Ngày 8.12, Chosun cho hay một trò chơi dạng board game trong tập Running Man chiếu tối 6.12 bỗng trở thành chủ đề bàn luận dữ dội trên mạng xã hội Weibo. Cụ thể, các thành viên và khách mời chương trình đã chơi Blue Marble (Monopoly), game tương tự như Cờ tỉ phú của Việt Nam. Luật chơi quy định những người tham gia dùng xúc xắc để đi đến các thành phố trên thế giới mua nhà, tài sản.
Nếu quan sát kỹ bảng trò chơi, người xem sẽ nhận thấy rằng mỗi ô trên bàn cờ hiển thị dòng chữ tên quốc gia đi kèm với tên thủ đô. Ngoài Hàn Quốc được nhiều ô thành phố hơn các nước khác (vì Running Man là show Hàn Quốc), thì các nơi còn lại như như Singapore, Philippines, Trung Quốc… đều áp dụng đúng theo “công thức” này.
|
|
Mọi chuyện không vấn đề gì cho đến khi khán giả Trung Quốc phát hiện ô thành phố Đài Bắc được ghi là thủ đô của Đài Loan, tách riêng biệt với ô Bắc Kinh của Trung Quốc. Từ đó, cư dân mạng đất nước đông dân nhất hành tinh phẫn nộ vì cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nhiều khán giả Trung Quốc cho biết vô cùng tức giận khi ê-kíp Running Man lại để Đài Loan và Trung Quốc riêng biệt như là hai quốc gia độc lập.
Trên mạng xã hội Weibo, vấn đề liên quan đến Đài Loan - Trung Quốc trong game của Running Man thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Đa phần dân mạng Trung Quốc đều bức xúc và tuyên bố sẽ tẩy chay show. “Tôi không bao giờ xem Running Man nữa đâu”, “Tôi phát ngán với chương trình này rồi”… là những bình luận khẳng định “quay lưng” với Running Man. Một bộ phận khán giả khác thì chụp lại hình ảnh đã xóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến chương trình trong máy tính, trên trang cá nhân… Chỉ trong sáng 8.12, từ khóa RM viết tắt của Running Man nằm trong top chủ đề bình luận trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Chosun nhận định vụ việc có thể tác động đến lượng người xem cũng như lợi nhuận của Running Man.
|
Trong khi đó, dư luận Hàn Quốc cũng tỏ ra khó chịu trước thái độ của khán giả Trung Quốc. Trang Allkpop dẫn lại nhiều quan điểm phản bác từ xứ kim chi: “Dù sao thì dân mạng Trung Quốc cũng đang xem Running Man lậu mà. Chúng tôi không quan tâm người Trung Quốc có xem hay không đâu", "Yeah, vậy thì đừng coi nữa", "Vâng, hãy biến đi", "Đừng xem chương trình của chúng tôi rồi sao chép ra một show khác nữa đi”, "Mấy người đó hành động như thể là họ không xem thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chương trình vậy”, “Sao phiền phức thế?”…
Thời gian gần đây, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc thường trở thành mục tiêu “ném đá” của cư dân mạng Trung Quốc. Vào tháng 10 vừa qua, BTS chịu làn sóng chửi bới vì phát ngôn của trưởng nhóm RM về Chiến tranh Triều Tiên khi nhận giải thưởng James A.Van Fleet. Do không nhắc đến lính Trung Quốc trong bài chia sẻ nên RM bị dân mạng Trung Quốc cho rằng anh không tôn trọng những người lính Trung Quốc thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên. Sau BTS, đến BlackPink chịu “sóng gió” vì chơi đùa với gấu trúc mà gương mặt vẫn trang điểm và không đeo găng tay. BTS và BlackPink đều không phản hồi trước những làn sóng tiêu cực này.
Bình luận