Sáng 23.12, tại Khu di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu (TP.Huế), Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ kỷ niệm 155 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (26.12.1867 – 26.12.2022).
Hoạt động này nhằm để tỏ lòng tri ân và tưởng nhớ chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - nhà thơ, nhà văn, một con người đã dâng cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh yêu nước, chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam vào thế kỷ 20.
Đại biểu dâng hương tưởng nhớ cụ Phan Bội Châu |
LÊ HOÀI NHÂN |
Lễ kỷ niệm, dâng hương diễn ra tinh gọn nhưng không kém phần trang nghiêm, với sự tham dự của lãnh đạo các cấp, ngành địa phương cùng gần 200 học sinh, sinh viên đang học tập trên địa bàn TP.Huế.
Tại khu di tích lưu niệm này, nhiều bạn trẻ đã có cơ hội tìm hiểu, biết thêm nhiều kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của danh nhân Phan Bội Châu.
“Là một sinh viên ngành sử, được tham gia hoạt động lần này là một niềm tự hào đối với em. Đến đây, em hiểu hơn để về cuộc đời cụ Phan Bội Châu", Lê Thành Đạt (sinh viên năm 4, khoa Lịch sử Trường ĐHKH Huế) nói.
“Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng là học sinh của ngôi trường mang tên danh nhân vĩ đại”, Lê Xuân Quốc An (học sinh lớp 8, Trường THCS Phan Sào Nam, TP.Huế) bày tỏ.
Đông đảo học sinh dự lễ kỷ niệm 155 ngày sinh cụ Phan Bội Châu |
LÊ HOÀI NHÂN |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiên Bình, Phó giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhấn mạnh TP.Huế - nơi cụ Phan Bội Châu đặt những bước chân đầu tiên trên con đường vận động cứu nước, cũng là nơi cụ đã sống trong những năm tháng cuối đời và nơi yên giấc ngàn thu.
Những dấu ấn còn lại trong khu vườn hiện nay đã nói lên tình cảm, sự trân trọng của đồng bào, đồng chí cả nước nói chung và nhân dân Thừa Thiên - Huế nói riêng đối với chí sĩ Phan Bội Châu.
Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế vẫn lưu giữ những giá trị rất lớn về mặt lịch sử - văn hóa, là di sản vô cùng quý báu của quốc gia, dân tộc; đồng thời là niềm tự hào của nhân dân Thừa Thiên - Huế. Do đó, việc bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn các di sản ấy là nghĩa tình, trách nhiệm cao cả, sâu nặng của hậu thế.
Một góc trưng bày trong Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại cố đô Huế. |
LÊ HOÀI NHÂN |
Trong thời gian tới, ông Bình đề nghị Bảo tàng Lịch sử tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo và chỉnh lý trưng bày bổ sung di tích.
Đồng thời, liên kết với Sở GD-ĐT, Hội Khoa học lịch sử, Hội hữu nghị Việt - Nhật của tỉnh tăng cường quan hệ hợp tác với Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Nghệ An (quê hương của cụ) để đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại cố đô Huế.
Bình luận (0)