Đảm bảo an toàn thực phẩm

28/12/2024 06:23 GMT+7

An toàn thực phẩm là vấn đề luôn được đặc biệt quan tâm bởi nó sát sườn với bữa ăn từng giờ, từng ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi. Vấn đề này càng được quan tâm hơn khi cái tết cận kề.

Gần đây liên tục xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm, như hôm 21.12, sau khi ăn bánh canh cá lóc và uống rượu, 4 người ở Bà Rịa-Vũng Tàu có triệu chứng ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, trong đó có người ngưng tim, ngưng thở.

Trong số những vụ ngộ độc, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm năm nay có những vụ khiến hàng trăm người phải nhập viện. Như vụ gần 380 người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì, xôi tại một tiệm ở Bà Rịa-Vũng Tàu, xảy ra hồi cuối tháng 11; vụ hơn 240 công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại một công ty ở Vĩnh Long hồi tháng 8; vụ hơn 300 người ở Long Khánh (Đồng Nai) bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu sau ăn bánh mì do một cơ sở cung cấp vào tháng 5 hay vụ ngộ độc thực phẩm sau khi dùng món cơm gà ở Nha Trang (Khánh Hòa) khiến hơn 360 người phải nhập viện cấp cứu vào tháng 3.2024...

Đáng chú ý, hôm 24.12, cơ quan chức năng của Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can dùng chất kích thích để sản xuất giá đỗ. Mỗi ngày các cơ sở này cung cấp ra thị trường cả chục tấn giá đỗ. Trong đó có cơ sở cung cấp hàng trăm ký giá đỗ/ngày cho một hệ thống bán lẻ khá quen thuộc để rồi nó được dán nhãn mác "không hóa chất, không chất kích thích..."!

Cơ quan chức năng cũng liên tục phát hiện, xử phạt, thậm chí xử lý hình sự những người dùng chất kích thích tăng trưởng độc hại để sản xuất giá đỗ, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Như hồi giữa tháng 10, Công an TP.Quảng Ngãi đã khởi tố 2 bị can là chủ 2 cơ sở sản xuất giá đỗ dùng chất kích thích tăng trưởng...

Những vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính thể hiện qua các triệu chứng còn thấy được. Đáng ngại hơn là ngộ độc mạn tính, bởi những hóa chất độc hại từ các thực phẩm không an toàn, từng ngày âm thầm giết chết cơ thể, làm ảnh hưởng đến tương lai giống nòi.

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của nhà sản xuất, kinh doanh, cơ quan quản lý, và cả ý thức người tiêu dùng, nó cần được thực hiện xuyên suốt từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến vận chuyển, mua bán, chế biến và bảo quản, tiêu dùng. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh và cơ quan quản lý đặc biệt quan trọng. Nếu người sản xuất, kinh doanh không trung thực thì sẽ làm hỏng quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm như nói trên, người tiêu dùng khó mà phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn. Chưa nói, đó còn là đạo đức trong kinh doanh. Cơ quan quản lý, chức năng làm việc chiếu lệ sẽ không thể phát hiện sai phạm, đề ra các giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa mối nguy cho xã hội. Vì thế, bên cạnh công tác tuyên truyền, cần kiểm tra, giám sát tốt hơn, có mức chế tài và hình thức xử phạt phù hợp thực tiễn, thậm chí mạnh tay xử lý hình sự hành vi vi phạm như những vụ sản xuất giá đỗ nói trên. Người tiêu dùng khi phát hiện cơ sở, sản phẩm vi phạm, cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn hành vi vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.