.
Thông thường các nhà ngoại giao sẽ mặc comple caravat hoặc các loại áo truyền thống của họ. Với các nhà ngoại giao nữ Việt Nam thì áo dài đã nổi tiếng rồi, ai cũng biết, nhưng đối với nhà ngoại giao nam thì chưa có quy định và thông lệ. Vì thế, nếu áo dài nam được mặc vào các dịp lễ trọng thì nó vừa tạo ra dấu ấn riêng của Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước vừa làm cho người mặc áo dài phải cư xử tốt hơn để thực hiện tốt nhất tính đại diện của Việt Nam.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (bìa phải) và phu nhân chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà vua Bhutan

ảnh do Đại sứ quán cung cấp

Đương nhiên trong hoạt động đối ngoại áo dài cả nam và nữ không phải lúc nào cũng mặc. Bởi vì mặc nhiều quá sẽ mất đi tính trang trọng, sẽ nhàm chán và trong sinh hoạt bình thường cũng vướng víu. Do đó, với các nhà ngoại giao Việt Nam nên mặc áo dài vào các thời điểm thích hợp, ví dụ như các dịp trình quốc thư; diện kiến nhà vua, tổng thống, thủ tướng các nước hay dự một nghi lễ ngoại giao, những sự kiện quốc tế quan trọng để định vị mình là ai.
Qua thực tế mặc áo dài trong các nghi lễ ngoại giao vừa qua, tôi nhận thấy đã tạo ra hiệu ứng rất tốt, các bạn quốc tế đánh giá rất cao, không thấy người nào chê bai hay góp ý mà họ đều cảm phục thêm về dân tộc chúng ta. Không phải tôi chỉ mặc ở Ấn Độ mà tôi từng mặc ở Bỉ, Pháp… trong các hội nghị, ở đâu cũng đều được báo chí chú ý, họ bắt vào hình ảnh của mình ngay.
Tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ, ai cũng có một bộ áo dài truyền thống và quy định rất rõ là một năm mặc vào 3 dịp: tết cổ truyền, chiêu đãi Quốc khánh, dịp Vu lan. Nhiều người chia sẻ rằng chưa bao giờ thấy ở Đại sứ quán Việt Nam nào lại có một hình ảnh ấn tượng đến như vậy. Và đồng phục trong chiếc áo dài sẽ tạo ra một sức mạnh lớn về văn hóa và bản sắc.
* Thưa Đại sứ, với hoạt động ngoại giao thì hiệu quả của việc mặc áo dài đã tạo được hiệu ứng tốt về quảng bá hình ảnh đất nước, vậy còn việc khôi phục áo dài cho nam giới ở công sở Huế đang gây tranh cãi hiện nay, ông đánh giá như thế nào?
- Nhiệm vụ của Sở VH - TT Thừa Thiên- Huế là quảng bá văn hóa Huế thì họ mặc là đúng. Các đồng chí lãnh đạo khi tiếp khách quốc tế, khi tổ chức lễ dâng hương mặc áo dài là hợp. Tuy nhiên không phải lúc nào và ở đâu cũng mặc áo dài mà quan trọng là mặc đúng nơi, đúng lúc. Ngay cả ở châu Âu, nhiều loại trang phục họ may nhưng cũng chỉ mặc vài lần trong một năm. Do đó, áo dài cũng phải nên nhìn nhận như vậy. Những người nào có chức năng, nhiệm vụ quảng bá đất nước, thì cần phải mặc. Ăn là ăn cho mình, nhưng mặc là cho người khác nhìn vào, mặc là vì hình ảnh và lợi ích của đất nước.
Tôi nhớ đến bạn Saurav - hướng dẫn viên của chúng tôi khi đến du lịch ở Bhutan. Khi đi hướng dẫn chúng tôi, bạn mặc váy và áo choàng dân tộc của Bhutan. Sau khi hết giờ làm, bạn lại mặc quần jeans và áo phông. Tôi hỏi tại sao phải làm thế, bạn ấy nói quy định của Bhutan là trong giờ làm việc phải mặc trang phục quốc gia.
Bên cạnh đó còn có những người yêu và mặc áo dài để đi chơi như thành viên câu lạc bộ Đình Làng Việt của chúng tôi. Đó là tình yêu đối với áo dài vì chúng tôi thấy nó đẹp và trang nhã, thể hiện cốt cách dân tộc.

"Năm 2018, tôi lên đường làm Đại sứ tại Ấn Độ, Nepal và Bhutan, mang theo một vali đủ loại áo dài. Hôm trình quốc thư lên nhà vua Bhutan, vua mặc trang phục Bhutan thì tôi là đại sứ duy nhất trong 6 đại sứ trình quốc thư cùng đợt đó là mặc áo dài dân tộc. Tôi nổi bật trong số các vị đại sứ và cũng được đức vua khen ngợi, vì Bhutan rất coi trọng bản sắc dân tộc, quy định bắt buộc tất cả nam nữ, già trẻ phải thường xuyên mặc trang phục dân tộc. Trong hoàn cảnh đó, khi tôi mặc áo dài nam truyền thống, họ tỏ rõ sự thân thiện vì thấy hai nước đều coi trọng bản sắc văn hóa"

Đại sứ Phạm Sanh Châu

Nam cán bộ, công chức ngành văn hóa tại Thừa Thiên- Huế trong trang phục áo dài ngũ thân

Ảnh: V.T.H

Quay trở lại câu chuyện Sở VH-TT Thừa Thiên- Huế tổ chức cho cán bộ, công chức nam mặc áo dài, tôi rất thích những bức ảnh các nam công chức mặc áo dài ngũ thân vì rất đẹp. Việc Thừa Thiên - Huế mạnh dạn tổ chức cho cán bộ, công chức ngành văn hóa mặc áo dài nam ngũ thân thể hiện tính sáng tạo, đổi mới. Nếu như Huế không có tư tưởng đổi mới, sáng tạo thì làm sao có được Festival Huế ghi dấu ấn lớn như bây giờ.
Việc đổi mới này cũng đầy khó khăn và dễ gây tranh cãi. Vì vậy, trước tiên cần phải biểu dương tinh thần đổi mới. Hơn nữa, đổi mới về văn hóa và quay trở lại truyền thống thì không có nơi nào làm phù hợp hơn Huế cả. Bởi vì Huế là kinh đô một thời, nơi kết tinh và còn lưu giữ đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ tư từ phải sang) trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng các bạn trẻ Bhutan

Ảnh: NVCC

Việc nam cán bộ, công chức mặc áo dài như thế có phù hợp hay không, theo tôi còn tùy thuộc vào nhu cầu và lĩnh vực công tác. Họ cũng cần tính xem có thấy thuận lợi trong công việc hay không. Nhưng nếu đã là áo dài thì cũng nên thống nhất chọn áo dài ngũ thân, chứ đừng có người mặc áo dài ngũ thân, người lại mặc áo dài khăn đóng, áo đồng tiền chen vào thì sẽ không đẹp vì không đồng nhất.
Nếu như một ngày nào đó, tất cả những người ở Huế đều mặc áo dài nam và Huế tràn ngập hình ảnh áo dài nam thì cũng sẽ thu hút được một lượng du khách và người ta đến Huế để tìm hiểu văn hóa nhiều hơn. Huế từng là kinh đô, từng có truyền thống mặc áo dài trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử thì việc khôi phục truyền thống này cũng là điều rất nên làm. 
* Xin cảm ơn Đại sứ Phạm Sanh Châu về cuộc trao đổi thú vị xoay quanh chiếc áo dài.
   
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.