Dân lập chốt, mua thuyền chống 'cát tặc'

26/06/2017 08:30 GMT+7

Người dân thôn Tân Thắng (xã Thái Tân, H.Nam Sách, Hải Dương) tự mua thuyền, lập chốt canh... chống 'cát tặc'

Trước nạn "cát tặc" hoành hành suốt 10 năm qua ở bãi bồi sát đê tả sông Thái Bình, người dân thôn Tân Thắng (xã Thái Tân, H.Nam Sách, Hải Dương) đã lập chòi canh, góp tiền mua thuyền, cắt cử người ứng trực để giữ đất, giữ đê.
Dựng chòi canh gác “cát tặc”
Những ngày cuối tháng 6, bãi màu ven bờ đê tả sông Thái Bình nhuộm một màu vàng úa của những cây ngô đã thu hoạch hết bắp. Trên đường dẫn chúng tôi xuống chòi canh chống “cát tặc” của thôn Tân Thắng nằm ở bãi màu, cách mép sông vài mét, một thanh niên trong thôn chỉ vào điện thoại cho xem hình ảnh hàng cột điện bị lở theo đất xuống sông và cho biết người dân phải dựng lại hàng cột điện này 3 lần. Những lần trước, cứ dựng cột điện lên được một thời gian thì lại bị sông “nuốt” mất.
Bãi bồi nham nhở vì đất lở xuống sông sau khi bị hút trộm cát Ảnh: Lê Tân
Tại chòi canh, chúng tôi gặp ông Phạm Văn Hiển, trưởng thôn và ông Phạm Ngọc Trước, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thắng. Chỉ tay về dải đất màu đang bị sông “ăn” mòn, ông Hiển bắt đầu kể về việc bắt tàu hút trộm cát hôm 4.6. Theo ông Hiển, khi đó bên kia sông, phía H.Lương Tài (Bắc Ninh), 6 tàu hút cát buông neo nằm chờ. Cách đó khoảng 200 m, ông Phạm Văn Cổn, thành viên đội chống "cát tặc" của thôn, đang ngồi câu cá trên bè nuôi thủy sản của một người bà con để “trinh sát”. Đến khoảng 22 giờ, ông Cổn thấy 1 chiếc tàu từ từ tiến sát vào bãi bồi. Khi tàu còn cách chòi canh khoảng 200 m, nhận ra tàu hút trộm cát, ông vội gọi điện báo tin cho ông Hiển. “Để tôi thám thính trước cho chắc, các anh báo anh em ra chòi chuẩn bị tinh thần”, ông Hiển dặn mọi người rồi nhẹ nhàng luồn vào ruộng ngô.
Hàng cột điện trên bãi bồi bị cuốn theo đất đổ xuống sông (ảnh chụp tháng 11.2016) Ảnh do người dân cung cấp
Lúc này, đã có gần 20 người trong đội chống "cát tặc" tập trung tới chòi canh một cách trật tự và lặng lẽ. Đây cũng là "chiến thuật" mà ông Hiển thường xuyên phổ biến cho các thành viên của đội. Theo đó, đội sẽ chờ thêm khoảng 15 phút để tàu hút cát khá "no" khoang, nặng tàu, rồi mới ập tới, thì tàu sẽ khó lòng mà bỏ chạy nhanh được.
Khoảng 22 giờ 20 phút ngày 4.6, ông Hiển gọi điện thoại về, nói mọi người bắt đầu hành động. Ngay lập tức, các thành viên của đội gồm ông Sức, ông Vũ, ông Tuyên, ông Thuyên, ông Ngư và ông Khanh nhanh chóng xuống thuyền, nổ máy và chạy ra áp sát tàu hút cát trộm. Phát hiện thấy có người của thôn Tân Thắng lên tàu, 2 người trên tàu hút cát vội lao xuống sông, bơi về phía H.Lương Tài để trốn. Tàu vẫn nổ máy, trôi về phía bè thủy sản mà ông Cổn đang đứng. Lúc này, gần 200 người trong thôn nghe tin bắt được tàu hút cát trộm đã ùa ra bãi màu. Khi kéo tàu về gần chòi, bỗng xuất hiện một người đàn bà tên Phương (ngụ tại xã Thượng Đạt, TP.Hải Dương) tự xưng là chủ tàu đến chửi bới, đòi tàu nhưng không được.
Cả làng phải bỏ việc để giữ đất
Dân chúng tôi chỉ mong yên ổn làm ăn chứ ai muốn lập "chiến lũy" như thế này đâu. Nhưng để giữ đất, cả làng phải bớt thời gian lao động, thức đêm, thức hôm để làm công việc bất đắc dĩ này.
Ông Phạm Ngọc Trước, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thắng
Theo lời kể của người dân trong thôn, ngày 8.6, có một nhóm thanh niên lạ mặt xăm trổ đầy người, đi 4 xe taxi vào làng tìm nhà ông Trước đe dọa. “Khi bắt tàu, chúng tôi tin chắc "cát tặc" sẽ rất tức giận và có hành động trả đũa. Nên khi thấy người lạ là dân làng rất cảnh giác. Nhóm người lạ mặt vừa tiếp cận cửa nhà ông Trước buông lời chửi bới thì dân làng kéo ra rất đông khiến chúng phải bỏ đi. Đến đêm 19.6, nhà con trai ông Trước ở TT.Nam Sách bỗng nhiên bị tẩm xăng đốt cửa. Sự việc đã được Công an H.Nam Sách thụ lý điều tra”, ông Hiển nói.
Bị đe dọa là vậy nhưng ông Trước vẫn quyết tâm: “Nguy hiểm cũng phải làm tiếp, không thì mất hết. Cả con đê này cũng sẽ không còn đâu, đứng nhìn sao được".
Theo người dân, tàu đêm 4.6 đã là tàu hút trộm cát thứ 3 bị xử lý. “Trên thực tế, nạn "cát tặc" đã hoành hành ở khúc sông này hơn 10 năm rồi, nhiều diện tích đất của chúng tôi đã biến mất hoàn toàn. Đến đê quốc gia cũng đang bị đe dọa. Tất cả chỉ bởi tại "cát tặc". Ngày chưa có chòi, có thuyền, dân mình đứng trên bờ nhìn dưới sông nó hút cát mà bất lực. Khi lực lượng của xã, của huyện đến thì chúng cho tàu chạy qua bên kia sông là chịu, không làm gì được”, ông Hiển cho biết.
Không thể bất lực nhìn đất đai bị mất, tháng 11.2016, cả thôn họp nhau lại, góp tiền dựng chòi trực sát sông, mua một chiếc thuyền máy với giá hơn 20 triệu đồng, chở được khoảng 10 người, quyết tâm chống "cát tặc". Thôn cũng lập ra một đội tự vệ với khoảng 30 thành viên thay phiên nhau xuống chòi chốt trực. Vào buổi sáng, chòi được ông Vo, một người dân trong thôn sống gần đó, canh gác. Đến tối, nhiều người trong thôn kéo ra chơi cùng với các thành viên đội chống "cát tặc" đến phiên trực. Tại đây có 2 căn chòi, trong đó một chòi bằng tôn, nguyên là chòi canh cát của huyện ở thôn Chu Đậu được dân xin về làm nơi đội tự vệ ngủ cho an toàn. Trong chòi tôn có nhiều áo phao, đèn pin...
Ông Trước chia sẻ: "Nói thật dân chúng tôi chỉ mong yên ổn làm ăn chứ ai muốn lập "chiến lũy" như thế này đâu. Nhưng để giữ đất, cả làng phải bớt thời gian lao động, thức đêm, thức hôm để làm công việc bất đắc dĩ này".
Chính quyền phải vào cuộc mạnh hơn
Trên thực tế, "cát tặc" không hề có dấu hiệu dừng hoạt động. Chỉ ít ngày sau khi bắt tàu trộm cát nêu trên, Công an xã Thái Tân và Công an H.Nam Sách tiếp tục bắt được 2 tàu "cát tặc" khác ở thôn Mặc Bình và thôn Thượng. Hiện mỗi đêm có 4 công an xã cùng 2 công an huyện xuống trực cùng tổ tự vệ thôn Tân Thắng. “Nhưng dường như "cát tặc" có "tai mắt" khắp nơi. Cứ thấy động là chúng rút rất nhanh, lại nhiều mánh khóe, hay chọn khúc sông giao cắt với nhiều địa phương để dễ bề chạy trốn. Ngay cả khi lực lượng chức năng đã lên được tàu, "cát tặc" sẵn sàng đóng chặt cửa buồng lái rồi cho tàu chạy qua địa phận khác, khiến việc xử lý rất khó khăn”, ông Đinh Bá Hà, Trưởng công an xã Thái Tân, nói.
Người dân bên chòi canh "cát tặc" Ảnh: Lê Tân
Theo tính toán, mỗi tàu trộm cát chở được 300 m3, chỉ cần hút 30 phút là đầy. Hiện mỗi mét khối cát bán được 40.000 đồng nên chỉ trong nửa tiếng đồng hồ, "cát tặc" thu được bộn tiền. Trong khi đó, việc xử lý nạn hút cát trộm mới ở mức phạt hành chính. “Theo tôi, để trị dứt điểm nạn hút trộm cát, cần thay đổi luật để khởi tố hình sự hoặc thu giữ tàu thì "cát tặc" mới sợ. Ngoài ra, cần tổ chức một lực lượng truy quét có tính chất liên vùng, thật mạnh mẽ và dứt khoát thì mới cứu được đê, giữ được đất, được sông”, ông Hà đề nghị.
Đồng quan điểm với ông Hà, ông Nguyễn Quang Phúc, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương, cho rằng: “Đây là hành động cực chẳng đã của người dân để bảo vệ đất. Do đó, chính quyền cần phải có trách nhiệm với người dân hơn nữa trong cuộc chiến chống cát tặc”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, khi được Thanh Niên thông tin về câu chuyện chống “cát tặc” ở thôn Tân Thắng, đã cho biết “sẽ cho kiểm tra và thông tin sau”.
Bắt hụt tàu “cát tặc” vì “chim lợn”
Ngồi trong chòi, ánh mắt hướng ra phía sông, ông Tuệ, một người dân trong đội chống "cát tặc" của thôn, cho biết: “Các đối tượng hút trộm cát rất ranh ma. Bọn họ thường bố trí người nằm trong ruộng ngô và phóng xe máy lượn trên đê để cảnh giới. Mới đây, chúng tôi bắt hụt 1 tàu vì ông Hiển đi do thám đã gặp phải “chim lợn” của họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.