Nữ cán bộ này sai phạm trong việc sử dụng bằng tốt nghiệp THPT của chị gái (hiện công tác tại Lâm Đồng) để xin việc trong một doanh nghiệp xuất khẩu vào năm 1999; từ đó “đội”luôn tên chị mình, tráo nhân thân để tiếp tục học hành; được tuyển dụng, thăng tiến tại một cơ quan quan trọng của địa phương.
Tuy nhiên, sự việc chưa hẳn khép lại khi hàng loạt câu hỏi đặt ra quanh trường hợp “voi chui lọt lỗ kim” này.
Dư luận không khỏi thắc mắc vì sao từ một nhân viên nhà khách, để lên đến chức trưởng phòng một cơ quan lớn như Văn phòng Tỉnh ủy, phải trải qua không ít quy trình, thủ tục nhưng nữ cán bộ này không hề bị phát hiện dùng tên giả cho đến khi có đơn tố cáo?
Quá trình làm việc tại Nhà khách tỉnh, sau đó được điều sang Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk của bà Sa (tức Thảo, hoặc Thêm) trải qua 3 đời chánh văn phòng nhưng sao không ai mảy may nghi ngờ đến nhân thân thật người nữ trưởng phòng xuất thân ban đầu từ nhân viên kế toán?
Cho đến nay, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chưa làm rõ và thông tin chính thức về những sai sót, vi phạm trong quy trình tuyển dụng, kết nạp đảng, đề bạt đối với bà Sa.
Chuyện “bằng thật, người giả” chấn động của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa chưa nguội thì dư luận địa phương thêm “choáng váng” với vụ phát hiện “người thật, bằng giả” cũng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đó là bà Bùi Thị Thân, Phó trưởng phòng Hành chính - tiếp dân, người được xác định sử dụng bằng tốt nghiệp THPT “không hợp pháp” trong hồ sơ.
Sau khi xem xét, ngày 23.10, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk ra các quyết định kỷ luật cảnh cáo và cách chức đối với bà Thân. Từ những câu chuyện này, người dân có quyền đặt câu hỏi liệu có còn không những cá nhân sử dụng bằng cấp giả tạo trong các cơ quan lãnh đạo, bộ máy quản lý nhưng chưa được làm rõ, xử lý?
Bình luận (0)