Đề án tái cấu trúc kinh tế: Không có đột phá

20/04/2012 03:52 GMT+7

Chính phủ thực hiện tái cấu trúc (TCT) nền kinh tế và hôm qua đã trình UBTVQH Đề án tổng thể. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Vũ Thành Tự Anh xung quanh đề án này. Ông thẳng thắn:

“Đề án này hầu như không có gì mới so với những gì đã được thảo luận từ trước tới nay, kể cả so với Chiến lược 2011-2020. Vẫn cách tiếp cận vấn đề truyền thống, đi từ cơ cấu theo ngành nghề đến cơ cấu theo sở hữu và vùng lãnh thổ; vẫn những biện pháp cũ, tiếp tục chọn những ngành mũi nhọn như trước… Trong khi đó, hai khía cạnh rất cốt lõi của TCT, bao gồm chính sách mới (và hệ thống khuyến khích đi kèm) cùng với đổi mới bộ máy quản lý và thực thi chính sách không được đề cập một cách thỏa đáng. Với cách tiếp cận, phạm vi và những biện pháp đề xuất, về cơ bản đề án không có gì mới đáng kể so với những gì chúng ta đã và đang nói từ trước tới nay”.

Xác định rõ vai trò của DNNN

Trọng tâm của TCT nền kinh tế là TCT DNNN, đầu tư công và hệ thống ngân hàng thương mại. Theo ông, đề án đã “triệt để” TCT các lĩnh vực này chưa?

Tôi cho rằng đề án chưa đánh giá đúng mức độ kém hiệu quả của DNNN và của đầu tư công; chưa thừa nhận một thực tế đã được chứng minh hết sức rõ ràng, rằng DNNN và đầu tư công hiện rất kém hiệu quả.

Cụ thể, theo số liệu thống kê, khu vực DNNN giai đoạn 2006-2010 chiếm tới 45% tổng đầu tư toàn xã hội nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 28% GDP, 25% giá trị sản xuất công nghiệp và không đóng góp gì cho việc tạo ra việc làm mới. Điều này tương phản với vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân. Xuất phát từ sự đánh giá thiếu khách quan về vai trò thực sự của khu vực nhà nước nên tinh thần chung của đề án vẫn là coi khu vực công là giải pháp chứ không phải nguyên nhân của vấn đề hiện tại. Nếu coi khu vực công (đầu tư công, DNNN, NHTM nhà nước) là vấn đề thì nhiệm vụ của tái cơ cấu sẽ là giải quyết triệt để vấn đề đó, còn nếu coi là giải pháp thì chúng sẽ tiếp tục được hà hơi, tiếp sức. Trong khi đó, thực tế của nền kinh tế từ năm 2007 đến nay cho thấy khu vực công là một nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô và suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục xem nó là giải pháp thì đề án sẽ không thể đưa nền kinh tế đi xa so với hiện tại.

 
Đóng tàu là một trong những ngành ưu tiên phát triển của đề án tái cơ cấu kinh tế - Ảnh: M.V

Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành nghề ưu tiên của đề án như đóng tàu, luyện kim, hóa dầu... là chưa chính xác, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiếc là nhiều cái đáng lẽ phải được thừa nhận hết sức công khai là nguyên nhân dẫn nền kinh tế đến tình trạng hiện nay lại vẫn được coi là “cứu cánh” trong giai đoạn “TCT”. Không chỉ thế, cách chúng ta chọn ngành mũi nhọn, ngành đi đầu vẫn với quan điểm lạc hậu của một chiến lược phát triển công nghiệp theo kiểu cũ. Đó là thay thế hàng nhập khẩu đi đôi với bảo hộ, trợ cấp, và ưu đãi. Chính sách đúng đắn hơn là kiến tạo môi trường với những chính sách thân thiện hơn với DN, đào tạo lao động có kỹ năng cao hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng hơn… để tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phát triển chứ không phải chọn trước các "quán quân" và chỉ định luôn "người thắng cuộc" một cách duy ý chí. Cách tiếp cận như đề án, chọn luôn một số ngành nghề là quán quân sẽ tiếp tục làm giảm động cơ trở nên hiệu quả của các ngành này, đồng thời tạo ra bất công với các ngành khác. Tái cơ cấu, suy cho cùng, là thay đổi cơ cấu và cách thức phân bổ nguồn lực để làm nền kinh tế hiệu quả hơn. Nếu vẫn rót thêm nguồn lực vào các ngành kém hiệu quả thì như vậy không phải tái cơ cấu theo hướng tích cực, mà thực ra là “tái cơ cấu ngược”, tức là làm cho nền kinh tế kém hiệu quả hơn chứ không phải làm cho nó có sức cạnh tranh và hiện đại hơn.

Đề án đề cập khá nhiều đến việc giảm đầu tư công, giảm phụ thuộc vốn vào ngân hàng nhưng lại "quên" mất các giải pháp về nguồn lực để thực hiện, thưa ông?

Tôi cũng thấy ngạc nhiên khi đề án không đề cập gì đến nguồn lực cần thiết về thể chế, tổ chức và tài chính để thực hiện các biện pháp do đề án nêu ra. Đơn cử như việc giải quyết nợ xấu của hệ thống NHTM, nếu như tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 3,5% tổng dư nợ tín dụng như công bố thì có thể vấn đề nguồn lực tài chính là không quá quan trọng. Tuy nhiên, nếu con số ấy tăng lên thì số tiền cần thiết để giải quyết nợ xấu sẽ rất lớn so với nguồn lực của quốc gia. Khi ấy, tính khả thi của các biện pháp tái cơ cấu trở nên không chắc chắn.

DN tư nhân ở đâu ?

Theo cá nhân ông, tại sao một đề án như vậy lại bỏ quên khá nhiều vấn đề quan trọng như nói trên?

Chắc chắn là có nhiều nguyên nhân, nhưng theo quan sát từ bên ngoài tôi thấy có hai nguyên nhân lớn.

Đầu tiên là do đề án này được tổng hợp từ các đề án bộ phận, mà các đề án bộ phận đều được thực hiện khá vội vàng, trước sức ép cấp bách phải hành động của Chính phủ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ cuối năm 2008 Chính phủ đã giao cho Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nghiên cứu xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế; và đến tháng 3.2009 thì CIEM đã chuẩn bị xong bản thảo đầu tiên. Thế nhưng từ tháng 3.2009 đến tháng 9.2011 việc tái cơ cấu không được thảo luận thêm, cho đến khi Chính phủ yêu cầu bốn đơn vị (bao gồm Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, NHNN và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN) chuẩn bị ba đề án chỉ trong vòng hai tháng.

 

Tôi cũng thấy ngạc nhiên khi đề án không đề cập gì đến nguồn lực cần thiết về thể chế, tổ chức và tài chính để thực hiện các biện pháp do đề án nêu ra

Vũ Thành Tự Anh
Thứ hai, không loại trừ nguyên nhân là bản đề án này cũng như các bản đề án bộ phận bị trì kéo bởi tác động của các nhóm đang được hưởng lợi từ nguyên trạng. Cũng cần lưu ý thêm rằng các bản đề án này hầu như không có bóng dáng của khu vực tư nhân (cả trong và ngoài nước), khu vực hiện nay đóng góp tới hơn 2/3 GDP, 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp, và 100% việc làm mới cho nền kinh tế trong khu vực chính thức.

Đề án hiệu quả hay không cũng sẽ mất nhiều thời gian để áp dụng nhưng khó khăn của nền kinh tế thì không thể đợi. Theo ông, những giải pháp nào có thể thực hiện ngay để hỗ trợ DN lúc này?

Đó là tiếp tục bình ổn kinh tế vĩ mô một cách vững chắc và giảm chi phí vì đây là hai tiền đề quan trọng để duy trì năng lực cạnh tranh của VN. Trong ngắn hạn, giảm chi phí rất quan trọng đối với nền kinh tế của chúng ta. Gần đây chúng ta nói rất nhiều đến việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù việc giảm lãi suất là cần thiết nhưng không đủ để tạo ra một nền kinh tế hiệu quả về chi phí. Hiện có hai chi phí lớn hơn mà DN đang phải gánh chịu, đó là chi phí cơ hội và chi phí gây ra do sự bất định. Với hệ thống hành chính như hiện nay thì rất nhiều cơ hội đang và tiếp tục sẽ tuột khỏi tay DN. Bên cạnh đó còn có chi phí do tính bất trắc của môi trường kinh tế gây ra. Sự bất trắc này vừa làm tăng chi phí, vừa làm thoái chí DN. Tôi tin rằng việc giảm 1-2 điểm phần trăm lãi suất không quan trọng bằng việc giảm hai loại chi phí kể trên.

13 nhóm giải pháp của đề án

1. Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển.

2. Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.

3. Đổi mới cơ chế phân bố, quản lý và sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.

4. Đổi mới sâu sắc, toàn diện cơ cấu và cơ chế quản lý DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, trước hết là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

5. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

6. Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế phân cấp và phối hợp quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển.

7. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài.

8. Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương (về mục tiêu, nguồn lực, cơ chế và cách thức thực hiện, theo dõi, đánh giá và bổ sung, điều chỉnh…) nhằm tăng hàm lượng khoa học, tăng tỷ lệ giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.

9. Thực hiện các chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng các DN dân doanh.

10. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở nông thôn.

11. Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển.

12. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế.

13. Phát triển khoa học và công nghệ.

N.Khanh

Chưa đồng thuận Đề án tái cấu trúc kinh tế

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, hôm qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu có mặt tại phiên họp đã dễ dàng nhận ra những điểm chưa hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đề án nêu 3 tiền đề trọng tâm để tái cơ cấu kinh tế là ngân hàng, đầu tư công và DN nhà nước (DNNN), song lại chưa làm rõ nguồn lực tái cơ cấu kinh tế là gì, vì “chi phí này rất quan trọng”. Dẫn chứng từ các nước trên thế giới, họ sử dụng chi phí phục vụ cải cách kinh tế để vượt qua khủng hoảng có khi lên tới 10% GDP, bà Mai đề nghị Chính phủ cần làm rõ “chi phí cho tái cấu trúc kinh tế của ta cần bao nhiêu, trong đó bao nhiêu chi phí từ ngân sách nhà nước, bao nhiêu từ nguồn lực DN, nguồn lực xã hội”.

 
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

Đây cũng chính là quan điểm của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế - khi báo cáo một số ý kiến nhận xét về đề án tại phiên họp. Theo Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến thường trực ủy ban cho rằng đề án chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian… thực hiện. Trong khi đó, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo ủy ban này là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực.

Liên quan đến nguồn lực tái cấu trúc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có giải pháp khắc phục được “căn bệnh thừa tiền” của nền kinh tế. Theo ông Hiển, cơ cấu lại nền kinh tế bằng 2 bàn tay thị trường và nhà nước nhưng thị trường là chính thì khi cơ cấu lại thị trường tài chính nói chung phải khắc phục được căn bệnh thừa tiền, phải chuyển dịch được nguồn lực tài chính từ nơi không hiệu quả sang nơi hiệu quả. “Nếu nền kinh tế thừa tiền sẽ dẫn tới lạm phát, DN thừa tiền là đầu tư kém hiệu quả, hộ gia đình thừa tiền sẽ tiêu dùng kém hiệu quả. Cho nên phải chuyển dịch dòng tiền từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả thông qua công cụ thuế và chính sách tiền tệ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lý giải thêm.

Ông Hiển cũng đề nghị Chính phủ chỉ nên khoanh gọn mục tiêu đề án, tập trung vào 2 nội dung chính, đó là tái cơ cấu phải đáp ứng được nền kinh tế phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững ở mức độ cao hơn; và phải tạo ra được cơ cấu kinh tế hợp lý về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khu vực kinh tế vùng miền, ngành…

Theo kết luận của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp, Chính phủ và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát lại nội dung đề án để hoàn chỉnh báo cáo QH tại kỳ họp thứ 3 tới.

Cuối năm 2012 sẽ thông qua luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi

Tại phiên họp chiều 19.4, Chính phủ đã trình Ủy ban TVQH đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và điều chỉnh chương trình của năm 2012. Theo đó, trong năm 2013 sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 59 dự án, trong đó có 21 dự án thuộc chương trình chuẩn bị. Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào nửa đầu năm 2013, Chính phủ sẽ trình QH cho ý kiến 12 dự luật, trong đó có luật Đất đai (sửa đổi) được đề nghị điều chỉnh thời hạn trình, từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2012) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

Chính phủ đề nghị tại kỳ họp thứ 4 (2012) sẽ trình QH 17 dự án luật, trong đó có 9 dự luật được thông qua tại kỳ họp, như luật Thủ đô và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân.

Liên quan đến các dự luật trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó có luật Biển Việt Nam, Chính phủ cho biết dự luật này hiện đang được Bộ Ngoại giao phối hợp với các ủy ban của QH chỉnh lý dự thảo.

Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa luật MTTQ sửa đổi vào chương trình năm 2013, tức là trình tại kỳ họp 5 và thông qua tại kỳ họp 6; bổ sung dự luật Trưng cầu dân ý vào chương trình chuẩn bị của năm 2013 so với các nội dung Chính phủ đề nghị.

Bảo Cầm

Bảo Cầm

Nguyên Hằng

>> Tái cấu trúc kinh tế cần bao nhiêu tiền?
>> Tìm giải pháp tái cơ cấu Bianfishco
>> Tái cấu trúc nền kinh tế bắt đầu từ doanh nghiệp nhà nước
>> Tái cơ cấu nguồn nhân lực trong khó khăn
>> Kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp
>> Tái cơ cấu 10 ngân hàng
>> Các tập đoàn "đua" tái cơ cấu
>> Xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng
>> Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
>> Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế
>> Tái cơ cấu Vinashin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.