ĐBSCL 'lâm nguy' vì thủy điện

12/10/2019 07:07 GMT+7

Nếu dự án thủy điện Luang Prabang của Lào được thông qua, vùng ĐBSCL sẽ sớm suy thoái, tan rã và “chìm” nhanh hơn tốc độ đã được dự báo.

Nếu dự án thủy điện Luang Prabang của Lào được thông qua, vùng ĐBSCL sẽ sớm suy thoái, tan rã và “chìm” nhanh hơn tốc độ đã được dự báo.
Sau khi chính phủ Lào chính thức báo cáo về kế hoạch xây dựng đập thủy điện mới ở Luang Prabang trên sông Mê Kông, Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) đã lập tức thông báo cho các quốc gia thành viên khác gồm Campuchia, Thái Lan và VN để chuẩn bị cho quá trình tham vấn kéo dài tối thiểu 6 tháng.
Thời gian tham vấn bắt đầu từ ngày 8.10. Trong giai đoạn này, các thành viên của MRC có thể xem xét dự án, đánh giá các vấn đề xuyên biên giới và đề xuất thay đổi.
ĐBSCL “lâm nguy” vì thủy điện

Tình trạng khô hạn khu vực sông Mê Kông sẽ tồi tệ hơn khi các đập thủy điện trữ nước để vận hành

Ảnh: Hoàng Thiện

“Cục pin” hút hết năng lượng sông Mê Kông

Kết quả nghiên cứu năm 2018 của Ủy hội Sông Mê Kông cho biết, có đến 97% trầm tích sẽ bị giữ lại nếu các con đập trên dòng chính và các chi lưu của con sông này được xây dựng. Đây là nguyên nhân khách quan, nhưng không kém phần quan trọng làm cho ĐBSCL đang dần “biến mất”

 
Thủy điện Luang Prabang được coi là một phần trong kế hoạch của Lào để trở thành “cục pin của Đông Nam Á” nhằm cải thiện kinh tế. Dự án này vốn được khởi động từ năm 2007 với sự tham gia góp vốn đầu tư của Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power). Ước tính vốn đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu của dự án vào khoảng 2 tỉ USD, dự kiến hoạt động thương mại năm 2014.
Tuy nhiên, dự án khi đó vấp phải sự phản đối từ rất nhiều tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ do lo ngại về tác động đối với môi trường. Cùng với cơ chế tính giá bán điện cho nhà máy này còn chưa rõ ràng, kế hoạch xây dựng thủy điện Luang Prabang đã bị trì hoãn.
Không từ bỏ ý định, giữa tháng 2.2019, đoàn công tác của Bộ Năng lượng và Mỏ nước của Lào đã làm việc với PV Power bàn bạc, thảo luận các vấn đề liên quan để khởi động lại dự án thủy điện Luang Prabang. Đến tháng 6.2019, PV Power đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp để xây dựng cơ chế chính sách đầu tư dự án thủy điện Luang Prabang. Sau đó, chính phủ Lào đã chính thức báo cáo về kế hoạch xây dựng đập thủy điện mới ở Luang Prabang với Ủy ban Sông Mê Kông để chuẩn bị cho quá trình tham vấn.
Ngay lập tức, Liên minh Cứu sông Mê Kông đã kêu gọi hủy bỏ dự án này vì cho rằng đập thủy điện có thể gây thiệt hại to lớn cho dòng sông. Liên minh này nhận định, việc khởi xướng tham vấn trước cho đập Luang Prabang đã bỏ qua các bằng chứng khoa học về các tác động tiêu cực.
ĐBSCL “lâm nguy” vì thủy điện

Người dân hạ nguồn ĐBSCL sẽ gặp nhiều rủi ro lũ lụt và hạn hán hơn khi các đập thủy điện được hoàn thành trên dòng chính sông Mê Kông

Ảnh: Đình Tuyển

 
Nếu được xây dựng, đập Luang Prabang, kết hợp với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay hiện nay sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sông Mê Kông ở toàn bộ vùng bắc Lào thành một chuỗi hồ nước theo bậc, dẫn đến thiệt hại lớn và không thể đảo ngược đối với sức khỏe, năng suất của dòng sông. Điều này có nghĩa là nhiều lợi ích kinh tế và xã hội mà dòng sông mang lại sẽ bị mất và dòng sông sẽ trở thành kênh nước để phát điện, chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty thủy điện.
Đồng tình, trong thông cáo báo chí mới phát đi ngày 10.10, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) khẳng định việc có thêm một đập thủy điện phía trên thượng nguồn sẽ tạo ra một cơn khát năng lượng trên dòng chính sông Mê Kông, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này.

ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers), Lào có kế hoạch cho 9 đập dọc theo dòng chính sông Mê Kông, trong khi Campuchia đã đề xuất thêm 2. Nếu những con đập đề xuất còn lại được xây dựng, sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tương lai của sông Mê Kông trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái, sinh kế của cư dân lưu vực. Các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông có thể gây ra hậu quả tai hại về môi trường - đặc biệt là ở Tonle Sap (Biển Hồ), Campuchia, một ngư trường nước ngọt chính được điều tiết nước bởi sông Mê Kông
Trong một vài thập niên gần đây, việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện khiến lượng phù sa sụt giảm đã làm giảm đáng kể sự bù lún tự nhiên, làm cho quá trình sụt lún diễn ra nhanh hơn. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi nhiều con đập ở dòng chính sông Mê Kông trên đất Lào cũng đang được xây dựng và gấp rút hoàn thành.
Kết quả nghiên cứu năm 2018 của Ủy hội Sông Mê Kông cho biết, có đến 97% trầm tích sẽ bị giữ lại nếu các con đập trên dòng chính và các chi lưu của con sông này được xây dựng. Đây là nguyên nhân khách quan, nhưng không kém phần quan trọng làm cho ĐBSCL đang dần “biến mất”.
Một nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) mới đây còn dự báo hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng... sẽ khiến gần như toàn bộ ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100. Thêm một công trình thủy điện được xây dựng là thời gian cho ĐBSCL tồn tại sẽ càng bị rút ngắn.
Thực tế, tình trạng ĐBSCL đang bị kéo chìm ngày càng biểu hiện rõ, điển hình là trận ngập lịch sử hồi đầu tháng 10 vừa qua. Đợt triều dâng sáng 30.9, mực nước trên sông Hậu tại Cần Thơ đã lên đến mức 2,25 m, tức là vượt kỷ lục 2,23 m của năm 2018 và là mức triều cường cao nhất trong vài chục năm qua. Chưa bao giờ người dân TP.Cần Thơ chứng kiến cảnh ngập lụt trên diện rộng như vậy. Các đô thị khác ở vùng giữa của ĐBSCL như TP.Long Xuyên (An Giang), Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) cũng ngập trong triều. Không chỉ ngập lụt, những thay đổi từ mực nước sông Mê Kông đang tác động rất lớn đến đời sống của người dân vùng ĐBSCL.
Giữa tháng 7, khi Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế xác nhận rằng mực nước đầu mùa lũ tháng 6 - 7 năm nay trên dòng Mê Kông đang ở mức thấp nhất trong vòng 100 năm, thì cũng là lúc mực nước ở ĐBSCL rút xuống mức rất thấp so với cùng kỳ. Lũ không về, đồng ruộng cằn cỗi, sâu bệnh, chuột bùng phát; nắng hạn, xâm nhập mặn khốc liệt hơn.
Theo đánh giá của VRN, nguồn nước sông Mê Kông trong những năm gần đây đã có biến động bất lợi đặc biệt đối với vùng ĐBSCL. Đây chính là hậu quả của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và việc xây dựng những con đập trên dòng chính.
“Dự án thủy điện Luang Prabang sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà ĐBSCL đang phải đối mặt. Trong đó, suy giảm trầm tích khiến cho đồng bằng không được kiến tạo, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, mùa lũ về muộn, thiếu nước, người dân phải khai thác nước ngầm để sử dụng. Việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đe dọa đến sinh kế, đẩy nhanh quá trình di cư và khiến cho toàn vùng trở nên suy thoái, tan rã trước cơn khát năng lượng trên dòng chính sông Mê Kông”, VRN nhấn mạnh.

Hậu quả nặng nề từ nguy cơ vỡ đập

Nhận xét về các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, cho rằng tác động lớn nhất của thủy điện lên ĐBSCL là phù sa, cát bồi đắp cho khu vực này.
Theo Đánh giá môi trường chiến lược do Ủy hội Sông Mê Kông thực hiện năm 2009, lượng phù sa đã giảm từ 160 triệu tấn/năm hiện xuống còn 80 triệu tấn và dự báo không lâu nữa sẽ chỉ còn 42 triệu tấn, tức còn 25%. Bên cạnh đó, nguồn nước và sinh kế của người dân hạ nguồn cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo ông Thiện, khi nhìn tác hại của thủy điện Mê Kông với dòng chính sông Mê Kông thì không thể nhìn từng đập riêng rẽ mà phải nhìn tổng thể. Mặc dù đập thủy điện không làm thay đổi tổng lượng nước nhưng nó sẽ làm dòng chảy bị xáo trộn hoàn toàn. Dẫn kết quả nghiên cứu từ MRC, ông Thiện nhận xét, trong những năm khô hạn, các đập sẽ phải gia tăng tích nước để chạy tuabin và mỗi 1 đập có khả năng làm chậm quá trình nước chảy từ 1,5 - 18 ngày. Cụ thể, mỗi đập đều tích đủ chiều sâu mực nước là 22 m, sau đó mới xả vận hành. Nghĩa là sau khi trữ đủ nước, đập thứ nhất xả vận hành, đập thứ hai chờ nước, đập thứ hai xả vận hành, đập thứ ba phải chờ... cứ nối tiếp như vậy qua một chuỗi đập, dòng chảy gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Từ đây, vào những năm khô hạn, nước sẽ mất 1 - 2 tháng mới về tới ĐBSCL.
Ngược lại, những năm lũ lớn, nước quá nhiều, các đập phải xả lũ để đảm bảo an toàn. Điều này sẽ gây ra lũ chồng lũ. “Trường hợp tồi tệ là nếu xảy ra vỡ đập sẽ có nguy cơ gây vỡ đập dây chuyền và thảm họa cho người dân, trước hết là người dân Lào và sau đó là Campuchia, VN”, ông Thiện nói và cho biết thêm, các nhà khoa học trong khu vực đã từng cảnh báo đập thủy điện Xayaburi của Lào được xây dựng nằm trên đường đứt gãy chạy qua, một khu vực có rủi ro động đất không nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.