Dấu ấn Việt Nam

13/10/2022 20:41 GMT+7

Khi chúng tôi thực hiện những trang cuối cùng của ấn phẩm chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay cũng là thời điểm TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung tròn 1 năm mở cửa sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, một trong những đại dịch khốc liệt nhất trong lịch sử loài người (1.10.2021 - 1.10.2022).

Ở ngoài kia, hàng loạt các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá, Việt Nam đã có một hành trình đầy ấn tượng với tăng trưởng GDP cao nhất khu vực.

Trong nước, Chính phủ vẫn đang quyết liệt với các giải pháp giữ ổn định vĩ mô trong bối cảnh lạm phát, áp lực lạm phát cao hoành hành nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU. Hàng vạn doanh nghiệp vẫn đang chiến đấu với cơn bão giá nguyên liệu lớn nhất trong lịch sử để giữ công ăn việc làm cho người lao động, giữ thị phần cho hàng hóa Việt tại các thị trường xuất khẩu. Hàng triệu hộ kinh doanh cá thể đã dẹp tổn thương lại phía sau để đưa mạng lưới sản xuất, dịch vụ - chân rết của nền kinh tế tiến về phía trước. Tất cả, chưa ai có lấy một phút nghỉ ngơi dù trước đó là 2 năm mà mỗi cá nhân, tổ chức; từ địa phương tới trung ương đều phải vượt qua giới hạn của bản thân để đối phó với dịch bệnh. Tất cả - chưa ai nghĩ đến ăn mừng, dù thành quả mà chúng ta đạt được khiến không ít bạn bè thế giới ngưỡng mộ, cả về chống dịch cũng như phục hồi kinh tế. Bởi thách thức vẫn đang ở phía trước. Những biến động khôn lường từ thế giới vẫn đang xô các cơn sóng lớn tới nền kinh tế trong nước. Nó không cho phép chúng ta lơ là, chủ quan; không cho phép chúng ta ngủ quên trên chiến thắng. Thế nhưng, sau những cơn bão lịch sử, hình ảnh một Việt Nam hoàn toàn mới đã xuất hiện.

Tàu mẹ cập Cảng quốc tế Cái Mép

Portcoast

Đó là một Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều thập niên, dù bị tác động mạnh mẽ bởi khủng hoảng bên ngoài nhưng vẫn giữ ổn định bên trong, trở thành đất lành cho các "đại bàng" công nghệ tìm đến làm tổ. Một Việt Nam có vai trò và trách nhiệm với thế giới trong lựa chọn xu hướng phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Đó là cộng đồng doanh nghiệp năng động và linh hoạt, biết tận dụng - khai thác những lợi thế từ các hiệp định thương mại để đưa sản phẩm, hàng hóa Việt thâm nhập thị trường mới khi thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn đóng cửa chống dịch, giữ thăng bằng cán cân thương mại quốc gia. Từ trong khó khăn, hạt gạo Việt Nam đã lên bàn ăn thế giới, củng cố vị trí của đất nước trên bản đồ lương thực toàn cầu. Những chiếc ô tô điện “made in Việt Nam” cạnh tranh sòng phẳng với thương hiệu ô tô điện đình đám của các nước. Nếu trước kia chúng ta chỉ lo giữ sân nhà thì ngày nay, nhiều doanh nghiệp nội đã lội ngược dòng, thâu tóm công ty ngoại, mở rộng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đặc biệt, điều mà chúng tôi - những người làm báo Thanh Niên nhận thấy và trân trọng là khát vọng xây dựng thương hiệu Việt, khát vọng làm giàu cho đất nước của đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được hun đúc, ngày càng cháy bỏng.

Tất nhiên khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều ở phía trước. Thế giới vẫn đang quay cuồng trong cơn bão lạm phát; chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được nối lại, chiến sự Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp; an ninh lương thực tiếp tục bị đe dọa. Trong nước, giải ngân đầu tư công - động lực của phục hồi kinh tế và tăng trưởng kinh tế vẫn chậm; thủ tục hành chính chỗ này chỗ kia còn gây phiền phức cho người dân, doanh nghiệp. Thế nhưng với những gì chúng ta đã đạt được, với con đường đã lựa chọn, với đội ngũ các doanh nghiệp - doanh nhân bản lĩnh, kinh nghiệm và đầy khát vọng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, thách thức sẽ là cơ hội để ghi dấu ấn về một Việt Nam kiên cường nhưng năng động, chắc chắn mà linh hoạt, là đối tác tin cậy, uy tín trên thị trường thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.