Đào tạo nhân lực khoa học trái đất, mỏ, môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu

21/12/2019 14:46 GMT+7

Đào tạo nhân lực khoa học trái đất, mỏ, môi trường (EME) hiện nay “chỉ đạt chất lượng ở mức độ bình thường”, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh biến đối khí hậu tại Việt Nam diễn biến rất phức tạp.

Đó là chia sẻ của GS-TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Khoa học trái đất - mỏ, tại hội thảo chuyên ngành có chủ đề: Đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực trái đất, mỏ, môi trường, diễn ra ngày 21.12 tại Hà Nội, do Hội đồng giáo sư liên ngành khoa học trái đất - mỏ phối hợp với Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) tổ chức.
GS-TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, EME là ngành có ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động đời sống, phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động bảo vệ và khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường của con người. Đây cũng là ngành tạo ra nền tảng tri thức, căn cứ khoa học, thực tiễn và các giải pháp trong sử dụng khôn khéo, bảo vệ tài nguyên, môi trường. EME cũng là ngành cung cấp các giải pháp để đạt được hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xã hội xanh, tuần hoàn, carbon thấp, chống chịu cao, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dù có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như thế, nhưng theo GS-TS Mai Trọng Nhuận, công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành EME chỉ đạt “chất lượng bình thường”, chưa đáp ứng yêu cầu, thách thức của biến đổi khí hậu hiện nay. Trong khi đó, mong muốn của các cơ quan chuyên môn là nhân sự đạt chất lượng cao, có những năng lực vượt trội, ví dụ như năng lực khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường.
Cũng theo GS - TS Mai Trọng Nhuận, nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do các chương trình đào tạo ngành EME chưa đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn của đơn vị sử dụng nhân lực. Các trường chủ yếu đào tạo xuất phát từ thế mạnh của của chính mình.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy đang thiếu sự phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với đào tạo, hiện tại phổ biến là sự phối hợp giữa các trường với trường. Điều này dẫn tới không tính toán, dự báo được nhu cầu, số lượng nhân sự. Mặt khác, các cơ quan sử dụng lao động hiện nay chưa được trao đủ quyền và trách nhiệm toàn diện để có đăng ký chỉ tiêu đào tạo, đặt hàng với các nhà trường, đơn vị đào tạo.
GS - TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, để cải thiện chất lượng đào tạo trong ngành EME nên áp dụng mô hình đã phổ biến trên thế giới, đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, quản lý nhà nước và đơn vị sử dụng. Mối quan hệ này sẽ giúp cho việc hoạch định kế hoạch, chất lượng yêu cầu đào tạo, dự báo nhu cầu nhân lực. Bởi nếu nhân lực đào tạo ra không được sử dụng, sử dụng không đúng với chất lượng sẽ làm mất đi động lực người học, sức hấp dẫn của ngành học.
GS - TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho rằng trong bối cảnh xã hội, biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành EME. Trong đó đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực EME với chất lượng thông thường, đáp ứng những yêu cầu thông thường ngày càng giảm. Trong khi đó, thị trường lao động đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao với những đòi hỏi khắt khe về kỹ năng, trình độ chuyên môn, kỷ luật và tính chuyên nghiệp cao.
Hôm nay, 21.12, Hội đồng giáo sư liên ngành khoa học trái đất - mỏ, tổ chức lễ công bố quyết định và trao chứng nhận của Hội đồng giáo sư nhà nước cho 20 tân giáo sư, phó giáo sư trong ngành EME.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.