Huyết áp là áp lực bên trong thành mạch máu. Người bị huyết áp cao sẽ có huyết áp tâm thu từ 130 mmHg và huyết áp tâm trương từ 80 mmHg trở lên, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Huyết áp tăng cao ở mức nghiêm trọng sẽ gây đau đầu |
SHUTTERSTOCK |
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây huyết áp cao. Do đó, việc huyết áp tăng và giảm nhiều lần trong ngày là điều bình thường. Chẳng hạn, khi một người tập thể dục thì huyết áp sẽ tăng lên để đẩy máu mang ô xy đi khắp cơ thể. Lúc này, huyết áp cao không phải là bệnh.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp huyết áp tăng cao là bất thường.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), cứ khoảng 20 lần tăng huyết áp thì có 1 lần tăng huyết áp là do bệnh lý hoặc tác dụng phụ của thuốc. Ăn uống không lành mạnh, lối sống thụ động, hút thuốc, uống nhiều rượu bia là những nguyên nhân chủ yếu gây huyết áp cao.
Huyết áp cao có gây đau đầu hay không thì tùy thuộc mức độ tăng cao của nó. Hiện có rất ít bằng chứng cho thấy huyết áp tăng ở mức nhẹ đến trung bình có liên quan đến đau đầu.
Tuy nhiên, nếu người bệnh đang trong cơn tăng huyết áp ở mức nghiêm trọng thì sẽ kèm theo triệu chứng đau đầu. Những cơn tăng huyết áp dữ dội này thường xảy ra một cách đột ngột, chỉ số huyết áp có thể vượt quá ngưỡng 180/120 mmHg.
Triệu chứng đau đầu là do huyết táp tăng quá cao gây áp lực lên các mạch máu trong hộp sọ. Nguyên nhân đau đầu này không giống với các cơn đau đầu bình thường nên các loại thuốc như aspirin sẽ không hiệu quả. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ hay các vấn đề sức khỏe đe dọa tính mạng khác.
Ngoài nhức đầu, các đợt tăng huyết áp nghiêm trọng còn kèm theo các triệu chứng như đau ngực, tim đập nhanh, khó thở, lú lẩn, chóng mặt, mệt mỏi, mắt đỏ, buồn nôn và một số triệu chứng khác.
Để điều trị và ngăn ngừa các cơn tăng huyết áp đột ngột, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn, tập luyện thể thao thường xuyên, giảm ăn muối và bỏ rượu bia, thuốc lá, theo Healthline.
Bình luận (0)