Hạ lưu sông Mê Kông khô hạn 9 tuần liên tiếp
Theo trang web của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC), trên dòng chính con sông này từ Thái Lan đến ĐBSCL có 22 trạm đo mực nước sông. Ở thời điểm hiện tại có 18/22 trạm đo cho kết quả mực nước sông thấp hơn trung bình nhiều năm. Tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long là Tân Châu và Châu Đốc cũng có kết quả thấp hơn trung bình nhiều năm.
Một nguồn độc lập khác là MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông) ngày 6.3 cũng thông tin ở hạ lưu sông Mê Kông khu vực tiếp giáp giữa Campuchia và VN đang khô hạn. Hiện tượng này đã kéo dài liên tiếp trong 9 tuần qua. Nhiệt độ cao hơn bình thường đang khiến cho các vùng đất trồng trọt chịu khô hạn nặng nề do tác động của hiện tượng El Nino. Tình trạng nhiệt độ cực cao vẫn tiếp tục duy trì trên hầu hết vùng hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt là tại dãy núi Cardamom phía bắc Lào và Campuchia, nơi mà nhiệt độ cao hơn 5 độ C so với mức bình thường.
Trong bối cảnh thời tiết khô hạn, lượng nước từ các đập thủy điện thượng nguồn xả ra lại tương đối ít, nhất là trong 2 tuần gần đây. Cụ thể, trong tuần cuối tháng 2.2024, toàn bộ chuỗi đập thủy điện thượng nguồn chỉ xả ra hơn 100 triệu m3 nước. Còn trong tuần đầu tháng 3, lượng nước xả ra tuy có tăng nhưng vẫn chưa tới 500 triệu m3.
"Thông thường, lượng nước xả từ các đập này sẽ làm mực nước sông dâng cao hơn nhiều so với bình thường vào thời điểm này trong năm. Nhưng năm nay do lượng mưa thấp vào mùa mưa năm 2023 khiến cho mực nước sông tự nhiên ở mức cực kỳ thấp. Đến thời điểm này, thủy điện hạn chế xả nước càng khiến mực nước sông trên toàn lưu vực hiện ở mức thấp hơn nhiều so với bình thường. Còn tại Biển Hồ ở Campuchia (nơi đầu nguồn sông Cửu Long) mực nước thấp hơn bình thường khoảng 0,7 m", các chuyên gia MDM cho biết.
Nước sông Mê Kông về ít là điều kiện lý tưởng để mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Trong thời gian qua, độ mặn 4‰ đã vào sâu trong đất liền tới trên 40 - 50 km, thậm chí ở một số nhánh sông, xâm nhập mặn đến 50 - 60 km. Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Từ nay đến ngày 13.3, ĐBSCL bước vào giai đoạn triều cường cuối tháng giêng. Đây là đợt triều cường khá mạnh, thêm vào đó là gió mùa đông bắc hoạt động mạnh đẩy nước mặn từ biển vào sâu trong các nhánh sông chính ở ĐBSCL.
Cụ thể, từ chiều ngày 7.3, vùng biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau gió đông bắc có cường độ cấp 3 - 4, tiếp tục mạnh dần lên tới cấp 5. Do đó, trong những ngày tới mặn sẽ xâm nhập sâu hơn, mức độ mặn cao hơn. Trong tháng 3, còn có đợt triều cường giữa tháng 2 âm lịch rơi vào giai đoạn từ 24 - 28.3.
Chạy đua ngăn mặn, chống hạn
Theo các chuyên gia, vùng cửa sông Cửu Long trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, ranh giới xâm nhập mặn là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển; khi nào sông yếu thì biển lấn sâu. Vì thế, với những địa phương này cần tranh thủ những đợt mặn ít, nước ngọt từ thượng nguồn về nhiều để lấy nước tích trữ nhằm phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Còn vùng bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, qua một phần Hậu Giang và Kiên Giang là vùng ít nhận được nước sông Cửu Long, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa.
Sự thiếu hụt nước ngọt và gia tăng mặn ở vùng này trong mùa khô phụ thuộc vào lượng mưa. Với những năm El Nino gay gắt thì vùng này thiếu nước ngọt trong mùa khô. Tình trạng thiếu hụt nước từ đầu tháng 3 kéo dài cho đến hết mùa khô vào khoảng tháng 5. Đối với những khu vực này thì cần ưu tiên nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, cần chọn các loại cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu khô hạn và xâm nhập mặn.
Trước tình trạng xâm nhập mặn gia tăng trong những ngày tới ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt sinh hoạt của người dân nhiều tỉnh ven biển, cơ quan hữu trách các địa phương đang "chạy đua" để bảo đảm nguồn nước.
Tại Bến Tre, Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh này lên kế hoạch lấy nguồn nước thô từ thượng nguồn sông Tiền bơm về các nhà máy xử lý, cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, dùng sà lan vận chuyển nước thô chưa bị nhiễm mặn về những nhà máy nước ở các địa phương bị nhiễm mặn để xử lý và phục vụ người dân. TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn khiến nhà máy nước tại đây phải tạm ngưng hoạt động.
Để đáp ứng nhu cầu nước sạch dùng trong sinh hoạt của hơn 51.000 hộ dân, đơn vị cấp nước phải dùng nguồn nước ngọt từ các nhà máy phía thượng nguồn sông Tiền. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng địa phương cũng thường xuyên theo dõi tình trạng xâm nhập mặn, kịp thời đóng các cống sớm để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất.
Tại Sóc Trăng, để ứng phó với hạn mặn và đảm bảo nước ngọt phục vụ sinh hoạt, từ cuối năm 2023, Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh đã xin chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt công suất 10.000 m3/ngày đêm với diện tích dự kiến khoảng 5 ha. Mới đây, đơn vị này tiếp tục khảo sát để đề xuất cơ quan chức năng tỉnh về việc xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000 m3/ngày đêm tại H.Châu Thành. Khu vực được khảo sát có điều kiện phù hợp để xây dựng các công trình thu nước, các hồ chứa nước sơ lắng quy mô lớn. Từ đó đảm bảo trữ lượng cũng như chất lượng nước phục vụ cho hệ thống nhà máy xử lý nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Đáng chú ý, công suất cấp nước của đơn vị này hiện tại khoảng 70.000 m3/ngày đêm; trong đó có đến 89% là nguồn từ khai thác nước ngầm.
Trung Quốc đưa vào vận hành thêm một đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông
Đối với vùng cửa sông Cửu Long năm nay có thêm một yếu tố mới ảnh hưởng đến tình trạng xâm nhập mặn là Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động đập Tuoba (Thác Bạt). Đây là con đập có công suất 1.400 MW mới hoàn thành trên dòng chính sông Mê Kông. Đập này bắt đầu tích nước từ ngày 1.2.2024. Thông thường các đập lớn khi mới đưa vào vận hành phải mất 1 năm mới tích đủ nước. Việc tích nước của đập Thác Bạt sẽ ảnh hưởng đến lượng nước về vùng hạ lưu Mê Kông, trong đó có ĐBSCL.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL
Chăm sóc vườn cây trong điều kiện hạn mặn thế nào ?
Điều quan trọng là cần thiết kế vườn phù hợp. Vườn trồng nên nằm trong vùng đê bao khép kín. Thiết kế mương đủ rộng để trữ nước tưới trong mùa khô, nhưng cũng không nên đào mương quá sâu sẽ dễ bị nước mặn thẩm thấu vào vườn. Trữ nước ngọt cho vườn cây bằng cách lót ni lông ở đáy mương để chống thất thoát nước, đồng thời nên sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Đối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn 1‰ cho cây.
Đặc biệt chú ý, không nên xử lý cây ra hoa trước và trong giai đoạn xâm nhập mặn nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu quả và phát triển quả. Hạn chế bón phân có hàm lượng đạm cao, tăng cường bón phân hữu cơ kết hợp sử dụng nấm Mycorrhiza, Trichoderma giúp tăng khả năng chống chịu của rễ cây với hạn mặn. Bên cạnh đó, phun phân bón lá có chứa kali, canxi, magiê, silic giúp cây tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu hạn mặn.
TS Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam
Bình luận (0)