Song oái oăm là sau nhiều năm thi công, khi công trình hoàn thành thì lại... chờ vùng tưới.
Công trình nhiều kỳ vọng
Công trình thủy lợi Ia Mơr được xây dựng tại xã Ia Mơr, H.Chư Prông (Gia Lai) với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng. Dự án được Bộ NN-PTNT phê duyệt từ năm 2005 và phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp cùng cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr.
Đây là công trình được người dân rất mong đợi bởi sẽ giúp cho họ phát triển các loại cây nông nghiệp, ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Thực tế, với khí hậu khắc nghiệt ở vùng biên giới, mùa khô kéo dài, nhiều sông suối khô cạn thì công trình thủy lợi Ia Mơr thực sự cần thiết cho một vùng đồng đất khô khát. Theo nhiều cán bộ chuyên môn về nông nghiệp của Gia Lai, khi công trình này đưa vào vận hành sẽ có hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp được trồng lúa nước hai vụ. Cùng với vựa lúa vùng đông nam, nơi đây được kỳ vọng sẽ là vựa lúa thứ hai của Gia Lai.
Theo thông tin từ Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT), công trình thủy lợi Ia Mơr có diện tích mặt nước hơn 2.800 ha, có nhiệm vụ chính là tưới, cấp nước cho trên dưới 14.000 ha đất canh tác thuộc hai huyện Chư Prông (Gia Lai), Ea Súp (Đắk Lắk); cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân; giảm lũ cho hạ lưu, nuôi trồng thủy sản và du lịch... và tạo nên một tiểu vùng khí hậu. Ngoài ra, công trình khi hoàn thành cũng đảm bảo về an ninh lương thực cho vùng có đa số người dân là đồng bào bản địa.
|
Đất khát vì… cơ chế?!
Sau 12 năm thi công, khi công trình hoàn thành thì lại chưa có vùng tưới. Nguyên nhân là vùng tưới lại nằm trong diện tích đất rừng với trên 8.000 ha, mà số diện tích này chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đổi thành đất nông nghiệp.
Bởi vậy, dù nằm ngay dưới chân công trình thủy lợi Ia Mơr nhưng hơn 1.000 ha đất nông nghiệp ở xã Ia Mơr luôn trong tình trạng khô khát. Thiếu nước, đồng bào bản địa ở đây chỉ canh tác được một vụ lúa ở diện tích nhỏ trong mùa mưa. Hầu hết diện tích còn lại vẫn phải bỏ hoang 1 vụ/năm hoặc trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, cho giá trị thấp.
Có được nguồn nước tưới từ thủy lợi là mong ước của người dân nơi đây trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr, cho biết: “Chưa có thủy lợi nên người dân ở đây mới chỉ phát triển lúa một vụ. Điều này gây hạn chế rất lớn vì những năm qua chúng tôi chỉ làm nông nghiệp nhờ trời. Có hệ thống kênh mương đầy đủ, có nước chắc chắn khu vực này sẽ phát triển bền vững, giúp cho địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo”.
Trước mắt, địa phương xin chủ trương đầu tư xây dựng kênh mương trên những diện tích đất sản xuất sẵn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, giúp đại thủy nông này phát huy một phần hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng ban Dự án thủy lợi Ia Mơr, cho biết: “Hiện nay, cụm công trình đầu mối và hệ thống kênh chính, kênh bơm đã hoàn thành, hồ chứa nước đã hình thành và đang tích nước; hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây sắp hoàn thành. Để phát huy hiệu quả dự án, chúng tôi kính đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo, hoàn thành công tác chuyển mục đích sử dụng khu tưới trên địa bàn tỉnh Gia Lai để xây dựng hệ thống kênh cấp I, phục vụ tưới cho hàng ngàn héc ta, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong khu vực cũng như đảm bảo an ninh biên giới quốc gia”.
Bình luận (0)