Dân thủ đô thấp thỏm nỗi lo cắt điện

07/06/2023 08:38 GMT+7

Lên kế hoạch "di cư" qua nhà họ hàng, "đóng đô" tại quán cà phê…, thậm chí là mua ắc quy về lắp dự phòng tại nhà là cách nhiều hộ gia đình ở thủ đô đã và đang ứng phó với tình huống mất điện nhiều giờ trong ngày.

Thông báo cắt điện… nhưng lại không cắt

Cư dân tòa nhà chung cư A14B2 Nam Trung Yên (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nhận thông báo cắt điện từ 8 giờ đến 16 giờ ngày 6.6.

Dân thủ đô thấp thỏm nỗi lo cắt điện - Ảnh 1.

Ngày 6.6, anh Nguyễn Đức Quang tức tốc đi mua 1 bình ắc quy 100 Ah cùng với bộ nạp và đổi nguồn, sau đó lắp đặt tại nhà phòng mất điện

Đan Thanh

Chị Nguyễn Bích Hòa (cư dân tòa chung cư A14B2 Nam Trung Yên) cho biết, không giống các khu chung cư khác, cắt điện thì ban quản lý vẫn tiến hành chạy máy phát để vận hành hệ thống thang máy, đèn hành lang…, tòa chung cư nhà chị đi kèm thông báo cắt điện là thông báo: "Trong thời gian mất điện, toàn bộ hệ thống thang máy, chiếu sáng, bơm nước… tại tòa nhà dừng hoạt động hoàn toàn do hệ thống máy phát dự phòng của tòa nhà hư hỏng chưa được chủ đầu tư sửa chữa". Nỗi lo vì thế mà tăng thêm mấy phần.

9 giờ 30, nhiều gia đình ở trên các tầng cao của tòa chung cư A14B2 Nam Trung Yên như tầng 20, 21 vẫn chưa thấy bị cắt điện, song thang máy thì đã dừng hoạt động từ 8 giờ. Việc di chuyển quá bất tiện, nhất là khi nhiều gia đình còn có người già, trẻ nhỏ…, các hộ dân đã phải nhắn vào nhóm Zalo chung do ban quản lý tòa nhà lập ra để "xin" được mở thang máy. Đến trưa, ban quản lý tòa nhà đã quyết định mở 2/4 thang máy để cư dân di chuyển thuận tiện hơn.

Đáng chú ý, dù thông báo cắt điện từ 8 giờ, song đến khoảng 14 giờ 15 tại tòa chung cư này vẫn chưa bị cắt điện. Thi thoảng, trong nhóm cư dân, những người đi làm lại nhắn hỏi những người đang ở nhà rằng "ở nhà đã cắt điện chưa?" với tâm trạng khá thấp thỏm.

Sáng sớm 6.6, vừa thức dậy, chị Phạm Anh Thơ (trú P.Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đầy lo lắng khi nhận thông báo gia đình chị sẽ bị cắt điện từ 8 giờ đến 17 giờ. Gia đình 5 người với 3 con, lại đúng dịp nghỉ hè nên khá gian nan. Chị vội gọi các con thức dậy, lo vệ sinh cá nhân, ăn sáng cho kịp giờ.

"Tôi nhẩm tính, 2 vợ chồng đều đi làm, có thể lên cơ quan cả ngày. Con nhỏ nhất (7 tuổi - PV) sẽ theo mẹ lên cơ quan, dù hơi bất tiện nhưng vẫn có thể xoay xở được. Còn 2 con lớn hơn (14 tuổi và 18 tuổi - PV) sẽ chủ động tự lo liệu cho nhau. Phương án khả thi là các con sẽ đem theo máy tính, sách, truyện xuống "đóng đô" tại quán cà phê gần nhà. Buổi trưa, các con gọi đồ ăn đem tới. Đến chiều, nếu không thể tiếp tục ngồi quán cà phê thì các con có thể chủ động di chuyển tới hiệu sách, trung tâm thương mại…", chị Thơ nói.

Tính toán xong xuôi, 7 giờ 30 chị chở theo con út rời khỏi nhà. Tuy nhiên, khoảng 10 giờ chị gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình các con thì thấy rằng, khu vực gia đình chị ở vẫn chưa bị cắt điện. "Có nhiều nhà hàng xóm có con còn nhỏ, đang trong giai đoạn bỉm sữa, mất điện quá bất tiện nên sáng sớm đã cho con "di cư" sang nhà ông bà nội, ngoại ở khu vực không bị thông báo cắt điện. Rất may, thông báo là thế song cuối cùng lại không cắt điện", chị Thơ nói.

"Di cư" sang nhà họ hàng, lắp ắc quy dự phòng

Nhận được thông báo cắt điện vào sáng sớm 6.6 với khung thời gian cắt điện từ 16 giờ đến 24 giờ, chị Trần Thanh Huyền (trú P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, do chị đi làm cả ngày, các con đều khá lớn nên chị không quá hoang mang.

Giải pháp được gia đình chị Huyền áp dụng là cho các con "di cư" sang nhà dì ở khu vực không nhận được thông báo cắt điện trong khoảng thời gian trên. Chiều tối về, cả gia đình sẽ đi ăn tối bên ngoài, đi chơi, chờ tới gần khoảng thời gian có điện mới về nhà. "Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế áp dụng trong ngày một, ngày hai. Nếu tình trạng mất điện quay vòng nhanh, không phải mất tập trung vào chiều tối và đêm mà lại tập trung mất điện ban ngày, có lẽ tôi cũng phải tính toán các phương án khác", chị Huyền nói.

Nhận thông báo cắt điện từ chiều tối đến đêm ngày 6.6 khiến anh Nguyễn Đức Quang (trú P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khá lo lắng. Hàng ngày, anh chủ yếu làm việc tại cơ quan, vợ anh hoạt động trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, không đi làm theo giờ hành chính, khá linh hoạt về thời gian, địa điểm làm việc, song cũng thường xuyên phải sử dụng máy vi tính, internet phục vụ công việc.

Mất điện đồng nghĩa với việc mất cả hệ thống internet trong nhà, gây ra khá nhiều bất tiện; chưa kể, gia đình anh còn có 2 con nhỏ đang nghỉ hè ở nhà (một bé 7 tuổi, 1 bé 12 tuổi - PV).

"Từ sáng, khi nắm thông tin cắt điện thời gian dài trong ngày, 2 vợ chồng tôi đã phải lên kế hoạch sắp xếp. Phương án sử dụng ắc quy làm nguồn dự phòng là hợp lý. Tôi đã mua 1 bình ắc quy 100 Ah cùng với bộ nạp và đổi nguồn, sau đó lắp đặt và hướng dẫn vợ cách sử dụng. Bộ nguồn dự phòng này có thể chạy 1 quạt cây 50 W và 1 bóng đèn 20 W trong khoảng 10 - 12 giờ, đủ đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong gia đình.

Tôi có việc bận nên khoảng 20 giờ mới có mặt ở nhà, có sự chuẩn bị, hướng dẫn kỹ lưỡng cho vợ có thể sử dụng tôi cũng yên tâm hơn. Đây sẽ là cách mà gia đình tôi sử dụng để ứng phó với bất kỳ thời điểm nào mất điện trong thời gian tới", anh Quang nói.

Trao đổi với Thanh Niên, đề cập tới vấn đề cắt điện tại Hà Nội, thậm chí là cắt điện đột ngột không báo trước, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến cho nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, thậm chí nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp. Trong tháng 6, dự báo miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện quốc gia sẽ tiếp tục có thể tăng cao hơn trong các ngày tới, gây áp lực lên cung ứng điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.