Đẩy mạnh thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới

Thanh Xuân
Thanh Xuân
18/11/2021 06:28 GMT+7

Số thu thuế thương mại điện tử , đặc biệt những hoạt động xuyên biên giới trong những năm qua liên tục tăng.

Doanh thu lên hàng ngàn tỉ đồng

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết có 3 nguồn thu liên quan thương mại điện tử (TMĐT). Đó là các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, hoặc nhận tiền từ các tập đoàn nước ngoài về Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hàng hóa dịch vụ ra nước ngoài.

Trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, 4 ngân hàng thương mại đã cung cấp 4.784 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple, với tổng số tiền nhận từ nước ngoài là 48 triệu USD và 20 tỉ đồng. Sau khi cơ quan thuế làm việc với các công ty đối tác tại Việt Nam của Google (thường gọi là MCN - Multi Channel Network, hệ thống mạng lưới đa kênh) làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube tự sản xuất nội dung số và có chi hộ tiền của Google cho các cá nhân là các YouTuber tại Việt Nam; sau đó có văn bản đề nghị các MCN khấu trừ thuế nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Số thu thuế từ thương mại điện tử xuyên biên giới đang dần tăng lên

Ngọc Thắng

Cơ quan thuế cũng cung cấp tên các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nội dung số có nhận thu nhập từ Google mà không đồng ý cho khấu trừ nộp thay thuế. Kết quả ghi nhận là 3.101 cá nhân với mức doanh thu 379 tỉ đồng, đã thu nộp vào ngân sách nhà nước được 20 tỉ đồng. Trong 2 năm 2017 và 2018, có 14.686 tổ chức và cá nhân mua bán qua các sàn giao dịch TMĐT, trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo…) với tổng số tiền thu hộ gần 15.100 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó chánh văn phòng Tổng cục Thuế, cho biết thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều công văn nhằm trao đổi, đối thoại và hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, trong đó có Netflix thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế Việt Nam. Theo số liệu tại hệ thống quản lý thuế, hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỉ đồng/năm. Số thu thuế từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook... từ năm 2018 đến hết tháng 9.2021 khoảng 4.099,68 tỉ đồng. Trong đó, một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.576,72 tỉ đồng; Google là 1.529,25 tỉ đồng; Microsoft là 533,01 tỉ đồng.

Phối hợp nhiều bên

Năm 2020, số thu thuế từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới đạt khoảng 1.143,8 tỉ đồng, từ tháng 1 - 9.2021 đạt khoảng 1.017,38 tỉ đồng, bằng 88,95% năm 2020. Số thu thuế TMĐT ngày càng tăng và trong thời gian tới cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh các giải pháp thực hiện thu thuế trong lĩnh vực này. Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết thực hiện nhiều giải pháp để quản lý thuế hoạt động TMĐT, trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo…).

Thường thì các sàn TMĐT, tổ chức, cá nhân có thuê các doanh nghiệp (DN) giao nhận, cung cấp dịch vụ, hàng hóa đến tay người mua và ủy quyền cho các DN này thu hộ tiền bán hàng. Cơ quan thuế đã xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các DN cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng, nhất là các DN thu hộ tiền bán hàng (COD) của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT. Chỉ tính riêng 1 đơn vị vận chuyển hàng, doanh số mua bán đã lên rất cao nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với những công ty vận chuyển khác thực hiện quản lý thuế.

Ngân hàng không thể lo ngại bảo mật thông tin khách hàng mà lại không thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến cơ quan thuế. Các quy định về quản lý thuế TMĐT hiện nay đã xác định rõ trách nhiệm của mỗi ngành, cơ quan liên quan. Trong trường hợp ngân hàng nào không chịu cung cấp, phối hợp với cơ quan thuế có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

LS Trương Thanh Đức

Hiện tại, cơ quan thuế đang triển khai xác định về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân trong danh sách, yêu cầu giải trình và xử lý theo quy định đối với các trường hợp sai phạm. Riêng đối với việc quản lý thuế trên sàn TMĐT, trong trường hợp các sàn không khấu trừ thuế đối với các giao dịch trên sàn thì thực hiện cung cấp lại dữ liệu cho cơ quan thuế.

Đối với những thu nhập xuyên biên giới, đại diện Cục TMĐT TP.HCM cho hay phụ thuộc vào sự phối hợp với các ngân hàng thương mại cung cấp dữ liệu thông tin. Sở dĩ thời gian qua chỉ mới có 4 ngân hàng cung cấp dữ liệu, còn những ngân hàng khác không phản hồi hoặc đề nghị cơ quan thuế yêu cầu thông tin cụ thể ai mới cung cấp người đó. Để có thể triển khai mạnh hơn giải pháp thu thập dữ liệu thông qua ngân hàng, trong thời gian tới cơ quan thuế sẽ tiếp tục gửi công văn đề nghị các ngân hàng cùng phối hợp. Ông Nguyễn Đức Huy cho hay, Tổng cục Thuế đang tiếp tục có các văn bản đề nghị các công ty đa quốc gia thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Năm 2020, số thu thuế từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới đạt khoảng 1.143,8 tỉ đồng, từ tháng 1 - 9.2021 đạt khoảng 1.017,38 tỉ đồng, bằng 88,95% năm 2020.

Số thu thuế TMĐT ngày càng tăng và trong thời gian tới cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh các giải pháp thực hiện thu thuế trong lĩnh vực này.

Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng việc một số ngân hàng thoái thác cung cấp dữ liệu thông tin chuyển khoản ra vào Việt Nam của khách hàng cho cơ quan thuế là điều không thể chấp nhận. Những giao dịch này đã được ngân hàng thực hiện báo cáo liên quan đến quy định phòng chống rửa tiền cho cơ quan chức năng. Đáng lý ra việc ngân hàng cung cấp thông tin TMĐT cho bên cơ quan thuế thực hiện từ 5 - 7 năm trước sẽ hiệu quả hơn trong thu ngân sách nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.