Nhiều bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước việc 3 giáo viên trúng tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2020 nhưng vừa bị UBND H.Nhà Bè (TP.HCM) ra quyết định hủy kết quả vì sử dụng chứng chỉ tiếng Anh, tin học giả và không đúng phôi bằng của Bộ GD-ĐT.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 24.9 ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND H.Nhà Bè (TP.HCM), xác nhận vừa ký quyết định hủy kết quả trúng tuyển viên chức ngành giáo dục và đào tạo huyện này năm 2020 đối với 3 trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định và 4 trường hợp không đến ký hợp đồng làm việc theo quy định.
Trong 3 trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định, có 2 giáo viên mầm non đăng ký dự tuyển vào cùng một trường và một giáo viên tiểu học đăng ký dự tuyển dạy nhiều môn vào một trường. Hai giáo viên mầm non nộp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và chứng chỉ TOEIC giả mạo. Giáo viên tiểu học nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không phải phôi của Bộ GD-ĐT cấp.
Thực trạng đáng buồn
Nhiều bạn đọc (BĐ) khi biết việc giáo viên xài bằng giả để thi vào viên chức ngành giáo dục đã thốt lên “thật đáng buồn!”. BĐ Thảo Vy viết: “Việc phải có bằng tiếng Anh, chứng chỉ tin học... để đủ tiêu chuẩn làm nhiều giáo viên phải vắt giò lên cổ mà lo. Có người không học được, thế là tìm đến bằng giả. Và kết quả thật đáng buồn. Tại sao không cố gắng học hành nghiêm túc, những yêu cầu về chứng chỉ này chắc hẳn họ cũng phải biết từ lâu rồi chứ?”.
Trong khi đó, BĐ Chí Công cho rằng: “Ba trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định thì cả 3 đều là giáo viên. Thật đáng buồn và đáng lo. Buồn vì đã là giáo viên mà còn nhận thức yếu kém như thế. Lo là không biết có bao nhiêu giáo viên khác cũng xài bằng giả. Nghề giáo mà xài bằng giả thì hết biết rồi, dạy được ai nữa?”.
Tương tự, BĐ Hào bức xúc: “Xài bằng giả là đã vi phạm pháp luật rồi. Ở đây lại còn là giáo viên, thi vào viên chức chứ đâu phải là học sinh, sinh viên chưa đi làm. Ý thức như thế thì làm sao mà làm ngành giáo dục được!”.
Xử nghiêm những người xài bằng giả
Nói về việc xử lý người xài bằng giả của cơ quan chức năng, BĐ Chiến nhận xét: “Đọc đoạn này trong bản tin trên Thanh Niên tôi thấy hơi kỳ kỳ: “UBND H.Nhà Bè cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị không tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển trong một kỳ tuyển dụng tiếp theo đối với các trường hợp sử dụng, văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định”. Theo tôi, lẽ ra phải phạt 3 - 5 năm, hoặc phạt vĩnh viễn chứ? Phạt nhẹ quá, chẳng răn đe được”.
Nhiều BĐ cũng đồng tình với ý kiến trên, cho rằng cách xử lý đối với những người xài bằng giả còn quá nhẹ. BĐ Hiếu Hạnh viết: “Người sử dụng bằng giả bị hủy kết quả tuyển dụng là đúng. Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ xử lý như thế thì nhẹ quá. Để triệt nạn xài bằng giả thì nên xử lý hình sự. Có vậy mới dẹp được vấn nạn này”.
Trong khi đó, BĐ Thái Hòa đề nghị: “Tôi nghĩ, cách xử lý hay nhất là bắt những người xài bằng giả này phải đi học thật sự để có bằng, “treo thi” vài năm, sau đó mới được thi lại. Và nếu xài bằng giả lần nữa thì nên xử lý hình sự”.
Nếu chỉ hủy kết quả thôi thì quá nhẹ! Cần phải có biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn việc mua bán và sử dụng bằng giả trong tương lai. Hiện nay việc mua bán bằng giả diễn ra công khai trên internet, mạng xã hội và cả tin nhắn qua điện thoại!
Trần Thanh Phương
Sao lại xài bằng giả? Có qua mặt được mọi người, có thoát được mãi mãi không? Chưa có bằng thì cố gắng học, năm sau thi, vội gì mà xài bằng giả, giờ có cơ hội nữa không?
Tuân
|
Bình luận (0)