Theo Reuters, Apple sẽ phải đối mặt với mức thuế 15% do chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc như đồng hồ Apple Watch 4 Series hay tai nghe AirPods kể từ ngày 1.9, trong khi các mặt hàng đóng góp phần lớn doanh thu của họ như iPhone sẽ bị áp mức thuế tương tự vào ngày 15.12 năm nay.
Rất ít công ty Mỹ có mối liên kết chặt chẽ với nền kinh tế lớn của châu Á như Apple. Theo đó, các nhà máy gia công của Foxconn (thuộc sở hữu của Hon Hai Precision Industry) hay Pegatron Corp, Wistron Corp và các công ty khác đang sử dụng hàng trăm nhân công để tham gia lắp ráp các thiết bị của Apple.
Trong những năm gần đây, các nhà máy gia công của Apple đã được mở rộng sang các quốc gia khác như Ấn Độ hay Brazil, trong đó Apple mở tới 3 nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ trong năm 2019, bao gồm cả một nhà máy thuộc sở hữu của Foxconn; động thái tương tự cũng diễn ra ở Brazil.
Nhưng nếu soi kỹ, các nhà máy gia công đặt ở các quốc gia ngoài Trung Quốc thường có quy mô nhỏ hơn, trong trường hợp này là các nhà máy ở Ấn Độ và Brazil. Do vậy, Apple chỉ dùng chúng để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng cho người dân bản xứ (ở Ấn Độ và Brazil). Song song với đó, các nhà máy tham gia lắp ráp cho Apple ở Trung Quốc đã mở thêm nhiều chi nhánh mới tại nước này, chỉ riêng Foxconn đã mở rộng từ con số 19 nhà máy vào năm 2015 lên 29 nhà máy vào năm 2019 và Pegatron cũng tăng từ 8 nhà máy lên 12 nhà máy. Apple tận dụng các nhà máy mới để mở rộng sản xuất thêm các mặt hàng khác như Apple Watch, AirPods và Home Pod.
Ngoài các nhà máy gia công theo hợp đồng, Apple còn có cả chuỗi cung ứng gồm các công ty cung cấp chip, vỏ nhôm, bảng mạch và nhiều linh kiện khác, tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín chủ yếu tập trung tại Trung Quốc. Trong số các nhà cung ứng cho Apple, có tới 44,9% đặt nhà máy tại Trung Quốc trong năm 2015 và con số này tăng lên 47,6% trong năm 2019.
|
Apple đã từ chối bình luận về số liệu mà Reuters phân tích ở trên. Trước đó, vào tháng 7 năm nay, CEO Tim Cook nói rằng ông không muốn đặt cược vào việc chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để né tránh thuế quan của Mỹ vì “phần lớn các sản phẩm của chúng tôi được sản xuất ở khắp mọi nơi, từ Mỹ cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Liên minh châu Âu... do vậy tôi không lo ngại về tương lai”.
Các số liệu thực tế lại đi ngược với tuyên bố lạc quan trên của CEO Apple, hãng đang phải đối mặt với những trở ngại về việc đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, nơi đang sản xuất cho họ hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm và lượng hàng tồn kho chỉ đủ để bán trong vài ngày. Trong khi các nhà sản xuất điện thoại khác ít nhiều linh hoạt hơn nhờ quy mô nhỏ hơn. Mới đây, Google cũng đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi một số hãng công nghệ khác cũng đang xem xét chuyển một phần dây chuyền gia công ra khỏi Trung Quốc.
Nhưng quy mô của Apple đã trói buộc khả năng dịch chuyển của họ, ngay cả khi họ có thể chuyển việc sản xuất iPhone sang Ấn Độ hoặc Việt Nam thì khả năng đáp ứng cũng chỉ là phần nhỏ so với nhu cầu của hãng. Thực tế, hiện có ít quốc gia có thể cung ứng một lực lượng lao động dồi dào khả năng sản xuất tới hơn 600.000 chiếc iPhone mỗi ngày như Trung Quốc, đó cũng là lý do Apple đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay.
Bình luận (0)