Với Huawei, thị trường Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong mảng kinh doanh của họ, nhưng nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới và hiện đứng thứ hai về mảng điện thoại thông minh lại rất muốn tăng sự hiện diện của họ tại quốc gia khó tính này. Huawei nhìn thấy cơ hội tăng trưởng của mảng di động và thiết bị viễn thông ở Mỹ.
Trọng tâm của nỗ lực đó chính là Futurewei - một dự án mang tính tiền trạm về nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei đặt tại Mỹ. Huawei đã rót hàng triệu USD vào Futurewei trong gần hai thập kỷ qua, các trung tâm nghiên cứu này cho phép Huawei khai thác nhiều nguồn lực cho đổi mới công nghệ tại Mỹ khi nó không chỉ phát triển ở Mỹ mà còn nhanh chóng mở rộng trên toàn thế giới, tạo tiền để để trở thành kẻ dẫn đầu về công nghệ 5G.
Nhưng rồi tham vọng của họ ở Mỹ - đặc biệt là Futurewei, đã bị dập tắt thông qua một chiến dịch ngăn cản Huawei mà Nhà Trắng theo đuổi suốt gần một năm qua. Theo đó, chính quyền Mỹ đã tìm mọi cách ngăn cản Huawei tiếp cận tới thị trường Mỹ trên mọi mặt trận, từ cấm mua bán với các nhà cung ứng ở Mỹ cho đến việc giám sát mọi hoạt động liên quan tới cung ứng viễn thông cho thị trường nông thôn ở nước này. Họ cũng cấm Futurewei chuyển giao công nghệ cho các chi nhánh của Huawei ở bên ngoài nước Mỹ.
Trước thực tế này, Futurewei buộc phải sa thải nhân viên và đóng cửa văn phòng tại Mỹ, chấm dứt các mối quan hệ đối tác với các trường đại học Mỹ vốn mang lại nhiều giá trị về nhân lực và nghiên cứu, tất cả đều gây nguy hại cho tham vọng dẫn đầu công nghệ của họ.
Theo CNN, dù khoản đầu tư vào Mỹ chỉ chiếm một phần khá nhỏ trong tổng ngân sách R&D của Huawei, nhưng nó phản ánh tầm quan trọng của việc hiện diện tại một quốc gia hàng đầu về công nghệ và khoa học kỹ thuật, nơi tập trung nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Dù một số giám đốc điều hành đề nghị hãng từ bỏ hoàn toàn thị trường Mỹ, nhưng Huawei ý thức được rằng họ có nguy cơ bị tổn thương nặng nếu bị cô lập khỏi sự phát triển ở thị trường này.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Center for Strategic and International Studies cho rằng, “bạn sẽ không thể đong đếm được những đổi mới đang chớm nở đã bị chặn lại, do vậy chúng ta cũng không thể biết được hậu quả của việc Huawei bị chia tách ở Mỹ là gì. Nó giống như oxy, bạn sẽ không hiểu được tầm quan trọng của nó cho đến khi bạn đánh mất nó”. Về phần mình, Huawei khẳng định rằng họ vẫn sẽ “ổn” nếu buộc phải rời khỏi Mỹ, nhưng đó không phải là con đường mà họ hướng tới.
Các hoạt động R&D của Huawei tại Mỹ
Đầu những năm 2000, Huawei bắt tay vào thực hiện chiến lược "toàn cầu hóa" rộng rãi như một phần của nỗ lực chuyển mình từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc thành một gã khổng lồ về dịch vụ di động toàn cầu như hiện nay. Dựa trên tinh thần này, Huawei đã thành lập các cơ sở ở Plano, Texas (Mỹ) vào năm 2001 và bắt đầu xây dựng các trung tâm R&D trên toàn nước này.
Năm 2011, Huawei đánh dấu kỷ niệm 10 năm hiện diện của hãng tại Mỹ bằng việc mở cửa trụ sở Futurewei R&D rộng tới 200.000 m2 tại Santa Clara, California. Lúc đó, cơ sở này tập hợp các phòng thí nghiệm và nghiên cứu tiên tiến, tập trung phát triển các giải pháp truyền thông thế hệ tiếp theo cho các khách hàng Mỹ và hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu R&D toàn cầu của Huawei.
|
Nhưng sau khi bị Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cáo buộc công ty gây ra rủi ro về an ninh quốc gia cũng như quyền riêng tư của người dùng, việc phát triển của Huawei tại Mỹ bắt đầu bị chững lại trước khi đi vào ngõ cụt như hiện nay, trong đó có tới 45 chi nhánh Huawei bị liệt vào danh sách đen của Mỹ. Qua đó ngăn chặn mọi nỗ lực của hãng trong mọi giao dịch với các đối tác ở nước này như Google, Intel và thậm chí vươn ra cả những công ty ngoài Mỹ nhưng có nguồn gốc công nghệ xuất phát từ Mỹ như ARM.
Tệ hơn, các chi nhánh của Futurewei ở Mỹ cũng không thể chuyển giao các tài sản tí tuệ hoặc bí mật thương mại của họ cho trụ sở Huawei ở Trung Quốc hoặc các chi nhánh trong danh sách đen khác của họ trên toàn thế giới. Nói cách khác, các kết quả nghiên cứu và phát triển của Huawei tại các trung tâm Futurewei ở Mỹ đã không thể triển khai thành các sản phẩm thương mại cho Huawei.
Cực chẳng đã, việc giam lỏng của Mỹ khiến Huawei phải xuống tay sa thải khoảng 600 nhân viên Futurewei ở Mỹ - chiếm một nửa lực lượng lao động của hãng này tại đây, và đóng cửa một số chi nhánh.
Tương lai của Futurewei
Tim Danks - Chủ tịch về quan hệ đối tác và quản lý rủi ro của Huawei cho biết, các nhân viên Futurewei còn lại sẽ tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở. Hiện các tài sản trí tuệ của các dự án này vẫn còn ở Mỹ và công ty nuôi hy vọng sẽ thuyết phục được chính phủ nước này cho phép họ triển khai chúng vào các sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, khả năng của các thỏa thuận này không dễ gì diễn ra trong một sớm một chiều.
Điều đó có thể có nghĩa là các khoản đầu tư hàng triệu USD của Huawei vào R&D tại Mỹ sẽ không đi tới đâu cả, tuy vẫn còn tùy thuộc vào từng dự án nhưng nhìn chung là không hiệu quả. Danks không nói rõ các dự án đang tập trung vào lĩnh vực gì, nhưng theo cơ quan cấp bằng sáng chế của Mỹ, trong quá khứ Futurewei đã phát triển các công nghệ liên quan đến các lĩnh vực cốt lõi trong kinh doanh của Huawei, như các công nghệ máy học trên mạng không dây hay phương thức truyền dữ liệu được mã hóa trên mạng 5G.
Theo thống kê, Huawei đã đầu tư 500 triệu USD vào Futurewei trong năm 2018 và lên kế hoạch rót tiếp 600 triệu USD trong năm 2019 trước khi họ bị liệt vào danh sách đen của Mỹ. Theo Danks, "việc bị cấm tại Mỹ đã gây khó khăn cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển vào các sản phẩm trong tương lai”.
Không những vậy, nhiều trường đại học danh tiếng của Mỹ cũng phải tuân theo lệnh của chính phủ nước này và tạm dừng hợp tác với Huawei. Theo thống kê của bộ giáo dục nước này, ước tính hiện Huawei đã có hơn 50 quan hệ đối tác nghiên cứu với các trường đại học Mỹ. Từ năm 2014-2018, công ty đã chi hơn 10 triệu USD vào các khoản quà tặng và hợp đồng tài trợ cho các trường đại học tại Mỹ. Nhưng kể từ khi Mỹ ban hành lệnh cấm, các trường đại học danh tiếng như MIT, Stanford, Princeton, Đại học California... đều đã phải tạm dừng quan hệ nghiên cứu và tài trợ với Huawei.
Cơ hội xây dựng các mối quan hệ đối tác với các cơ sở đào tạo danh tiếng tại Mỹ là một phần lý do mà các công ty ngoài Mỹ muốn xây dựng các tiền trạm nghiên cứu tại nước này. Ngược lại, nhờ các trung tâm này nên lĩnh vực nghiên cứu của Mỹ cũng luôn được khuyến khích và phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ nói chung và của cả nước Mỹ nói riêng, bên cạnh lợi ích trực tiếp cho các công ty lập ra chúng.
Tuy nhiên, Huawei cho rằng các rào cản này ở Mỹ không làm họ nản lòng và không thể cản trở các nỗ lực của họ ở những nơi khác. Danks cho biết, Huawei vẫn giữ mối quan hệ đối tác nghiên cứu với khoảng hơn 300 trường đại học trên toàn cầu và họ đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu công nghệ 6G - công nghệ tiếp theo của 5G - ở Canada cũng như hợp tác với một số tổ chức khác.
Danks kết luận, “ở vị trí là một hãng dẫn đầu về công nghệ viễn thông, chúng tôi phải luôn nhìn về tương lai để phát triển, bất kể môi trường chính trị hiện tại đang diễn ra như thế nào”.
Bình luận (0)