Sáng 28.9, UBND, Công an phường Hoàng Liệt đã mời các phòng ban của quận Hoàng Mai (Hà Nội) cùng đối thoại với đại diện hơn 10 toà chung cư trên địa bàn do các công ty thuộc Tập đoàn Mường Thanh xây dựng, bởi suốt 1 tuần qua, những hộ dân sinh sống trong chung cư VP6 - một trong những tòa "chung cư ông Thản" đã căng băng rôn đỏ rực bên ngoài ban công để đòi "sổ hồng".
"Chiến dịch" đòi "sổ hồng" của cư dân "chung cư ông Thản" đang có dấu hiệu lan sang nhiều tòa chung cư do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư.
Công an tạm giữ xe chở băng rôn đòi "sổ hồng"
Đây là buổi đối thoại thứ 2 trong chưa đầy một tuần qua do UBND phường Hoàng Liệt chủ trì nhằm giải quyết “rừng băng rôn” có nội dung yêu cầu chủ đầu tư phải “trả sổ hồng” cho cư dân mà cư dân "chung cư ông Thản" đã treo lên khắp các ban công toà nhà VP6 Linh Đàm (phường Hoàng Liệt).
Đáng chú ý là, trong khi UBND phường đã tích cực vận động người dân VP6 tháo băng rôn nhưng bất thành thì câu chuyện Công an Phường Hoàng Liệt vào chiều qua (27.9) đã tạm giữ một xe máy chở băng rôn được cho là do cư dân HH1A đặt hàng, bỗng thành tâm điểm buổi đối thoại sáng nay.
Câu hỏi mà đại diện toà nhà HH1A đặt ra là việc người dân (nếu) treo băng rôn đòi "sổ hồng" cho cư dân với nội dung như trên thì có phạm pháp không? Xe máy chở băng rôn bị tạm giữ với lý do chưa có hoá đơn chứng từ có hợp lý không? Và có văn bản, quy định nào về tính mỹ quan nếu treo băng rôn không?
Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng Công an phường Hoàng Liệt cho biết, sau khi đưa xe máy chở hàng về công an phường kiểm tra thì phát hiện xe này chở toàn băng rôn và chiếu theo thông tư 116 năm 2013 (đúng ra là Thông tư 166/2013 về hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về thuế - PV) thì hàng hoá có giá trị 200.000 đồng trở lên phải có hoá đơn chứng từ. “Do vậy, chúng tôi tiếp tục giữ hàng để làm rõ nguồn gốc chứ công an chưa bắt ai cả”, ông Thái nói. Ngoài ra, ông Thái cho rằng người dân treo băng rôn là mất mỹ quan và nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, khiến an ninh trật tự khu vực có thể phức tạp thêm.
Để làm rõ về vấn đề mỹ quan, ông Nghiêm Xuân Chinh, Chủ tịch UBND phường cho hay đã mời đại diện Phòng Văn hoá quận đến để trao đổi với người dân. Tuy nhiên, cán bộ của Phòng Văn hoá đã không có mặt, tương tự như đại diện của các phòng ban khác, ngoại trừ Phó ban Tuyên giáo Quận uỷ Hoàng Mai.
Lãnh đạo Mường Thanh nói gì về việc "phường mời nhưng không đến"?
Cũng như lần đối thoại cách đây gần một tuần, ông Chinh tiếp tục nói rằng, chính quyền chia sẻ với nỗi bức xúc nhất của người dân vì chưa được cấp "sổ hồng", song theo ông, đây là nhiệm vụ của chủ đầu tư (Tập đoàn Mường Thanh, hoặc Công ty xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên) làm việc với Văn phòng đăng ký đất đai của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, chứ không phải trách nhiệm, thẩm quyền của phường và quận.
“Chúng tôi đã rất đôn đốc, và đã nhiều lần mời lãnh đạo của doanh nghiệp đến, cũng như mời tham gia buổi đối thoại hôm nay, song các lãnh đạo của doanh nghiệp đều không có mặt. Từ ngày tôi về phường cũng chưa được gặp họ”, ông Chinh nói.
Sáng cùng ngày, để làm rõ các thông tin trên, phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với ông Đinh Quốc Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh. Ông Thắng cho hay, vấn đề tham gia các buổi làm việc của phường hay các buổi đối thoại với cư dân thì “doanh nghiệp có cử đại diện tham gia theo lời mời, nhưng là ở cấp dưới các xí nghiệp”. Về vấn đề trách nhiệm làm hồ sơ để trình Văn phòng đăng kí đất đai cấp "sổ hồng" cho dân, ông Thắng chỉ nói ngắn gọn “chưa nghe thông tin và sẽ cho kiểm tra, thông báo lại”.Tại buổi đối thoại, đại diện các toà nhà HH1A, HH4B, HH2A, VP6 cũng muốn chính quyền chuyển kiến nghị đến TP.Hà Nội về phương án xử lý các sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh và số phận các căn hộ sai phép, như các căn hộ vượt tầng so với giấy cấp phép; sai mục đích được duyệt thì liệu có được cấp sổ không; căn hộ xây đúng quy định thì thế nào?... Có ý kiến cũng đề nghị UBND phường và đại diện quận chuyển nguyện vọng của người dân được đối thoại với lãnh đạo TP. Hà Nội vì phường và quận khẳng định nhiều nội dung vượt thẩm quyền của hai cấp này.
Trong khi đó, ông Vũ Thắng, Trưởng ban đại diện lâm thời toà VP6 cho hay, theo công bố của phường tại buổi đối thoại tuần trước thì TP.Hà Nội đã lập tổ công tác liên ngành do lãnh đạo Sở Xây dựng làm tổ trưởng để xử lý các vấn đề liên quan đến xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh và tổ này đã họp vào ngày 24.9. Vậy kết quả ban đầu thế nào, hướng giải quyết, lộ trình sắp tới ra sao là điều người dân rất muốn được thông tin.
Kết luận buổi đối thoại, ông Nghiêm Xuân Chinh cho biết, biên bản buổi làm việc sẽ được phường gửi báo cáo quận để quận xem xét báo cáo TP.Hà Nội. Còn đại diện người dân cho hay, họ không thể vận động các hộ dân tháo băng rôn vì đây là việc làm hợp pháp và tự mỗi người dân thực hiện chứ không có tổ chức.
Trước đó, vào tối 23.9, một ngày sau buổi đối thoại đầu tiên, UBND Phường Hoàng Liệt đã tổ chức tổ công tác đến từng nhà dân toà chung cư VP6 để vận động người dân tháo băng rôn. Thế nhưng kết quả gần như ngược lại, số băng rôn ở các ban công không những không được tháo xuống mà đã tăng lên theo cấp số nhân.
Trong khi đó, một số đại diện các toà "chung cư ông Thản" cạnh đó cũng đã lên kế hoạch đặt hàng, in ấn băng rôn để treo ngoài ban công. Số băng rôn được cho là do cư dân HH1A đặt đã bị công an phường tạm giữ ngày 27.9.
Bình luận (0)