Mới đây, Công ty CP In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) tổ chức chương trình chào mừng kỷ niệm 45 năm thành lập (1977 - 2022), với chủ đề "Kế thừa - Kết nối - Kiến tạo tương lai". Đây là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn bao bì giấy lâu đời nhất tại Việt Nam.
Bí thư Chi bộ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP In số 7 Lê Thị Bích Hằng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Theo bà Hằng, việc phát triển nguồn nhân lực, trong đó, hoạt động huấn luyện và truyền kinh nghiệm cho thợ trẻ, người lao động kế thừa, là một trong những chính sách quan trọng nhất để phát triển doanh nghiệp.
Chính vì vậy, khi xây dựng văn hóa làm việc, công ty nghiêm cấm các biểu hiện "giấu nghề" hay trường hợp người học việc bị hắt hủi.
Thanh niên tiếp sức thanh niên
Với bề dày thành lập và phát triển của đơn vị suốt 45 năm, song song với nhiều chương trình đào tạo công nhân trực tiếp sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có như chương trình tự đào tạo công nhân kỹ thuật từ năm 2012, tham quan học tập các nhà máy cùng ngành nghề ở nước ngoài, mời chuyên viên Nhật đến hướng dẫn kỹ thuật..., theo bà Lê Thị Bích Hằng, hoạt động của Đoàn thanh niên, Công đoàn tại công ty và địa phương đã đóng góp quan trọng vào các chương trình phát triển nguồn nhân lực của đơn vị.
Trong đó, nổi bật là chương trình "Thanh niên tiếp sức thanh niên", người có kinh nghiệm chỉ dẫn, đào tạo người mới vào.
Nhân lực trẻ được đào tạo nghề, không bị hắt hủi là một trong những tiêu chí để người lao động trẻ gắn bó với một đơn vị |
NGỌC DƯƠNG |
Trên thực tế, theo nhiều lao động trẻ hiện nay, việc một công ty bất kỳ chú trọng vào đào tạo nghề là một trong những tiêu chí chọn việc làm sau khi ra trường.
Chị Lê Thị Mai Chi (24 tuổi) đang làm tại Phòng Kỹ thuật nghiên cứu của Công ty CP In số 7 cho biết, khi mới ra trường tìm việc, chị rất ấn tượng với các chính sách đào tạo của đơn vị. Hai năm qua, trước khi đảm nhiệm vị trí nghiên cứu mở rộng thị trường hiện nay, chị Chi đã trải nghiệm nhiều buổi đào tạo ở nhiều vị trí công việc khác nhau tại công ty, bao gồm cả vị trí kỹ thuật, vẽ giấy. Chính việc thanh niên được đào tạo một cách công bằng giúp chị gắn bó hơn với môi trường làm việc.
Anh Trần Huyền Anh (25 tuổi) hiện là trợ lý Ban Quản đốc xưởng in của Công ty CP In số 7 cũng chia sẻ rằng anh đã làm việc tại đây kể từ sau khi thực tập. Từ khi còn làm ở vị trí của công nhân đứng máy, anh rất ấn tượng với các chương trình, các lớp đào tạo.
"Các công nhân máy sẽ đào tạo lẫn nhau, người trước đào tạo người sau, không có tình trạng giấu nghề hay người học việc bị hắt hủi. Tôi tin rằng đó là động lực để bất cứ người lao động nào cũng muốn cống hiến, góp phần vào sự phát triển chung của tập thể", anh Trần Huyền Anh nói.
Cũng đánh giá việc đào tạo nghề, kèm cặp của các công nhân, trưởng máy với nhau rất quan trọng khi phát triển nguồn nhân lực, anh Trần Thanh Tâm (34 tuổi, công nhân kỹ thuật máy có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty này) cho hay điều khiến anh gắn bó đơn vị chính là được tham gia nhiều lớp nâng cao kiến thức, kỹ thuật.
"Các anh chị đã kèm cặp người học việc rất nhiều, từ đó mình rút ngắn thời gian đào tạo, người lao động từ chỗ như "một trang giấy trắng", làm theo quán tính sẽ làm việc đúng quy trình, logic hơn", anh Tâm chia sẻ.
Bình luận (0)