Đất lành Chợ Lớn

Giang Vũ
Giang Vũ
21/03/2021 10:07 GMT+7

Có lẽ, mấy chục năm nay, chưa bao giờ có tình cảnh mặt bằng ở trung tâm Sài Gòn bị trả lại và biển cho thuê mới nhiều như bây giờ.

Muốn đi ăn thì vẫn cẩn thận phải tra Google rồi gọi điện xem quán còn hoạt động thì mới tới.
Nhưng nếu thử để ý một chút thì ở khu Chợ Lớn, mặt bằng bị trả lại dường như ít hơn, vì các hàng quán kinh doanh ẩm thực lâu đời đa phần có mặt bằng là nhà của chính họ, không phải đi thuê.

Truyền đời vượt khó

Một số quán ăn có tuổi đời lâu năm và món ngon ở mức xuất sắc thì chỉ cần không giãn cách xã hội vẫn thấy tấp nập ra vào. Người Hoa sống lâu năm ở Chợ Lớn đều có tư tưởng sở hữu mặt bằng thuận lợi để kinh doanh. Chỉ cần khi bán đắt hàng, họ sẽ tìm cách mua nhà ở góc ngã tư hay đường chính, cộng với chăm chút vào món ăn cho thật ngon là có thể truyền đời.
Chợ Lớn là một thiên đường mì: nào mì vàng cọng nhỏ hay cọng lớn, mì Phúc Kiến, mì Quảng Đông, mì vịt tiềm, mì gà, mì xá xíu, mì sườn, mì cật, mì sủi cảo, mì bò viên... Tôi dẫn cô bạn Hà Nội ghé quán mì sườn 105 Lò Siêu (Q.11) quen thuộc lúc Sài Gòn - Chợ Lớn yên ắng dịch. Quán cũng là nhà của họ nên khi dịch thì lúc đông lúc vắng chứ không phải đóng cửa.
Trước dịch, nếu tới đây bạn sẽ phải đợi từ 15 - 20 phút mới có mì ăn, vì khách đông nườm nượp từ sáng sớm. Tuy nhiên, dịch đã làm quán vắng hơn, ngồi thong thả đợi chừng vài phút có ngay tô mì với miếng sườn mềm nổi danh của quán, anh đầu bếp chỉ cần dùng đũa là xé sườn ra thành từng miếng nhỏ được.
Ở đây có mì sườn heo, mì sườn và thịt gà xé, khô hay nước đều ngon. Có cái không khí của tiệm nước vì có một quầy pha chế cà phê hoặc trà khói bốc lên nghi ngút. Tới đây không khí tấp nập thật vui, nhưng cũng không quá ồn ào vì Lò Siêu là con đường không có nhiều xe lớn qua lại.

Người trẻ giữ hồn Chợ Lớn

Nếu tìm một tiệm nước kiểu người Hoa để chụp hình sống ảo đúng phong cách Chợ Lớn thì có thể ghé tiệm nước An Duyên (15 Trần Điện, Q.5). Trường, sinh năm 1992, chủ quán An Duyên, nói: “Em là người Triều Châu ở Chợ Lớn, lớn lên trong một con hẻm nhỏ của người Hoa, giữ trọn vẹn nét đặt trưng Chợ Lớn, nhưng dần lớn lên, qua tìm hiểu, em cảm nhận Chợ Lớn đang dần mai một, không ai còn kể lại những câu chuyện, giữ lại nét truyền thống của vùng này. Họ chỉ biết đến Hồng Kông và nghĩ rằng Chợ Lớn cũng như vậy. Nhưng không, Chợ Lớn rất khác từ con người, văn hóa, ẩm thực và sự đa dạng tộc người trong giao thoa văn hóa. Nên em muốn mở một tiệm nhỏ với một ước mong nhỏ là cho mọi người hiểu, Chợ Lớn là Chợ Lớn, không phải Hồng Kông”.
Hồi mới mở, quán rất đông khách vì “lạ” và vì cách làm văn hóa rất bài bản của Trường. Tuy nhiên, dịch ập đến, Trường nhanh chóng chuyển một phần đồ ăn và uống bán online. Những lúc Sài Gòn - Chợ Lớn yên ả với dịch thì các bạn trẻ lại đeo khẩu trang đến đây. Nhờ vậy, cho tới lúc này Trường vẫn cầm cự tốt.
Về ẩm thực Chợ Lớn, An Duyên không khai thác chủ đề dimsum như các tiệm Quảng Đông. Trường muốn mang đến một bữa ăn quen thuộc của gia đình người Hoa, từ các món Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Hẹ... Trường muốn để mọi người hiểu hơn ẩm thực Chợ Lớn chịu sự ảnh hưởng của người Kinh, người Chăm, khiến ẩm thực Chợ Lớn "độc nhất" chứ không chỉ có dimsum mà mọi người thường dùng.
Âm nhạc Hoa lanh lảnh phát ra từ một cái loa cũ, nó giống hệt như nghe đĩa than vậy, cho nên tới đây, nó không chỉ là hình ảnh, mà còn là âm thanh, đồ uống, món ăn gợi lại giá trị xưa cũ vang bóng một thời.
Cho tới gần cuối tháng 3, tôi vẫn đang nhớ và thèm vị tàu hũ nóng nằm trên đường Trần Hưng Đạo đối diện chợ Xã Tây, Q.5. Cô Hường, người phụ nữ Quảng Ngãi 30 năm bán tàu hũ nóng ở Chợ Lớn, về quê ăn tết vẫn chưa quay trở lại. Trước khi về, cô nói với tôi là sẽ vô Sài Gòn muộn hơn mọi năm, về để sửa nhà cửa bị tốc mái trong đợt bão lụt trước tết. Tiền tích cóp từ bán tàu hũ và chè ở Chợ Lớn của cô lại dành để sửa nhà. Tất nhiên, cũng một phần vì cứ sau mỗi đợt giãn cách xã hội thì khách có vắng hơn, dù chén tàu hũ chỉ có năm ngàn đồng.
Dạo quanh quán quen Chợ Lớn, dù chậm hơn, ế hơn nhưng trọn một năm qua vẫn còn may mắn nhiều hơn một số ngành hàng khác, vẫn cầm cự được. Một người bạn tôi biết, đã phải đóng cửa kinh doanh vĩnh viễn sau hơn mười năm hoạt động, vì giá mặt bằng một trăm triệu mỗi tháng đã trở thành gánh nặng không thể cứu vãn khi Cô Vy hoành hành hơn một năm trời.
Đôi khi lại nghĩ, đất lành Chợ Lớn cưu mang…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.